Hoạt động của ngành

Hội nghị lữ hành “Cát Bà Xanh - điểm hẹn mùa thu 2016”

Cập nhật: 29/09/2016 10:03:04
Số lần đọc: 967
(TITC) - Ngày 26/9 tại đảo Cát Bà, UBND huyện Cát Hải phối hợp với Sở Du lịch Hải Phòng tổ chức hội nghị lữ hành “Cát Bà Xanh - điểm hẹn mùa thu 2016”.


Các đơn vị du lịch, lữ hành ký biên bản hợp tác liên kết lữ hành du lịch với Trung tâm hướng dẫn du lịch huyện Cát Hải; Nguồn ảnh: Báo an ninh Hải Phòng

Đây là dịp để Cát Bà giới thiệu với các đơn vị lữ hành trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh miền Trung những điểm độc đáo, nổi bật và hấp dẫn của quần đảo Cát Bà trong mùa thu đông; đồng thời cũng là dịp để lãnh đạo huyện Cát Hải lắng nghe ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn nhằm tìm ra “cú hích” để du lịch Cát Bà xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn song vẫn bảo tồn được vẻ đẹp tự nhiên và phát triển bền vững.

Bí thư Huyện ủy Cát Hải Bùi Trung Nghĩa cho biết, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra mục tiêu đưa Cát Bà trở thành điểm du lịch xanh đẳng cấp quốc tế, xứng đáng với vị thế và tiềm năng của đảo Ngọc. Vì vậy để phát huy thế mạnh và vai trò của du lịch, huyện Cát Hải đang tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Thành phố Hải Phòng cũng chỉ đạo huyện Cát Hải xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà đẳng cấp và hấp dẫn trên cơ sở phát huy tốt những lợi thế về cảnh quan, gắn với hoạt động bảo vệ môi trường. 

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch nhận định: Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, sự thuận lợi về vị trị địa lý và hạ tầng giao thông như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, sân bay quốc tế Cát Bi, cạnh kề Vịnh Hạ Long là những điểm mạnh, đem lại lợi thế cạnh tranh cao so với các địa danh khác trong khu vực. Hiện tại và tương lai, Cát Bà sẽ là điểm đến quan trọng của Hải Phòng và Việt Nam. Để tận dụng các điều kiện lý tưởng này, huyện Cát Hải cũng như thành phố Hải Phòng cần tập trung vào 2 điểm nhấn quan trọng là xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu “Cát Bà xanh” và thu hút phân khúc khách hàng cấp cao. 

Các đại biểu tham dự hội nghị đã cho thấy Cát Bà là nơi tập trung lợi thế của cả 3 loại hình du lịch rừng, biển, đảo và là nơi duy nhất trên thế giới có loài Voọc đầu trắng tồn tại và nhiều động vật quý hiếm cần được bảo vệ khẩn cấp. Điểm nổi bật trong sản phẩm du lịch Cát Bà chính là nhóm sản phẩm du lịch sinh thái - điểm tạo nên sự khác biệt giữa Cát Bà với Hạ Long, giữa Cát Bà với nhiều biển đảo khác ở Việt Nam. Vào mùa thu du khách đến Cát Bà còn được thưởng thức các món hải sản chế biến từ các loài sinh vật đang tích tụ nhiều dinh dưỡng và các đặc sản khác như dê núi Cát Bà, gà Liên Minh, khoai sọ mí vằn luộc chấm mật ong rừng Cát Bà, khoai sắn nướng tro...

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như: cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển từ Hải Phòng ra Cát Bà còn nhiều khó khăn; cơ sở lưu trú đạt chuẩn chưa nhiều, vào dịp cao điểm và cuối tuần thường không đủ phòng dẫn đến tình trạng tăng giá, chất lượng dịch vụ chưa tốt; sản phẩm du lịch phong phú nhưng chưa có điểm nhấn; tàu tham quan vịnh Lan Hạ chưa đảm bảo chất lượng; liên kết tuyến điểm với Vịnh Hạ Long còn nhiều khó khăn, giá thành cao; thiếu thông tin chỉ dẫn tại các tuyến điểm... 

Các nhà đầu tư cũng đề nghị Hải Phòng cần có cơ chế đặc thù khuyến khích các nhà đầu xây dựng hạ tầng từ Hải Phòng ra Cát Bà thuận lợi hơn để tiết kiệm thời gian cho khách du lịch. Ngoài ra, cần có những điểm du lịch nổi bật thu hút du khách.

Trong 9 tháng qua, khách du lịch đến với Cát Bà vượt khoảng 23,7% so năm trước. Mục tiêu đến năm 2020, Cát Bà sẽ thu hút được khoảng 2 triệu lượt khách/năm, theo tỉ lệ 50% du lịch vào mùa hè, 50% du lịch vào các mùa khác và tập trung vào những nhóm du khách đem đến doanh thu cao./.

Thế Phi

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục