Hoạt động của ngành

Khởi động du lịch cộng đồng Tam Thanh, Quảng Nam

Cập nhật: 22/12/2016 09:34:56
Số lần đọc: 1147
Xây dựng dự án chi tiết, tổ chức hội thảo, khảo sát điều tra… là những công việc mà TP.Tam Kỳ (Quảng Nam) đã thực hiện thời gian qua nhằm biến Tam Thanh trở thành điểm nhấn mới trên bản đồ du lịch thành phố.


Biển Tam Thanh còn khá hoang sơ và sạch sẽ. Ảnh: V.L

Lợi thế

Tam Thanh có 8km bờ biển hoang sơ cùng hạ tầng giao thông thuận lợi, nhất là con đường ven biển kết nối từ Hội An, trung tâm du lịch của tỉnh. Đặc biệt, điểm nhấn nổi trội nhất hiện nay của Tam Thanh chính là làng bích họa (thôn Trung Thanh), nơi có khoảng 70 bức họa được sơn vẽ bắt mắt trên tường các ngôi nhà trong làng với những chủ đề khác nhau, từ thiên nhiên, đất nước đến cuộc sống sinh hoạt người dân… Từ khi hoàn thành đến nay, làng bích họa đã trở thành điểm đến thường xuyên của nhiều bạn trẻ và du khách. Bên cạnh đó, một lợi thế quan trọng của Tam Thanh chính là nằm trong khu vực quy hoạch phát triển du lịch ven biển Khu kinh tế mở Chu Lai với nhiều dự án thương mại, du lịch đã và sẽ triển khai… Tất cả yếu tố trên đã tạo điều kiện cơ bản thúc đẩy du lịch Tam Thanh phát triển không chỉ hiện nay mà trong những năm tới.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trong “Dự án thí điểm phát triển du lịch sinh thái thành phố Tam Kỳ dựa trên sự tham gia của cộng đồng”, Bãi Sậy Sông Đầm và Tam Thanh là 2 điểm được chọn thí điểm phát triển du lịch cộng đồng nhằm tạo sự lan tỏa ra những nơi khác. Trong đó, Tam Thanh với những tiềm năng, lợi thế nổi trội được kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm khác biệt cho du khách sau này. “Trong chiến lược phát triển du lịch của Tam Kỳ, bãi biển Tam Thanh được xác định là một điểm đến hấp dẫn của chuỗi các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Việc thực hiện dự án du lịch cộng đồng tại Tam Thanh sẽ giúp khơi dậy các tiềm năng, mang lại thu nhập cho cộng đồng địa phương, nâng cao nhận thức và hành vi của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái trong khu vực” - ông Nam nói.

Thực tế, không chỉ đến khi làng bích họa ra đời Tam Thanh mới “nổi tiếng” mà từ trước đó nơi đây đã được biết đến như là một vùng quê yên bình với con đường thơ mộng ven biển xanh ngát bóng cây, nhất là bãi biển trong xanh, cát trắng. Theo ông Lê Ngọc Ty – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thanh, với lợi thế của một vùng quê có biển, có sông và các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống như nước mắm, vá lưới, lễ hội cầu ngư, hô hát bài chòi… hứa hẹn xây dựng thành công mô hình làng du lịch cộng đồng sinh thái nơi đây. “Ngoài điểm nhấn là làng bích họa, chúng tôi cũng đang nghiên cứu, đề xuất mở rộng các sản phẩm du lịch như vẽ tranh trên thuyền, thúng, phục hồi nghề đan thuyền nan, nhất là hình thành con đường bách hoa hai bên đường Thanh niên chạy qua các làng… ” - ông Ty thông tin.

Tạo sự thay đổi

Mới đây, UBND TP.Tam Kỳ cũng đã phối hợp với các tổ chức, đối tác trong và ngoài nước như  Hiệp hội đô thị (ACVN) và Liên minh các đô thị (CA), UN – Habitat, IUTC/tỉnh Gangwon (Hàn Quốc)… hoàn thành dự án “Phát triển du lịch văn hóa sinh thái dựa vào cộng đồng tại biển Tam Thanh”, nhằm phát triển Tam Thanh theo mô hình du lịch sinh thái bền vững gắn với cải tạo cơ sở hạ tầng cảnh quan và nhà cửa trong khu vực. Đặc biệt, hướng đến trang bị kiến thức và năng lực cho cộng đồng trong việc cung cấp các dịch vụ du lịch văn hóa sinh thái, làng nghề tại chỗ, qua đó nâng cao thu nhập người dân. Khách đến Tam Thanh ngoài tham quan làng bích họa, trải nghiệm các giá trị văn hóa, thiên nhiên còn có thể dạo quanh làng bằng phương tiện xe đạp hoặc tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao biển như chợ quê, cắm trại, câu cá…, dự kiến dự án sẽ kéo dài đến tháng 5.2017.

Dù tất cả mới chỉ là khởi đầu, nhưng với người dân, việc Tam Thanh được chọn xây dựng điểm đến du lịch đã mang đến những kỳ vọng và cơ hội lớn, hứa hẹn sự thay đổi. Niềm tin này còn trở nên mạnh mẽ hơn khi mà hiệu quả du lịch từ làng bích họa mang lại thời gian qua cho người dân khá rõ nét. Bà Nguyễn Thị Hoa (tổ 6, thôn Trung Thanh) chia sẻ, cái được nhất của du lịch mang lại cho bà con chính là đã biến vùng quê yên bình này trở nên sôi động, nhộn nhịp hơn. “Từ lúc có làng bích họa đến nay mỗi ngày nhà tôi giữ xe cho khách cũng thêm được ít đồng tiền chợ, nhưng vui hơn cả là làng xóm xôn xao hơn. Mới một làng bích họa mà đã như thế này, nếu mai mốt phát triển du lịch mạnh nữa thì chắc là đông vui lắm” - bà Hoa háo hức.

Có thể thấy những kỳ vọng của du lịch mang lại cho cộng đồng là rất lớn và chính đáng, tuy vậy từ ý muốn đến triển khai dự án, đón khách là một câu chuyện dài. Đó không chỉ là sự đồng thuận tham gia của người dân và chính quyền địa phương mà còn phụ thuộc lớn vào sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn từ các chuyên gia và các nhà quản lý du lịch, nhất là vai trò của những doanh nghiệp lữ hành, những người đưa khách đến. Tuy vậy, thực tế thời gian qua, sự tham gia của các chuyên gia du lịch cộng đồng và các đơn vị lữ hành còn khá mờ nhạt, chưa kể quy mô dự án khá dàn trải cũng như chưa xây dựng được các sản phẩm khác biệt nên đòi hỏi cần quan tâm nghiên cứu sâu hơn khi thực hiện dự án. Ông  Lê Ngọc Ty nói: “Theo quy mô dự án ban đầu sẽ có 4 thôn tham gia là Thượng Thanh, Trung Thanh, Hạ Thanh 1, Hạ Thanh 2 nhưng qua đợt khảo sát của Trường Đại học Kỹ thuật và thiết kế Singapore tháng 11 vừa rồi, họ muốn mở rộng mô hình du lịch cộng đồng này ra toàn xã, kể cả quy hoạch những làng homestay với các công trình vệ sinh công cộng cho khách sử dụng khi lưu trú nên sẽ hạn chế được các nguồn lực của người dân khi đầu tư vào các homestay của mình”. Đây cũng là hướng đi khá “kỳ lạ” so với các mô hình du lịch cộng đồng hiện nay trên địa bàn tỉnh.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục