Non nước Việt Nam

Mộ cổ Châu Can (Hà Tây cũ): Một di chỉ khảo cổ độc đáo

Cập nhật: 07/01/2009 08:57:20
Số lần đọc: 1840
Nằm trên thửa ruộng Ao Hồn trong lòng con mương chảy từ sông Nhuệ ra phía quốc lộ số 1 thuộc xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, ngôi mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ 3 đến đầu thế kỷ 2 trước công nguyên thể hiện một loại hình mai táng độc đáo mà chắc rằng Bảo tàng Hà Nội sau này sẽ quan tâm trưng bày giới thiệu khi đề cập đến những vấn đề lịch sử của Thủ đô phần địa giới mở rộng.

Giới khảo cổ học vẫn quen gọi đây là loại mộ thuyền, một trong những đặc trưng cơ bản của văn hóa Đông Sơn với những chiếc quan tài được làm bằng thân cây khoét rỗng có hình thù giống như chiếc thuyền.

 

Những quan tài tìm thấy trong mộ cổ Châu Can có chiều dài từ 1,85 đến 2,32m, đường kính trên dưới 0,5m. Thân cây gỗ ở đây được bổ dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp quan tài. Người ta đẽo sơ qua bên ngoài và khoét thành hình lòng máng bên trong, hai đầu chừa lại một khoảng trống để làm vách đầu và đuôi quan tài, nắp và thân được giữ khít nhau bằng 4 cái chốt hoặc 4 nút buộc xuyên qua các lỗ ở sát mép của chiếc áo quan, đồng thời còn chêm thêm nêm gỗ để cho nút buộc được căng. Ở một vài mộ còn tìm thấy những sợi dây song vót mỏng buộc ngang quan tài giúp cho phần nắp và thân khít chặt vào nhau.

 

Bên trong quan tài, người quá cố được đặt nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng, hai tay đặt song song với thân người bọc bằng những lớp vải mỏng hoặc lớp lá chẻ nhỏ đan lại một cách cẩn thận. Đáng chú ý là ngôi mộ còn có nhiều đồ tùy táng chất liệu đồng: rìu xéo, giáo, lao, gương đồng...và những đồ dùng bằng tre, gỗ, gốm, thậm chí còn có cả hiện vật làm bằng vỏ quả bầu.

 

Việc phát hiện mộ cổ Châu Can cho biết thêm một loại hình chôn cất mới của tổ tiên ta cách ngày nay hơn 2000 năm trên vùng đất Hà Tây cũ. Đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện một khu mộ thuyền với số lượng đáng kể, gồm 8 ngôi được bảo lưu khá nguyên vẹn. Cũng lần đầu tiên, chiếc lao với cán tre còn nguyên dạng, những chiếc rìu xéo lắp cán gỗ, trong đó một đầu cán rìu đẽo gọt theo dáng dấp hình đầu chim trên trống đồng của văn hóa Đông Sơn được phát hiện, chứng tỏ quá trình người Việt cổ thời kỳ này đứng trước các biến cố mới của sự thay đổi môi trường đã từ vùng trung du chuyển xuống sinh sống ở vùng thấp trũng gần sông nước, ao hồ của đồng bằng châu thổ Bắc Bộ.

 

Nguồn: website HNM

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT