Hoạt động của ngành

Phong phú tiềm năng du lịch sinh thái tỉnh Quảng Trị

Cập nhật: 13/07/2017 09:16:19
Số lần đọc: 1090
Trong những năm lại đây việc phát triển du lịch thiên nhiên nói chung và du lịch sinh thái nói riêng có ý nghĩa quan trọng không chỉ về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa đặc biệt đối với sự phát triển bền vững của du lịch. Ngoài ý nghĩa góp phần bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng; sự phát triển du lịch sinh thái đã và đang mang lại những nguồn lợi kinh tế to lớn, tạo cơ hội tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng người dân các địa phương, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa - nơi có các khu bảo tồn tự nhiên và các cảnh quan hấp dẫn.

Tỉnh Quảng Trị thuộc khu vực phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ, nằm ở giao điểm của hai hành lang phát triển quan trọng nhất của quốc gia và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng là trục hành lang Bắc- Nam theo Quốc lộ 1A và Hành lang kinh tế Đông-Tây. Quảng Trị là vùng lãnh thổ có tính đa dạng sinh học cao, mang nhiều yếu tố đặc thù, đặc hữu và độc đáo do những yếu tố phát sinh tính đa dạng sinh học có những nét đặc trưng riêng. Cùng với đa dạng sinh học kết hợp với nhiều cảnh quan đẹp là nguồn tài nguyên du lịch sinh thái phong phú tạo điều kiện để Quảng Trị đẩy mạnh phát triển du lịch.

 


Về tài nguyên thiên nhiên: Quảng Trị hiện nay có 03 khu bảo tồn thiên nhiên (Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông: 37.640ha, Bắc Hướng Hoá: 23.300ha và Khu bảo tồn đường Hồ Chi Minh Huyền thoại: 5.680ha;  với tổng diện tích các khu bảo tồn rừng này là: 66.620ha); 01 khu sinh thái Trằm Trà Lộc, 01 khu rừng di tích Rú Lịnh, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Với tài nguyên đa dạng sinh học vô cùng phong phú: Theo kết quả cập nhật từ các báo cáo nghiên cứu gần đây, bước đầu Quảng Trị đã ghi nhận được 1.853 loại thực vật, 67 loài thú, 193 loài chim, 49 loài bò sát lưỡng cư, 210 loài bướm, 69 loài mối, 72 loài cá nước ngọt, 199 loài thuỷ sinh.  Nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới: 24 loài thực vật; 3 loài cá; 18 loài lưỡng cư, bò sát; 15 loài chim; 28 loài thú. Nhiều loài đặc hữu của khu vực như: Gà lôi lam mào trắng, gà lôi lam mào đen, thỏ vằn... Ngoài ra, rừng Quảng Trị còn nằm trong vùng chuyển tiếp của hai vùng sinh thái Nam và Bắc thuộc vùng Trung Trường Sơn, nơi đây được tổ chức Birdlife đánh giá là 1 trong 18 vùng chim quan trọng trên đất thấp của Việt Nam.


Ngoài sự phong phú về tính đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn còn có một hệ thống các cảnh quan đẹp có thể khai thác cho du lịch như: Hệ thống các hang động tại cây số 10 quốc lộ 14, km49 thuộc khu vực Tà Rụt, các thác nước tự nhiên đẹp ở km12, km64 khu vực A Bung kết hợp với dòng chảy tự nhiên của sông Đakrông có thể phát triển du lịch mạo hiểm thám hiểm hang động. Tại các vùng rừng nguyên sinh có thể lập các trạm du lịch sinh thái ngắm các loài thực vật quý hiếm, cây cổ thụ, các loài động vật hoang dã thông qua các con đường mòn vào sâu trong rừng tại các khu vực Khe Làng An, Triệu Nguyên, Ba Lòng, Km 32 Húc Nghì…; Tại Hướng Hóa có đèo Sa Mù, đỉnh Voi mẹp và hệ sinh thái rừng á nhiệt đới phân bổ theo đai cao là nơi có thể tổ chức các tuyến du lịch leo núi, nghỉ mát; Tại Rú lịnh có thể xem rừng tự nhiên nằm giữa đồng bằng trên một vùng đất đỏ bazan khá phong phú nằm sát biển Cửa Tùng với diện tích khoảng 100ha. Tại huyện Hải Lăng có thể thăm khu đất ngập nước khoảng 30ha, đây là nơi hội tụ các luồng lạch, mạch nước từ các cồn cát tiên ra; trên cát bao quanh trằm là thảm thực vật rừng nguyên sinh khá phong phú...

 

Cùng với đó Quảng Trị có hệ thống sông ngòi khá dày đặc, mật độ trung bình 0,8-1 km/ km2. Do đặc điểm địa hình bề ngang hẹp, có dãy Trường Sơn núi cao ở phía Tây nên các sông của Quảng Trị có đặc điểm chung là ngắn và dốc, cảnh quan các sông đều rất hấp dẫn cả khu vực hạ lưu và thượng nguồn. Đặc biệt sông Đakrông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, gần biên giới Việt – Lào với sông Rào Quán, chảy dọc theo đường 9, xuôi về Ba Lòng rồi đổ ra Cửa Việt theo sông Thạch Hãn có tiềm năng du lịch sinh thái rất cao. Sông Đakrông có truyền thuyết về nguồn gốc đượm chất sử thi và nhân văn. Du khách vừa chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, vừa được lắng nghe câu chuyện về cô gái Đakrông. Đoạn tại cầu treo Đakrông được xem là đoạn sông đẹp nhất. Tuy không rộng nhưng đoạn sông này uốn lượn quanh co, men theo chân những dãy núi cao dựng đứng hai bên. Có nơi nước sông phẳng lặng, lững lờ trôi, lại có nơi nước cuộn ào ào như thác, vượt qua những dãy đá nhấp nhô giữa sông. Những năm 1959 – 1964, đoạn sông này là điểm vượt bí mật của tuyến đường dây 559- tuyến đướng mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh đầu tiên. Ba điểm đầu Khe Xom, Cầu Cu Tiến và Xóm Ròm (cách trung tâm khu danh thắng Đakrông 3 – 7km về phía Đông) đã được đưa vào danh mục nhưng di tích Quốc gia năm 1986. Trên lưu vực sông có thảm thực vật rất phong phú, nhiều cây cổ thụ có kích thước lớn. Đặc biệt, có hai hang động nguyên sinh (theo dân địa phương gọi là Hang Đười Ươi và Hang Chình).

 

Về văn hóa bản địa: Đakrông và Hướng Hoá là hai huyện có số lượng người Vân Kiều, Pacô sinh sống lớn nhất trong toàn tỉnh Quảng Trị. Đây là hai dân tộc có bản sắc văn hóa riêng và nếu khai thác được có thể xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trao đổi văn hoá tại các bản làng của người Vân kiều và PaCô. Đây là mô hình đề cao sự bền vững về môi trường, văn hóa xã hội, do cộng đồng tham gia cùng hưởng lợi, cho phép du khách nâng cao hiểu biết về cộng đồng, về cuộc sống đời thường và các nền văn hóa khác nhau.  

Để biến tiềm năng du lịch sinh thái thành một ngành kinh tế phát triển bền vững góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh, trong thời gian qua tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng xúc tiến đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch theo hướng quy hoạch phù hợp với thiên nhiên, cảnh quan và con người. Bên cạnh đó ngành du lịch cũng đã tích cực kết nối các tour tuyến du lịch khác với du lịch sinh thái để tạo liên kết giữa các sản phẩm du lịch độc lập tạo thành hệ thống sản phẩm du lịch liên hoàn. Đồng thời đầu tư bảo tồn các di sản, di tích; khôi phục và phát triển các lễ hội, các làng nghề truyền thống; đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường tự nhiên và nhân văn./.

Nguồn: dulich.quangtri.gov.vn

Cùng chuyên mục