Hoạt động của ngành

Tìm sức bật mới cho du lịch Lai Châu

Cập nhật: 29/07/2015 09:26:35
Số lần đọc: 1389
Lai Châu được đánh giá là địa phương có khá nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, trong đó phải kể đến thế mạnh về du lịch cộng đồng kết hợp nghiên cứu trải nghiệm giá trị văn hóa truyền thống, du lịch mạo hiểm và du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc tận dụng những tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.

Những con số ấn tượng

 

Có thể thấy trong những năm gần đây du lịch Lai Châu đã có bước phát triển mới với những kết quả và con số ấn tượng. Năm 2014 du lịch Lai Châu đón và phục vụ được 164.800 lượt khách (trong đó khách quốc tế đạt 21.360 lượt khách); tổng doanh thu đạt 153,96 tỷ đồng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 98 cơ sở kinh doanh lưu trú (trong đó: 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao và 14 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 2 sao với 520 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch).

Đồng hành với những kết quả trên, tỉnh đã từng bước xây dựng các điểm nhấn của du lịch tỉnh trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”, xây dựng được 7 điểm và 2 tuyến du lịch cấp tỉnh, xác định được quà tặng lưu niệm mang tính địa phương, từng bước tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Những kết quả đạt được của du lịch tỉnh trong thời gian vừa qua tuy vẫn còn những hạn chế so với nhiều địa phương trong khu vực và cả nước, nhưng cũng đã thể hiện được sự chuyển mình tích cực.

 

Du lịch Lai Châu được sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp với một số động được nhiều chuyên gia du lịch đánh giá cao như: Động Tiên Sơn, Pusamcap... cùng với đó là 4 di tích được xếp hạng là Di tích Quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh (trong đó có 06 di tích lịch sử văn hóa, 11 di tích danh lam thắng cảnh, 2 di tích tôn giáo tín ngưỡng, 2 di tích khảo cổ học). Ngoài ra, Lai Châu còn sở hữu thế mạnh về Văn hóa phi vật thể với những lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Gầu Tào (dân tộc H’Mông, huyện Phong Thổ, TP. Lai Châu); Lễ hội Xên Bản, Then Kin Pang, Nàng Han, Kim Lẩu Khẩu mẩu (dân tộc Thái, huyện Phong Thổ, Tân Uyên); Lễ hội Tủ Cải (dân tộc Dao, Tam Đường); Lễ hội Bun Vốc Nậm, Đông Mương (dân tộc Lào, Lự, Tam Đường); Tết Cầu mưa, cúng Bản (Dân tộc La Hủ)… Lai Châu còn là cái nôi của những làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của người Thái trắng, Si La, Lự và H’Mông. Đây là một trong những nhân tố tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế và đối tượng khách có nhu cầu tham quan trải nghiệm, nghiên cứu các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Tạo sức bật mới để phát triển du lịch

 

Tiềm năng, lợi thế mà du lịch Lai Châu sở hữu không phải là nhỏ, nhưng “làm thế nào để du lịch tỉnh phát triển tương xứng với những tiềm năng, tạo ra sức hút đối cho ngành du lịch địa phương” lại là một vấn đề cần thời gian. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu xác định để có thể tạo ra sức bật mới cho ngành du lịch, trong năm 2015 du lịch sẽ tập trung vào triển khai một số hoạt động nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch Lai Châu đến với đông đảo du khách, cụ thể như: Tham gia Hội chợ VITM, Hội chợ Làng nghề tại Hà Nội và Hội chợ Tây Bắc tại Phú Thọ; Xây dựng mô hình làng nghề thủ công truyền thống phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng 1 điểm du lịch có trách nhiệm; Khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới đặc thù; Phối hợp làm phim quảng bá về du lịch tỉnh; tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư các tỉnh phía Bắc và hưởng ứng các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia tại Thanh Hóa; tham mưu Tổ chức tuần du lịch văn hóa Lai Châu qua đó giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, sức hấp dẫn của những giá trị văn hóa, vẻ đẹp thiên nhiên, con người Lai Châu… Ngoài ra, năm 2015 du lịch tỉnh còn đẩy mạnh việc ký kết hợp tác phát triển du lịch với huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Cùng với đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, Lai Châu sẽ tích cực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như đưa di sản Xòe Thái và kéo co vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 100 bản dân tộc H’Mông, Dao, nhằm tạo cho du lịch Lai Châu những nét đặc trưng, độc đáo riêng, tạo sức hút với du khách tham quan.

 

Du lịch Lai Châu tuy còn đứng trước những khó khăn, thách thức trong thời điểm hội nhập, nhưng với sự nỗ lực và những bước đi cụ thể tin rằng du lịch Lai Châu sẽ chuyển biến vững chắc, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của tỉnh phát triển./.  

Nguồn: langvietonline.vn

Cùng chuyên mục