Non nước Việt Nam

Một số trò chơi dân gian trong ngày tết người Hà Nhì đen ở Lào Cai

Cập nhật: 29/04/2009 15:40:14
Số lần đọc: 2527
Mỗi khi tết đến xuân về nơi những cư dân người Hà Nhì đen sống dưới chân rừng già nguyên sinh Ý Tý lại nô nức đón xuân vui tết bằng những lời ca tiếng hát và những trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng riêng của dân tộc vùng cao. Đặc biệt trò chơi dân gian diễn ra trong dịp lễ tết được đông đảo mọi tầng lớp, lứa tuổi tham gia rất sôi nổi, nhiệt tình tạo thành nét sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc.

1. Trò chơi quay cây “Pa lu gư”

 

Quay cây “Pa lu gư” là một trò chơi độc đáo và hấp dẫn mọi người chơi cũng như người xem. Để chơi trò này mỗi người tham gia phải chuẩn bị cho mình một đoạn ngọn cây hóp dùng làm dụng cụ quay.

 

Dụng cụ quay là ngọn cây hóp bánh tẻ có độ dẻo dai và bền. Để dụng cụ chơi được lâu, sau khi lấy ngọn về người Hà Nhì hơ lửa đều chỗ tay cầm ở đầu ngọn rồi vặn soắn khoảng 20 cm cho khi chơi cầm quay được thoái mái. Cây quay của người lớn có độ dài 2,2 - 2,5m; cây quay của trẻ em dài 1 m.

 

Những người tham gia trò chơi thường từ 6 tuổi trở lên, không phân biệt nam nữ, già trẻ, nhưng đông hơn cả vẫn là nhóm thanh thiếu niên.

 

Địa điểm tổ chức quay cây “Pa lu gư” thường ở bãi đất bằng đầu làng. Ngay từ sáng sớm ngày Tỵ tháng giêng từ người già cho đến các em, ai cũng diện bộ trang phục dân tộc truyền thống mới nhất và đẹp nhất để đi vui xuân. Người tham gia chơi hội đi thành từng tốp, nam - nữ. Chơi quay cây có hai cách như sau: Cách thứ nhất là chơi quay cây hai người (một người quay và một người nhảy); cách thứ hai là chơi quay cây có nhiều người (một người quay và nhiều người nhảy). Khi chơi có hai động tác chủ yếu:

 

Động tác 1; người cúi khom về phía trước hình chữ v, tay phải cầm cán ngọn hóp để ở phía sau lưng, tay trái đỡ lấy phần thân hóp; đến động tác 2; Thực hiện lấy đà cho tay phải cầm cán ngọn vòng lên phía trước từ phải qua trái. Tay phải bỏ ra để cây hóp theo đà văng vóng lên phía trước, rồi để thân cây hóp vòng qua dưới chân trái. Khi đó chân trái phải nhấc lên vòng quay quay chân phải chân phải nhấc lên theo nhịp 1-2 chân trái lên, chân phải xuống, cứ thế mỗi lúc người quay càng quay nhanh mạnh hơn.

 

Trò này cũng được chơi luật như sau: Những người chơi đứng thành một vòng tròn, ở giữa là người quay. Người quay thực hiện các động tác như trên, theo nhịp và quán tính của vòng quay, những người chơi bắt nhịp nhảy vào vòng quay. Người nhảy vào vòng không đúng nhịp sẽ bị thân cây quay đập vào chân bị đau và cuộc chơi tạm dừng lại, người này vào cầm quay cho mọi người khác vòng nhảy. Khi đã tham gia vào vòng quay đòi hỏi người nhảy phải nhanh chân nhanh mắt, tốc độ vòng quay mỗi lúc một nhanh và mạnh hơn thì người chơi càng phải thật nhanh. Có thể nhảy một chân lên một chân xuống hoặc nhảy cả hai chân lên khi vòng quay qua. Khi quay mạnh người quay phải dùng hai tay cầm cán quay mới mạnh và tốc độ vòng quay nhanh đến chóng mặt. Cứ thế cuộc chơi tiếp diễn đến khi mọi người cùng mệt thì trò chơi kết thúc.

 

 2. Đu dây “Agừ”

 

 Đu dây “A gừ” là trò chơi mang tính nghi lễ, được tổ chức sau lễ cấm bản và cúng rừng tháng giêng; thầy cúng và các gia đình cùng nhau làm dây và cột đu để cho các thành viên, con cháu trong làng được dịp vui chơi ngày tết.

 

Dây đu là loại dây có vỏ màu đỏ, đường kính 4-5 cm, có độ dai và bền sử dụng được vài tháng. Người làm dây đu phải là ông thầy cúng chính của làng. Dây đu được buộc vào hai cây cột trụ có khoảng cách một sải tay, cao khoảng 2,5 m. Để tránh cho sự cọt sát giữa dây và thân cây trụ, khi buộc thầy cúng đệm lót rơm chỗ tiếp xúc. Khi dựng dây đu xong, thầy cúng làm phép lấy lá cây ở khu rừng cúng “Gạ ma gio” rồi cho lá cây này đu trước với ý nghĩa đưa các thần rừng tham gia vui chơi trước, sau đó đến thầy cúng đu mới đến các thành viên khác.

 

Đu dây có 2 cách chơi: Chơi đơn một người; chơi kép 2 người (nam - nữ)

 

Khi chơi một người: thân người đứng thẳng lấy đà kéo dây đu về phía mình bước hai chân đứng lên bàn đạp, dùng sức nhún hai chân đẩy người lên khỏi đu sẽ bay cao, khi lên cao cũng làm ngược lại. Muốn cho cao hơn vẫn tiếp tục nhún lấy đà, chú ý phải nhún đều đều, cứ thế khi nào không muốn chơi nữa tự hãm người lại bằng cách đứng thẳng người tự khắc đu sẽ chậm lại, đến lượt người tiếp theo.

 

 Khi chơi hai người (nam - nữ): cả hai người chơi đều bước lên bàn đạp đối mặt vào nhau, dùng sức nhún hai chân. Cả hai người cùng tạo ra một hợp lực đẩy đu lên cao, đu càng cao tiếng reo hò cổ vũ càng mạnh mẽ. Sau khi không muốn chơi nữa cả hai người cũng đứng thẳng lại đu từ từ dừng lại và bước xuống. Đu dây thường phải có đôi hoặc là đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ, họ tự thi giữa các đôi xem đôi nào đu dây lên thật cao và thật nhanh thì đôi đó thắng cuộc. Khi đu hai người đứng ở bàn đạp quay mặt vào nhau, người nhún lên xuống để lấy đà cho dây đu đi thật xa, đòi hỏi người chơi phải hiểu ý nhau; khi muốn lấy thêm đà, người đẩy khỏi bàn đạp dây đu gần đến vị trí giáp đất đưa một chân xuống đẩy đồng thời kết hợp với động tác nhún và cách nhún kéo đà của người đối diện. Trong lúc đu họ cùng nhau nhún xuống bàn đạp đẩy người lên cao, lúc bên nam lên trên, lúc bên nữ lên trên tạo thành cảnh tình tứ thân mật. Những đôi đu giỏi nhận được sự tán thưởng của đông đảo người xem bằng tiếng vỗ tay và tiếng hò reo. Thực chất cuộc chơi đu dây là để người ta tìm bạn, các chàng trai cô gái ở tuổi cập kê tìm chọn bạn cho mình để cùng nhau vui chơi. Sau cuộc đu dây nhiều đôi đã nên duyên vợ chồng.

 

 3. Đu quay “A quý”

 

 Đây cũng là trò chơi mang tính nghi lễ, thầy cúng phải thực hiện các công đoạn từ dựng cột trụ, lắp thân đu quay, rồi đưa lá cây biểu tượng cho thần rừng tham gia vui chơi, sau đó mới đến lượt người dân tham gia cuộc chơi.

Cột đu có trụ cao khoảng 1,2 -1,5 m, thân đu là một cây gỗ dài khoảng 10 m, có khoét lỗ ở giữa lắp vào trụ, buộc dây để đỡ phần thân và trụ đề phòng khi đu thân trượt ra khỏi trục trụ.

 

 Người chơi chủ yếu là nam nữ thanh niên vì trò này trẻ nhỏ không đủ sức tham gia. Mỗi bên đầu cầu đu có 2 đến 4 người đứng đối nhau (hai đội), vòng quanh là người xem và các đội tham gia thi đu quay. Chiều quay cây đu ngược theo chiều kim đồng hồ. Chơi đu này có hai cách:

 

-  Cách chơi thứ nhất:

 

 Hai đội ngồi lên sóng cầu đu, người này ôm vào thắt lưng người kia, chân thả xuống đất, người số 1 cầm chắc tay cốt an toàn, tốp con gái đứng dưới sóng cầu đu dùng hết sức đẩy cho cột sóng cầu đu quay tròn càng nhanh càng tốt. Cách chơi này gần giống như chơi bập bênh, một đầu lên cao một đầu xuống thấp, khi bên đầu nào xuống thấp người ngồi sau thả chân đập xuống đất đẩy lấy đà cho vòng đu quay, bên này lên bên kia xuống cùng nhau nhịp nhàng tạo đà đu quay rất vui. Nếu như bên nào không chịu được phải xuống coi như chịu thua. Tốp con gái đứng giữa đều véo tai bên thua, bắt các cậu con trai phải hát hoặc thổi kèn kèn lá hoặc phải uống rượu.

 

- Cách chơi thứ hai:

 

Tay bám vào sóng cầu đu, áp phần bụng dựa vào sóng cầu đu, cả hai bên đều dùng chân đẩy mạnh xuống đất từ 4 đến 6 bước, miễn sao cho sóng cầu đu quay tròn, lúc thuận, lúc nghịch, một bên ghìm xuống thấp bằng tầm chân; một bên ôm chặt cầu đu bổng người lên cao, khi hết đà, bên cao đổi xuống, cứ như vậy hai bên đổi nhau, nếu bên nào cũng khỏe như nhau thì sóng cầu đu quay tít như con quay vậy. Cả hai bên đều có tài thì các thần năm ấy sẽ phù hộ cho dân bản làm ăn gặp nhiều may mắn.

 

 Đối với người Hà Nhì đen ở Lào Cai, chỉ có ngày tết mới dựng cột đu khi hết tết người ta hạ cột đu vì cột đu và cách chơi nó mang tính tín ngưỡng phồn thực. Ngày tết dựng cột đu mong muốn một năm mới người dân làm ăn sinh sôi phát triển.

 

Nguồn: website Lào Cai

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT