Hoạt động của ngành

Du lịch Thanh Hóa có sự chuyển động tích cực

Cập nhật: 15/07/2015 09:12:43
Số lần đọc: 1135
Để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, Thanh Hóa rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Tổng cục Du lịch, đặc biệt là về cơ chế chính sách; vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…


Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch phát biểu tại buổi làm viêc

Sáng 13/7, đoàn công tác của Tổng cục Du lịch Việt Nam do đồng chí Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Thường trực UBND tỉnh về kết quả triển khai Nghị quyết 92/NQ-CP, ngày 8/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và công tác tổ chức năm du lịch Quốc gia (DLQG) 2015 – Thanh Hóa. Đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 92, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức quy hoạch được 22 khu, điểm du lịch; xây dựng được nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật du lịch, đặc biệt từ đầu năm 2015 đến nay đã thu hút được 20 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, với tổng vốn đăng ký trên 10.000 tỷ đồng và bổ sung thêm 3.000 phòng lưu trú du lịch tại Hải Tiến và Sầm Sơn; công tác quản lý môi trường du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách được quan tâm; công tác xúc tiến du lịch được tăng cường cả về quy mô, số lượng và chất lượng; công tác thanh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh du lịch và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được chú trọng.

Về công tác tổ chức Năm DLQG 2015, tính đến thời điểm này Thanh Hóa đã tổ chức và phối hợp tổ chức được 20 sự kiện. Các sự kiện đều được chuẩn bị kỹ về kịch bản, gắn với chủ đề của Năm DLQG, được dư luận đánh giá cao cả về nội dung, ý nghĩa, cách dàn dựng, bài trí… Đặc biệt, Thanh Hóa đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá; lễ tân hậu cần; vận động tài trợ; bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… góp phần vào thành công của các sự kiện đã được tổ chức, qua đó thu hút một lượng khách lớn đến với Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm. 

Trên tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi với đoàn công tác của Tổng cục Du lịch về tiềm năng, lợi thế và khó khăn trong phát triển du lịch của Thanh Hóa hiện nay. Đồng chí nhấn mạnh, Thanh Hóa đã tập trung mọi nguồn lực chuẩn bị cho Năm DLQG 2015, đồng thời đánh giá đúng vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên, để du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, địa phương rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Tổng cục Du lịch, đặc biệt là về cơ chế chính sách; vốn hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 92, Thanh Hóa cần rà soát, chọn lọc và triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm thay vì dàn trải hay đặt ra quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ như hiện nay. Nhấn mạnh về sự cần thiết phải thay đổi tư duy về du lịch, đồng chí lưu ý Thanh Hóa nên dành tài nguyên, đất đai để tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược; cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường du lịch; nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch… Về Năm DLQG 2015, đồng chí khẳng định, Thanh Hóa đang được thụ hưởng những thành quả từ việc sự kiện này. Cụ thể, Năm DLQG mở ra cơ hội để Thanh Hóa quảng bá hình ảnh, chỉnh trang đô thị và mang lại nhiều giá trị mới mà việc khai trương quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn là ví dụ điển hình. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị tỉnh Thanh Hóa phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch trong việc tổ chức các sự kiện trong khuôn khổ Năm DLQG, mà trước mắt là Liên hoan ẩm thực Bắc miền Trung tại Sầm Sơn và tham gia đoàn khảo sát kết nối các di sản thế giới…

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục