Non nước Việt Nam

Độc đáo nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp

Cập nhật: 26/04/2016 08:43:22
Số lần đọc: 4946
Sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ lâu đã được ưa chuộng rộng rãi trong và ngoài nước. Mới đây nghề truyền thống này đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia theo Quyết định số 1328/QĐ-BVHTTDL ngày 06/4/2016.

Ảnh: Internet
 
Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp bắt đầu hình thành vào đầu thế kỷ 18, khi những người dân có nghề sơn mài truyền thống từ miền Trung và miền Bắc đã di cư đến lập nghiệp ở Thủ Dầu Một, Thành phố Hồ Chí Minh. Cộng đồng những con người này đã tạo nên một ngôi làng nhỏ. Sau một thời gian khai khẩn đất hoang tạo lập nhà cửa, việc mưu sinh tạm ổn định, trong thời gian rảnh rỗi việc đồng áng, những người dân ở đây đã làm ra những bức sơn mài đầu tiên để nhớ về quê cha đất tổ.

Vào thời kỳ đó, tranh sơn mài được làm ra chỉ để trang trí nhà, để người dân nhớ về nguồn cội. Một thời gian sau, những tác phẩm này được nhiều người giàu có trong vùng biết đến và mua về trưng bày, trang trí nhà cửa hoặc tặng biếu. Có cung ắt có cầu, bắt đầu từ đây, một nghề mới cho người dân Tương Bình Hiệp trong lúc nông nhàn đã được hình thành.  

Ban đầu chỉ có một vài hộ sản xuất nhỏ lẻ để phục vụ nhu cầu trong vùng. Sau một thời gian sản xuất, sản phẩm tranh sơn mài ở Tương Bình Hiệp ngày càng được biết đến nhiều hơn, số đơn đặt hàng cũng ngày một tăng, các gia đình trong làng tập trung chuyên sâu hơn vào nghề truyền thống. Quy trình sản xuất được nâng cao, các sản phẩm cũng được đầu tư đa dạng hơn về mẫu mã và chủng loại lại càng làm cho sản phẩm sơn mài của Tương Bình Hiệp thêm uy tín.
 
Với vật liệu từ gỗ mít thô sơ, sau nhiều công đoạn phơi đến khi đạt đủ yêu cầu, những tấm gỗ này được sơn nhiều lớp dầu sơn Phú Thọ, rồi đánh đi đánh lại nhiều lần tạo nên một lớp men đen bóng. Để tạo nên một tác phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 - 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.


Ảnh: Internet
 
Kể từ khi được hình thành đến nay, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đã trải qua nhiều thế hệ. Nghề truyền thống được truyền lại trong gia đình từ ông đến cha rồi đến con. Cứ như vậy dù đã trải qua hàng trăm năm, kỹ thuật truyền thống vẫn được lưu giữ và truyền lại cặn kẽ. Nét tinh xảo, đậm chất Á Đông trong từng chi tiết vẫn được duy trì và hiện diện trong mỗi sản phẩm của Tương Bình Hiệp.

Chính vì thế mà sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ được ưa chuông trong nước và còn được đánh giá cao tại thị trường quốc tế. Điều này được chứng minh qua số lượng sản phẩm xuất khẩu của Tương Bình Hiệp sang các thị trường Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản.. Theo một số chuyên gia, sơn mài Tương Bình Hiệp chịu đựng được khí hậu vùng hàn đới Châu Âu, không bị bong nứt hoặc biến dạng.

Sơn mài Tương Bình Hiệp không chỉ là hàng hóa mỹ nghệ đơn thuần mà đã có rất nhiều sản phẩm đạt tới chất lượng cao về nghệ thuật. Bên cạnh đó, nghề thủ công truyền thống làm sơn mài ở Tương Bình Hiệp góp phần làm phong phú thêm kho tàng những Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam.
Nguồn: Cinet

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT