Hoạt động của ngành

Du lịch sông nước Hội An (Quảng Nam)

Cập nhật: 02/11/2015 09:27:48
Số lần đọc: 1085
Hệ thống sông ngòi là tiềm năng, thế mạnh để Hội An phát triển du lịch cùng với quần thể kiến trúc khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới. Là vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An, vùng sông nước ở đây có những nét đặc trưng độc đáo không dễ gì nơi khác có được.

Phát huy tiềm năng du lịch này, TP.Hội An bước đầu đã tạo được sản phẩm mới có chất lượng, tạo thế cạnh tranh trong thời gian tới.

 

Nhiều sản phẩm du lịch

 

Hội An vừa có đô thị gồm khu phố cổ và các khu đô thị mới; vừa có đồng bằng; vừa có biển, hải đảo tạo nên nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Phần lớn diện tích tự nhiên của Hội An được bao bọc bởi hệ thống sông lớn nhỏ, mương lạch chằng chịt; những bàu, đầm, hói, vũng, ao… và những rừng dừa nước ngập mặn.

 

Ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nhận định: “Hệ thống sông ngòi chằng chịt tạo cho Hội An trở thành địa bàn đa dạng về hệ sinh thái và môi trường sống của con người cũng rất phong phú. Trên cơ sở đó cũng tạo cho Hội An sự đa dạng về kinh tế, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ở vùng “cửa sông ven biển” đặc thù này. Chỉ khoảng 60km2 mà có đầy đủ các yếu tố của du lịch sinh thái, văn hóa”.

 

Không ở đâu mà dọc theo con nước từ thượng nguồn đổ về lại có nhiều tên đất, tên làng nổi tiếng như vậy. Một làng gốm Thanh Hà với những con người biết “gọi hồn, chắp cánh” cho đất. Một làng mộc Kim Bồng với những nghệ nhân tài hoa. Ra ngoài khu phố cổ - di sản văn hóa thế giới một chút thì có làng ẩm thực dân dã, khoái khẩu: hến trộn, bánh tráng đập và bắp nấu - Cẩm Nam. Rời xa khu di sản phố cổ náo nhiệt, lung linh đèn lồng là đến các làng quê sinh thái đầy sắc màu thiên nhiên, bình yên, hoang sơ không chỉ của thành phố mà còn ở các vùng lân cận như Trà Nhiêu (Duy Xuyên), Triêm Tây (Điện Bàn)...

 

Trong những năm gần đây, loại hình du thuyền trên sông Hoài phát triển tương đối mạnh nhờ nhu cầu của du khách tăng cao. Du khách rất ưa chuộng loại hình du lịch này, nhất là vào mùa hè. Du thuyền trên sông Hoài, du khách có dịp cảm nhận vẻ đẹp hiếm có của vùng đất và con người vùng “cửa sông – ven biển” Cửa Đại. Cảm giác thích thú của du khách là được ngồi trên thuyền chầm chậm trôi để tận hưởng làn gió mát phả lên từ mặt sông mang theo vị lợ lợ của vùng nước ngập mặn, rồi phóng tầm mắt ngắm nhìn những làng quê êm ả, rợp bóng cây xanh với những bến bờ luôn rộn rã tiếng nói cười. Những vị khách đa cảm, hay hoài niệm dễ bắt gặp dọc theo con nước ven sông ký ức của một thời thơ trẻ với cảnh các mẹ, các chị và lũ trẻ ra sông giặt giũ, tắm táp, nghịch nước buổi trưa hè… Dừng lại một bến bờ nào đó, khách có thể thả câu, quăng lưới, bủa rập tìm một ít cá, tôm, cua… làm mồi chuẩn bị cho bữa nhậu trên sóng nước bập bềnh. Không có tay “sát ngư” thì ghé vào một chồ rớ hay cập vào chiếc thuyền đánh cá của những người dân chài dọc triền sông để mua lại một ít thủy sản tươi sống mà họ vừa đánh bắt được. Xuôi theo dòng, càng đến gần Cửa Đại càng nghe rõ hơn tiếng sóng rì rầm vọng về từ biển. Bóng dáng cụm đảo Cù Lao Chàm thấp thoáng ngoài khơi.

 

Đó cũng là lúc thuyền đang đi vào rừng dừa nước ngập mặn và cỏ biển của hạ lưu sông Thu Bồn. Ông Lê Ngọc Thảo (Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm) cho biết: “Sự hiện diện của rừng dừa nước thể hiện chức năng của một khu rừng đệm trước khi đổ ra vùng bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Bên dưới các gốc dừa là nơi sinh sản, sinh trưởng, cư ngụ, lưu trú và bảo tồn các nguồn gen của các loài thủy sản. Cạnh đó rừng dừa nước là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái”.

 

Tạo cơ hội mới

 

Kết quả nghiên cứu của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thời gian qua còn cho biết, hệ sinh thái vùng ngập mặn Cửa Đại thu hút sự quan tâm đặc biệt của các du khách đến từ châu Âu, nhất là các nhà nghiên cứu sinh vật, môi trường và thiên nhiên bởi tính đa dạng và hiếm lạ sinh học nhưng mức độ khám phá, quảng bá chưa thật nhiều như mong muốn để kết hợp phục vụ tham quan du lịch.

 

Thời gian qua, UBND thành phố đã có chủ trương cho phép một số đơn vị được tổ chức các loại hình du lịch sông nước như: bơi thuyền kayak, đi thuyền dã ngoại, tổ chức liên hoan, tiệc buffet trên sông... Song nhìn chung, sản phẩm vẫn chưa thật phong phú, thiếu hụt những trải nghiệm, khám phá các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống độc đáo.

 

Trung tâm VHTT Hội An đã đưa vào hoạt động thử nghiệm tour “Du ngoạn trên sông Hoài”. Tùy ý thích chọn, có tour trên thuyền cổ, trong không gian “đêm phố cổ” với vẻ đẹp thơ mộng, lung linh sắc màu của lồng đèn và hoa đăng, du khách say đắm thả hồn theo điệu hò, câu hát mênh mang sông nước sông Hoài. Có tour, du khách được khám phá các giá trị văn hóa làng nghề truyền thống độc đáo, chiêm ngưỡng những kiệt tác từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, trải nghiệm các công đoạn chuốt gốm, chạm khắc gỗ, dệt chiếu, vãi chài... cùng cư dân địa phương qua các chương trình du thuyền tham quan các làng nghề truyền thống vào ban ngày.

 

UBND TP.Hội An cũng đã giao Phòng Thương mại – du lịch thành phố lập đề án “Khai thác tuyến sinh thái sông nước - cồn nổi gắn với phát triển làng nghề truyền thống Hội An” để sớm triển khai thực hiện. Đề án hướng đến mục đích phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch sông nước Hội An nằm trong kế hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020. Thực hiện đề án này, du lịch Hội An sẽ tạo thế cạnh tranh mới, mở ra cơ hội phát triển đa dạng mà ở những điểm du lịch khác không dễ gì có được./.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục