Hoạt động của ngành

Đánh thức tiềm năng du lịch Tiên Yên, Quảng Ninh

Cập nhật: 22/06/2016 08:36:28
Số lần đọc: 1232
Một vài năm trở lại đây, Tiên Yên được giới đam mê du lịch khám phá tìm đến nhiều bởi những giá trị riêng có về cảnh quan thiên nhiên, nét văn hoá riêng biệt của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại đây.

Mũi Lòng Vàng - một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Tiên Yên. Ảnh: Thu Hương
Tuy chưa phải là điểm đến nổi tiếng như Hạ Long, Đông Triều, Uông Bí hay Vân Đồn, song xét về tiềm năng du lịch, Tiên Yên có thể xem là một trong những địa phương có nhiều lợi thế và điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp “không khói”. Thời gian qua, Tiên Yên đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ nhằm khai thác triệt để tiềm năng phát triển du lịch sẵn có của địa phương.

Hệ thống tài nguyên tự nhiên của huyện Tiên Yên tương đối phong phú, hấp dẫn, được hình thành bởi đặc điểm tổng hoà của các yếu tố địa chất, địa hình, khí hậu, động thực vật. Các tài nguyên này vẫn chưa bị con người can thiệp nhiều, giữ được những nét hoang sơ vốn có. Với sự phong phú, đa dạng này, huyện có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch khám phá, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, leo núi... Về tài nguyên du lịch sinh thái, Tiên Yên có thác Pạc Sủi nổi tiếng, có hồ Khe Táu, hồ nước ngọt tự nhiên có diện tích lớn, cảnh quan đẹp và không khí trong lành, mát mẻ; mũi Lòng Vàng có nước biển xanh biếc với những bãi cát vàng trải dài hút tầm mắt… Trên địa bàn huyện còn có khoảng hơn 5.000ha bãi triều, trong đó có khoảng 3.000ha rừng ngập mặn được đánh giá là đa dạng sinh học nhất, nhì miền Bắc với hệ thống động, thực vật trù phú. Trên vùng đất của hơn 4,5 vạn dân nơi đây có sự cộng cư lâu đời của 9 dân tộc anh em, nên vùng đất giàu tài nguyên này chứa đựng một bề dày văn hoá hết sức đa dạng, giàu bản sắc. Toàn huyện hiện có 39 di tích lịch sử, văn hoá tập trung nhiều nhất tại thị trấn Tiên Yên, xã Tiên Lãng, Yên Than, Điền Xá.

Thời gian qua, huyện đã tiến hành khảo sát, phân loại và đánh giá tổng quát hệ thống tài nguyên du lịch trên địa bàn; từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch sẵn có của địa phương. Hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch của Tiên Yên được huyện đẩy mạnh thực hiện thông qua nhiều hình thức. Hàng năm, huyện tổ chức Lễ phát động các hoạt động hưởng ứng Tuần du lịch Quảng Ninh, đồng thời kết hợp phát động phong trào “Khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ”, “Người Việt Nam du lịch Việt Nam - Mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc” trên địa bàn huyện. Huyện cũng phối hợp với Công ty TNHH Hoàng Anh tổ chức khảo sát, xây dựng được 2 chuyên trang là “Du lịch Đồng Rui” và “Đồng Rui - Đảo ngọc” để quảng bá du lịch Đồng Rui. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện cũng được quan tâm thực hiện. 3 năm qua, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu cho sản phẩm miến dong Tiên Yên, gà Tiên Yên, rượu ba kích, mật ong Tiên Yên, khau nhục và kẹo lạc hồng. Song song với đó, huyện phối hợp với Sở Du lịch tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực du lịch cho cán bộ một số phòng, ban chuyên môn, công chức văn hoá của 12 xã, thị trấn; Bí thư Đoàn thanh niên; Bí thư của một số thôn, khu phố và chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ trên địa bàn huyện.

Công tác quy hoạch các địa điểm du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch tiềm năng được huyện chú trọng. Huyện từng bước quy hoạch hệ thống công viên cây xanh trên địa bàn, hệ sinh thái rừng ngập mặn, các danh thắng (hồ Khe Táu, thác Pạc Sủi), di tích lịch sử văn hoá (Khe Tù, di chỉ Hòn Ngò, chùa Quán Âm, chùa Linh Quang, miếu Đại Vương, chùa An Long) để đầu tư, tôn tạo, xây dựng và mở rộng trong tương lai để nơi đây trở thành những điểm tham quan học tập giáo dục truyền thống, văn hoá tín ngưỡng tâm linh, cảnh quan thiên nhiên phục vụ du khách. Huyện chủ động phối hợp với UBND tỉnh, Sở Du lịch và một số công ty du lịch trên địa bàn tỉnh tổ chức 3 đợt khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một số tiềm năng du lịch của huyện để chuẩn bị đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng tới các điểm du lịch tiềm năng trên địa bàn huyện cũng được đầu tư xây dựng. 2 năm qua, huyện đã hoàn thành tuyến đường mòn đi dọc thác Pạc Sủi và tuyến đường bê tông dẫn tới chân thác Pạc Sủi, tạo thuận lợi cho du khách tới tham quan. Hiện tại, xã Đại Thành cũng đang xây dựng kế hoạch mở đường tới hệ thống mạch nước khoáng nóng trên địa bàn xã.

Đi đôi với đó, huyện thực hiện có hiệu quả đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020”. Huyện phục dựng, khôi phục và nâng cao chất lượng cho các lễ hội truyền thống trên địa bàn: Lễ hội văn hoá, thể thao dân tộc Sán Chỉ, Lễ hội văn hoá dân tộc Tày, Lễ hội văn hoá dân tộc Dao, Lễ hội đua thuyền tại xã Đồng Rui; tổ chức sưu tầm, khôi phục lại các nghi lễ truyền thống của các dân tộc: Lễ cầu mùa của người Sán Chỉ, Lễ cấp sắc của người Dao, Lễ đại phan của người Sán Dìu. Đồng thời, các loại hình văn hoá vật thể, phi vật thể có giá trị cao của các dân tộc sinh sống ở địa phương được bảo tồn và sưu tầm đã góp phần phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc.

Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tiên Yên, cho biết: Để hoạt động du lịch ở Tiên Yên có thể phát triển thì phải đồng thời khai thác các thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, bên cạnh đó phải tổ chức các loại hình du lịch phù hợp với đặc điểm khí hậu của vùng. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng các điểm du lịch trọng điểm: Điểm khu di tích lịch sử Khe Tù + quần thể nhà kiến trúc kiểu Pháp; điểm du lịch thác Pạc Sủi, điểm du lịch rừng ngập mặn tại Đồng Rui kết hợp với bãi tắm Mũi Lòng Vàng…; phát triển các loại hình du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch lịch sử gắn với văn hoá bản địa, du lịch leo núi, du lịch biển, du lịch văn hoá cộng đồng. Đồng thời, xây dựng các làng văn hoá du lịch cộng đồng tại các xã Đại Dực, Đại Thành; xây dựng trạm dừng chân đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm của du khách…

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục