Hoạt động của ngành

Quảng Ninh nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch

Cập nhật: 03/01/2018 08:18:12
Số lần đọc: 549
Những năm gần đây, ngành “công nghiệp không khói” của Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường du lịch, Quảng Ninh đã không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Nhà hát múa rối nước Hoa Sen Hạ Long (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) - một địa chỉ du lịch mới đi vào hoạt động cuối năm 2017.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Được đánh giá là một trong những điểm đến du lịch với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử nổi tiếng nhưng việc giữ chân du khách ở lại lâu hơn với Quảng Ninh vẫn còn có những hạn chế. Để khắc phục điều này, thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, tăng sự hấp dẫn cho các điểm đến.

Theo đó, ngành Du lịch tỉnh đã tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, chú trọng đến khai thác các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong đó, phải kể đến các nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng ở một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào khai thác, như: Du lịch khám phá, trải nghiệm, tìm hiểu các nét văn hóa của cư dân địa phương ở Đông Triều, Quảng Yên, Cô Tô... Đặc biệt, một số sản phẩm du lịch mới ở xã đảo Cái Chiên (Hải Hà), Bình Liêu, Tiên Yên, được đưa vào khai thác trong thời gian gần đây đã đáp ứng được phần nào nhu cầu tìm hiểu, khám phá những điều mới mẻ của du khách.

Điều đáng nói, hoạt động quản lý, khai thác các tuyến, điểm du lịch luôn được ngành Du lịch quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển các khu, điểm du lịch. Đến nay, Quảng Ninh có 12/14 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch với 33 tuyến và 87 điểm du lịch và 1 khu du lịch địa phương. Các tuyến, điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long đang được quan tâm tiến hành khảo sát bổ sung và triển khai các bước đầu tư về cơ sở hạ tầng đảm bảo phục vụ khách du lịch. Việc công bố, xây dựng các tuyến, điểm du lịch đã góp phần quảng bá và thu hút đầu tư vào các địa phương để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng đã nỗ lực đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao đưa vào khai thác, thu hút khách. Các tập đoàn lớn: Sun Group, Vin Group, BIM, Tuần Châu... đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch như: Cáp treo Nữ hoàng, vòng quay mặt trời, công viên nước..., đã đem lại một diện mạo mới cho du lịch Quảng Ninh.

Cùng với việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, ngành Du lịch chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch từ dịch vụ cơ sở nhà hàng, khách sạn, tàu tham quan du lịch trên Vịnh Hạ Long, các điểm vui chơi giải trí để gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm nhiều điểm đến, vui chơi và chi tiêu nhiều hơn.

Ngành kinh tế mũi nhọn

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, do đó thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành Du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.

Điều đáng nói, nếu trước đây, sản phẩm du lịch chỉ tập trung chủ yếu ở trung tâm du lịch TP Hạ Long thì đến nay ngành Du lịch đã tăng cường phối hợp với các địa phương mở rộng không gian du lịch, phát triển thêm các tour, tuyến, tăng thời gian lưu trú của du khách, giảm sự quá tải ở các trung tâm du lịch.

Theo đó, Quảng Ninh trung phát triển du lịch tại 4 trung tâm, gồm: Hạ Long; Đông Triều - Uông Bí - Quảng Yên; Vân Đôn - Cô Tô; Móng Cái - Trà Cổ và các vùng bổ trợ. Đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù dành cho các thị trường du lịch mục tiêu; tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển đảo; văn hóa tâm linh; sinh thái; nghỉ dưỡng cao cấp; biên giới - mua sắm có chiều sâu, lấy chất lượng là ưu tiên hàng đầu để thu hút các thị trường cao cấp. Phát triển sản phẩm du lịch theo hướng cân bằng cung - cầu, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch là yêu cầu cấp thiết của tất cả các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của du khách. Song, để làm được điều đó, cần sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương trong việc giữ gìn an ninh trật tự, chủ động tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho du khách. Nâng cao chất lượng du lịch chính là lời chào mời để Quảng Ninh luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương.

Vấn đề chất lượng dịch vụ đã được xác định là nội dung trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; với quan điểm phát triển tập trung về chiều sâu có chất lượng, có hiệu quả và có tính bền vững, đảm bảo có thương hiệu có sự cạnh tranh. Đó là quan điểm đột phá có tính xuyên suốt trong thời gian tới.

Những nỗ lực trong việc đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong thời gian qua đã góp phần thu hút khách du lịch đến với Quảng Ninh, đưa du lịch lên một tầm cao mới. Năm 2017, ngành Du lịch Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực: Tổng số khách du lịch ước đạt 9,87 triệu lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 4,28 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 17.885 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục