Hoạt động của ngành

Phát triển sản phẩm du lịch mới cho khu vực Bắc Trung bộ

Cập nhật: 27/12/2016 08:01:57
Số lần đọc: 1404
(TITC) – Tại buổi Tọa đàm diễn ra sáng ngày 22/12 tại thành phố Thanh Hoá, đại diện các doanh nghiệp du lịch đã chia sẻ nhiều ý kiến nhằm phát triển sản phẩm du lịch mới tại các tỉnh Bắc Trung bộ, góp phần khôi phục hoạt động du lịch sau sự cố môi trường biển.


Ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch)

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình khảo sát sản phẩm du lịch các tỉnh Bắc Trung bộ do Tổng cục Du lịch tổ chức từ ngày 17 – 22/12/2016 với sự tham gia của gần 50 đại diện đến từ các doanh nghiệp du lịch và cơ quan thông tấn báo chí.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) - Trưởng đoàn khảo sát; bà Vương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa; đại diện Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh; cùng các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, khách sạn, cung cấp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và các thành viên trong đoàn khảo sát.

Khu vực Bắc Trung bộ bao gồm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế là vùng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với nhiều di tích lịch sử, văn hoá, kiến trúc có giá trị được UNESCO công nhận, cùng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, trong đó nổi bật là những bãi biển đẹp, trải dài dọc miền Trung.

Tuy nhiên, sự cố môi trường biển miền Trung từ tháng Tư vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân trong khu vực trên nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch. Lượng khách du lịch đến các tỉnh Bắc Trung bộ, đặc biệt là 3 tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh bị sụt giảm nghiêm trọng, tình hình kinh doanh lữ hành, khách sạn cũng như nhiều dịch vụ du lịch khác trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.


Toàn cảnh buổi toạ đàm

Qua chuyến khảo sát thực tế 6 ngày tại 6 tỉnh Bắc Trung bộ, các đại biểu đánh giá cao tiềm năng, lợi thế và sức hấp dẫn của các điểm đến du lịch. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú, ăn uống tại các điểm đến cần được nâng cao để đáp ứng yêu cầu của du khách; sản phẩm du lịch cần được đa dạng hóa để phù hợp với nhiều thị trường khách; cần khai thác tối đa lợi thế tại điểm đến để tạo ra các sản phẩm mới bổ sung cho du lịch biển như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, du lịch văn hóa, làng nghề…; các địa phương cần tăng cường liên kết, xây dựng sản phẩm; các cơ sở kinh doanh lưu trú, ăn uống trên địa bàn cần có chính sách hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lữ hành trên cả nước đưa khách về địa phương. Ngoài ra, cần chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đặc biệt là quảng bá trên các mạng xã hội, tạo hiệu ứng rộng khắp trong và ngoài nước; đồng thời thông tin thường xuyên tới du khách về tình trạng an toàn của biển miền Trung để du khách sớm trở lại du lịch.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Đạo Dũng đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp thiết thực của các đại biểu, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí trên cả nước tiếp tục đồng hành cùng các tỉnh miền Trung xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đề xuất định hướng khai thác hợp lý các điểm du lịch, tuyên truyền, quảng bá điểm đến du lịch miền Trung nhằm giúp các địa phương sớm khắc phục hậu quả, hoạt động du lịch tại miền Trung sớm được khôi phục, thu hút khách du lịch trở lại trong năm tới.

Tin, ảnh: Thanh Tâm

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục