Hoạt động của ngành

Thái Nguyên - nơi hội tụ đa sắc màu văn hóa

Cập nhật: 21/08/2017 10:52:28
Số lần đọc: 1207
Đến với Thái Nguyên, du khách có cơ hội tìm về cội nguồn của loài người với Mái đá Ngườm Thần Sa, với núi Đuổm hoang sơ kỳ vĩ, đắm mình trong câu chuyện tình lãng mạn của nàng Công, chàng Cốc và say sưa tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Việt Nam…

Thái Nguyên thu hút du khách bởi phong cảnh hữu tình, non xanh nước biếc, với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn. Nơi đây có ATK - an toàn khu kháng chiến Định Hóa; có hang Phượng Hoàng, Suối Mỏ Gà với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, hang động đẹp, còn khá nguyên sơ; có Đền Đuổm thờ phò mã Dương Tự Minh và 2 người vợ của ông; Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam - nơi trưng bày, giới thiệu nhiều hiện vật là di sản văn hoá truyền thống của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam; có Khu du lịch Hồ Núi Cốc với câu chuyện tình lãng mạn về chàng Cốc, nàng Công…

ATK - An toàn khu kháng chiến

ATK thuộc xã Phú Đình, huyện Định Hóa. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chọn đặt căn cứ chỉ huy cuộc kháng chiến từ năm 1946 đến 1954.



Cách thành phố Thái Nguyên 50km về phía Tây Bắc, Định Hóa có địa hình lý tưởng “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ” và là vùng đất khá thuận lợi trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm cũng như giao thương với các địa phương khác. Không những thế Định Hóa còn là nơi có phong trào quần chúng vững mạnh…

Từ mùa Xuân năm 1947 ở khu vực Việt Bắc đã hình thành ATK của các cơ quan Trung ương, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Định Hóa - Thái Nguyên, Chợ Đồn - Bắc Cạn, Sơn Dương và Yên Sơn - Tuyên Quang, là đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ, quân đội và mặt trận Liên Việt (nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) ở và làm việc từ năm 1946 đến 1954.
 

Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Bác trồng, phiến đá Bác thường nằm nghỉ trưa... ATK là cũng nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH Trung ương đã họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953-1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên... về giảm tô và cải cách ruộng đất... Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy.

Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách... Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý.

Bên cạnh các di tích chính như đồi Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom... cụm di tích ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử như: đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 -1945; rừng Mấn - nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng. Đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây… Tất cả những di tích lịch sử này đều đã được xếp hạng quốc gia.

Ðến với ATK, du khách có thể trở về với một vùng chiến khu xưa, để có thể hiểu biết thêm về hoạt động của những người con đất Việt đã hiến dâng cho sự nghiệp bảo vệ đất mẹ yêu quý.

Hồ Núi Cốc - vẻ đẹp non nước hữu tình

Khu du lịch hồ Núi Cốc nằm trên địa bàn huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 15km về hướng Tây Nam. Ði theo tỉnh lộ Ðán - Núi Cốc trải nhựa phẳng phiu, uốn lượn qua những cánh đồi chè mát mắt, xanh non là tới khu du lịch Núi Cốc. Hồ nằm giữa một khung cảnh thiên nhiên kì thú sơn thuỷ hữu tình. Nơi đây nổi tiếng bởi nét đẹp thiên tạo tự bao năm nay và bởi cả sắc màu huyền thoại của truyền thuyết nàng Công, chàng Cốc - một người ra đi nước mắt chảy thành sông còn một người chờ đợi hóa thành núi.
 

Hồ Núi Cốc là hồ nhân tạo, chắn ngang dòng sông Công. Hồ được khởi công xây dựng năm 1993, hoàn thành cơ bản năm 1994. Hồ gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ. Diện tích mặt hồ khoảng 25km2, lòng hồ sâu trung bình 35m, dung tích nước hồ khoảng 175 triệu m3. Trên mặt hồ rộng mênh mông có tới hơn 89 hòn đảo, có đảo là rừng cây xanh, có đảo là nơi trú ngụ của đàn cò, có đảo là quê hương của loài dê, có đảo có đền Bà chúa Thượng Ngàn…

Khu du lịch Hồ Núi Cốc được xây dựng trên một khuôn viên rộng có những cảnh quan thiên nhiên đẹp với không khí trong lành, mát mẻ. Xung quanh hồ là những dãy núi, rừng cây bao phủ và đồi chè xanh mướt nhấp nhô tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp. Du khách có thể đi thuyền tham quan các đảo đất, ngắm cảnh hồ, khám phá ngôi nhà hơn 200 tuổi với nhiều di vật quý giá trên Núi Cái, quần thể chùa Thác Vàng... hoặc vui chơi trong công viên nước khi mùa hè tới.

Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam

Nằm giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, cạnh dòng sông Cầu thơ mộng, Bảo tàng được xây dựng vào năm 1960 và hiện đang là một trong bảy Bảo tàng quốc gia của Việt Nam. Bảo tàng đang quản lý gần 30.000 đơn vị tài liệu hiện vật gốc quý hiếm thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam.
 

Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình kiến trúc quy mô, mang nhiều tính nghệ thuật, đã đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về công trình kiến trúc đợt 1 năm 2006. Trên một khuôn viên rộng, có nhiều cây cổ thụ (tổng diện tích gần 40.000m2 trong đó có hơn 3.000m2 sử dụng cho khu trưng bày, kho bảo quản hiện vật và các hoạt động khác), Bảo tàng giới thiệu nhiều hiện vật là di sản văn hoá truyền thống của đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam thông qua hệ thống trưng bày gồm 6 phòng, mỗi phòng sử dụng gần 2.000 đồ vật gồm các đơn vị hiện vật gốc, ảnh và tài liệu khoa học bổ trợ.

Cách xa Thủ đô Hà Nội khoảng 80km, tuy nhiên không vì thế mà Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam mất đi lợi thế. Tiếp cận cách thức và phương pháp giáo dục mang tính động, gắn văn hóa truyền thống với cuộc sống đương đại, khám phá văn hóa truyền thống trong không gian bảo tàng mới định hình từ năm 2010 đến nay, Bảo tàng đã hoàn thành không gian trưng bày ngoài trời với 6 vùng văn hóa: núi cao, thung lũng, đồng bằng trung du Bắc Bộ, ven biển miền Trung, Trường Sơn - Tây Nguyên và Nam Bộ. Mỗi vùng văn hóa có một công trình kiến trúc làm điểm nhấn để tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ khách tham quan.



Bên cạnh đó, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cũng đã đặt ra cho mình mục tiêu đưa Bảo tàng trở thành “lớp học thứ hai”, “trường học ngoài trường học” của học sinh để giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam thẩm thấu, kết nối tới cuộc sống đương đại. Chính vì vậy, những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng cùng với những kiến thức về khoa học, tự nhiên, xã hội ở nhà trường đã giúp các em học sinh hình thành một thế giới quan khoa học biện chứng, nhìn nhận khách quan về sự việc đã diễn ra trong quá khứ, phát triển theo dòng thời gian, bao quát được lát cắt của không gian, tránh cái nhìn phiến diện, một chiều, áp đặt.
 

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà nhu cầu của khách tham quan ngày càng cao, Bảo tàng đã đổi mới phương pháp tiếp cận, tìm tòi tổ chức nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm và kết nối lữ hành tạo nên các sân chơi lành mạnh, đáp ứng được mọi đối tượng thăm quan, đem đến với công chúng những giá trị đích thực khơi nguồn từ văn hóa Việt Nam.

Được ví như “mái nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S, du khách khi đến tham quan Bảo tàng không chỉ được chiêm ngưỡng một bức tranh toàn cảnh, tìm hiểu về cội nguồn, truyền thống, văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước mà còn được trải nghiệm các hoạt động để khám phá những kiến thức về văn hóa dân tộc, hiểu thêm những câu chuyện hiện vật đang trưng bày trong Bảo tàng khiến nó trở nên sống động và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Cùng với Khu du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc, Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa…, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách trong và ngoài nước khi đến với Thái Nguyên./.

Nguồn: Cinet.vn

Cùng chuyên mục