Non nước Việt Nam

Bánh ú tro Hội An ngày Tết Đoan Ngọ

Cập nhật: 20/06/2018 10:08:50
Số lần đọc: 1025
Mờ sáng mùng 5/5 (Âm lịch), gia đình chị Lê Thị Tý (phường Cẩm Châu, TP. Hội An, Quảng Nam) vớt ra mẻ bánh ú tro cuối cùng để giao cho các bạn hàng kịp bán cho người dân mua về cúng dịp Tết Đoan Ngọ.


Chị Lê Thị Tý (bìa phải) cùng mọi người gói bánh

Năm nào cũng vậy, bắt đầu từ mùng 2-5 (Âm lịch), lò bánh ú tro của nhà chị lại tấp nập người đến phụ gói bánh. Mỗi người một việc, từ vuốt (vo) nếp, ngâm tro, cắt lá, làm nhân, gói bánh… Chị Tý chia sẻ: “Nghề làm bánh ú của nhà chị đã được ba đời, từ ông bà truyền cho ba mẹ và giờ đến chị. Mỗi năm gia đình chị chỉ làm trong ba ngày từ mùng 2 đến mùng 4 tháng 5 Âm lịch”.

Bánh ú tro được chị chuẩn bị công phu, lá để gói là lá kè (lá cây đót) đặt mua từ huyện Phước Sơn được luộc qua, cắt gọn. Dây buộc bánh từ sợi lác ở Cẩm Kim phơi khô. Tro ngâm với vôi lọc sạch lấy nước, sau đó dùng nước để ngâm với nếp đã được vuốt sạch, để ráo. Nếp ngâm có mầu hơi ngả vàng, được dùng để gói bánh ú. Có hai loại bánh có nhân (thêm đậu xanh) và không nhân. Bánh được nấu trong sáu tiếng thì chín.

Cô Dư Thị Anh (64 tuổi), mọi người gọi thân mật là cô Năm vừa thoăn thoắt tay gói bánh vừa kể, cô biết gói từ lúc nhỏ, thường theo mẹ đi gói bánh, đến giờ cũng đã gần 40 năm. Mỗi năm cô lại cùng các chị em trong phường ghé nhà chị Tý để phụ gói bánh. Công việc bắt đầu từ 0 giờ hoặc một, hai giờ sáng cho đến tầm quá trưa khi đã hết nếp thì nghỉ để kịp nấu bánh. Trong ba ngày, cô gói được tầm 5.000 bánh, thu nhập hơn một triệu đồng.

Tính chung, cả gia đình và người làm phụ, lò bánh ú của chị Lê Thị Tý có mười người. Năm nay, chị gói 30 nghìn bánh trong ba ngày để giao cho các bạn hàng ở chợ Hội An và xuất đi Đà Nẵng. Trừ hết chi phí, chị thu nhập được bảy đến tám triệu đồng.

Vừa ghé lò bánh mua về 50 chiếc bánh ú tro, chị Phan Thị Tố Yên chia sẻ: “Năm nào cũng thế, vào dịp Tết Đoan Ngọ, tôi cũng ghé mua bánh ú về, cùng với hoa, trái cây và đồ ăn, mỗi thứ một ít để có đủ vị cúng tổ tiên với mong muốn mọi thứ được đủ đầy, êm ấm”.

Bánh ú tro sau khi luộc chín, ăn vào vừa dai dai, vừa giòn giòn, mọi người thường ăn với đường để đậm vị. Theo chị Tý, ngày chị còn nhỏ, cả phố ở Hội An nhà nào cũng làm bánh ú tro để bán, nhưng giờ mọi người đều đã bỏ nghề gần hết. Đối với chị, làm bánh ú tro không chỉ bởi có thu nhập, mà bởi đây là nghề truyền thống của gia đình, nên cứ đến dịp chị lại làm bánh và cùng với chị em trong phường rộn rã với nhau ba ngày, vừa để nhớ lại những nếp xưa của phố cổ…

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT