Hoạt động của ngành

Hội chợ làng nghề truyền thống Điện Bàn (Quảng Nam) 2009

Cập nhật: 01/06/2009 10:51:45
Số lần đọc: 2167
Từ tranh gỗ Âu Lạc, chiêng đồng Phước Kiều, gốm Lê Đức Hạ (đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong nước) đến những sản phẩm mới được trình làng của tre hun khói Trúc Quảng, của những đồ vật xinh xinh làm từ cây quế với nhãn hiệu Chim Gõ Kiến... Từ những gian hàng ẩm thực đậm chất quê hương với mùi thơm nồng của bê thui Cầu Mống, ngọt bùi của mít trộn... Người Điện Bàn có quyền tự hào về sự đi lên không ngừng của một vùng đất vốn được mệnh danh "đất của trăm nghề".

Được nhiều người biết đến bởi danh tiếng của những sản phẩm thủ công mỹ nghệ như gỗ Âu Lạc, gốm đỏ Lê Đức Hạ..., Hội chợ làng nghề truyền thống Điện Bàn (diễn ra từ ngày 4 đến ngày 7/6/2009 tại Bảo tàng Điện Bàn) sẽ tiếp tục tạo ấn tượng bởi những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới lạ và độc đáo. Những bộ bàn ghế, những bức tranh có hình Chùa Cầu, Mỹ Sơn hay “Đám cưới chuột”... được ra đời từ tre hun khói hứa hẹn sẽ là điểm dừng chân cho nhiều người.

Với cái tên khá lạ, gian hàng của Chim Gõ Kiến cũng sẽ là nơi níu chân những ai thích các sản phẩm làm từ cây quế thơm nồng. Rồi hàng loạt các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đèn lồng Đỗ Trân, Đặng Dạn, mây tre mỹ nghệ Điện An... thực sự sẽ là một điểm nhấn quan trọng của hội chợ. Ông Trần Úc - Trưởng phòng Công Thương Điện Bàn khẳng định: “Với thế mạnh về làng nghề và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tại hội chợ lần này chúng tôi sẽ tập trung khai thác và giới thiệu những sản phẩm mới lạ. Điều này chứng tỏ được một tiềm lực về sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Điện Bàn với du khách. Cách bài trí các gian hàng cũng được giao cho các cơ sở tự quyết để họ thể hiện được ý tưởng của mình, đồng thời tạo nên được nhiều nét mới và hấp dẫn với người xem".

Hơn 20 gian hàng trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống không thể thiếu sự xuất hiện của chiêng đồng Phước Kiều, của bánh tráng Phú Triêm, của chiếu chẽ Triêm Tây vốn đã được xem là đặc trưng của vùng đất này. Cùng với đó là sự tham gia của các gian hàng dệt thổ cẩm của đồng bào Cơtu (Nam Giang), làng nghề truyền thống trống Lâm Yên (Đại Lộc)... "Chúng tôi muốn tạo nên được một sự giao lưu về thương mại cũng như về văn hóa trong hội chợ lần này. Múa cồng chiêng Phước Kiều, mặc trang phục được làm từ thổ cẩm người Cơtu, đánh trống Lâm Yên thực sự mang nhiều ý nghĩa, một nét rất riêng của người xứ Quảng" - ông Phạm Nên, Trưởng phòng VHTT Điện Bàn, cho biết. Việc lấy hàng thủ công mỹ nghệ làm điểm nhấn tại hội chợ lần này còn được thể hiện ở việc ban tổ chức sẽ có một cuộc thi làm sản phẩm lưu niệm đối với tất cả các đơn vị, cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tham gia hội chợ. Đây được xem là điều kiện để các nghệ nhân cũng như những ai yêu mến hàng thủ công mỹ nghệ thể hiện tài năng, lòng đam mê của mình.

Với tiềm lực về các làng nghề truyền thống, Điện Bàn còn là vùng đất tiềm năng cho các sự phát triển của ngành công nghiệp hiện đại. Ngoài Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc đang phát triển mạnh mẽ, trên toàn huyện còn có hàng trăm cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp. Mục tiêu phấn đấu trở thành huyện công nghiệp đang dần trở thành hiện thực. Hội chợ lần này đặc biệt có sự tham gia trưng bày sản phẩm của hơn 15 doanh nghiệp đến từ địa bàn trong và ngoài huyện cũng là cơ hội để Điện Bàn thể hiện được sự lớn mạnh của ngành kinh tế được xem là mũi nhọn này.

Một gian hàng ẩm thực với sự xuất hiện tất nhiên không thể thiếu là Bê thui Cầu Mống cũng sẽ là điểm hấp dẫn với nhiều du khách ở xa đến. Rồi món mít trộn ngọt bùi của Hội Phụ nữ xã Điện Quang cũng sẽ khiến cho những ai đã lâu lắm rồi không được thưởng thức món ăn dân dã này ghé chân. Hằng đêm, tại khuôn viên hội chợ, du khách sẽ được nghe hô bài chòi, nghe hát tuồng và được giao lưu ca nhạc cây nhà lá vườn với người dân Điện Bàn... "Trong tương lai không xa,  Quảng Nam sẽ nâng cấp và phát triển Hội chợ làng nghề truyền thống thành Festival làng nghề truyền thống, sẽ có các cuộc thi sản phẩm lưu niệm cấp tỉnh để nhằm khuếch trương và nâng tầm làng nghề truyền thống của huyện nhà cũng như của tỉnh Quảng Nam” .

Nguồn: website báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục