Hoạt động của ngành

Phú Yên: VTOS - Nâng chuẩn nguồn nhân lực du lịch

Cập nhật: 12/05/2015 10:13:16
Số lần đọc: 1308
Lần đầu tiên các giám đốc, cán bộ quản lý khách sạn ở Phú Yên được tập huấn Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) về lĩnh vực Quản lý khách sạn. Sau khóa tập huấn, 22 học viên được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn VTOS. Quan trọng hơn, họ đã được cập nhật những kiến thức khoa học mới nhất nhằm tạo ra hiệu quả trong quản lý khách sạn, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Quản lý khách sạn theo VTOS

VTOS - Quản lý khách sạn bao gồm các nhiệm vụ chính của người quản lý khách sạn từ mức độ nhỏ đến vừa và tập trung vào phát triển các năng lực (kỹ năng, kiến thức và thái độ/ hành vi) để có thể điều hành một khách sạn chuyên nghiệp, hiệu quả.

Theo chuyên gia đào tạo VTOS của dự án EU Nguyễn Thị Hoài Thu, nghề quản lý khách sạn chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ hệ thống ngành nghề du lịch, là trung tâm mọi hoạt động của một khách sạn. Theo đó, người quản lý khách sạn chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thường nhật của khách sạn và nhân viên. Họ có trách nhiệm giải trình các hoạt động kinh doanh về việc lập ngân sách và quản lý tài chính, xây dựng kế hoạch, tổ chức và chỉ đạo tất cả các dịch vụ khách sạn. Trong các khách sạn lớn, người quản lý phải xây dựng chiến lược và lập kế hoạch để tối đa hóa lợi nhuận, đồng thời phải làm gương cho nhân viên để đưa ra một tiêu chuẩn dịch vụ và phong cách thể hiện, đáp ứng nhu cầu của khách.

Bà Nguyễn Huỳnh Hạnh Hiếu, Giám đốc khách sạn KaYa, nói: “Khóa tập huấn kéo dài gần 1 tuần về nghiệp vụ quản lý khách sạn rất hiệu quả, thiết thực. Chúng tôi được trang bị những kiến thức thực tiễn rất khoa học về nghiệp vụ quản lý, từ đó có thể áp dụng điều hành tốt hơn ở đơn vị”. Còn ông Lương Công Huân, cán bộ quản lý khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, chia sẻ: “Lớp tập huấn được các giáo viên bố trí rất chặt chẽ giữa thời gian và nội dung đào tạo. Ngoài những kiến thức đã được các chuyên gia đúc kết thành giáo án, khóa tập huấn đã phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của từng học viên, từ đó giúp mọi người hiểu rõ hơn vấn đề, có sự so sánh, tương tác”.

Theo tiêu chuẩn VTOS, có nhiều hoạt động, công việc khác nhau tùy thuộc vào quy mô và loại hình, lĩnh vực quản lý khách sạn thường bao gồm: Lập kế hoạch và tổ chức dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khách sạn khác; xúc tiến và tiếp thị các hoạt động kinh doanh; quản lý ngân sách và kế hoạch tài chính cũng như kiểm soát chi tiêu; duy trì hồ sơ tài chính và hồ sơ thống kê; thiết lập và đạt doanh số bán hàng, lợi nhuận mục tiêu; phân tích số liệu bán hàng và đề ra chiến lược tiếp thị, quản lý doanh thu; tuyển dụng, đào tạo và giám sát nhân viên; gặp gỡ và chào hỏi khách hàng, xử lý khiếu nại và góp ý của khách hàng… Bà Phạm Thị Tương Lai, chủ khách sạn Nhiệt Đới, nhận xét: “Chương trình tập huấn rất thiết thực, sát với công việc hàng ngày của những người làm quản lý. Tôi nghĩ, ngoài lớp tập huấn về nội dung quản lý khách sạn, cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ triển khai tập huấn thêm 9 ngành nghề khác trong hệ thống tiêu chuẩn VTOS cho người lao động, chủ doanh nghiệp du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

VTOS được các chuyên gia quốc tế và Việt Nam xây dựng trong khuôn khổ dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam (HRDT Project) do Liên minh châu Âu tài trợ và đã được Hội đồng Cấp chứng chỉ nghiệp vụ Du lịch Việt Nam (VTCB) thẩm định, phê duyệt và phát hành. Bộ tiêu chuẩn VTOS này được thiết kế kết hợp hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu, điều kiện tại Việt Nam.

VTOS được xây dựng từ năm 2007, được điều chỉnh và cập nhật dưới dạng cấu trúc mô-đun, với phiên bản mới năm 2013, gồm mười bộ tiêu chuẩn nghề: Lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành, hướng dẫn du lịch, thuyết minh du lịch, phục vụ trên tàu thủy du lịch, quản lý khách sạn, vận hành cơ sở lưu trú nhỏ.

So với phiên bản cũ, VTOS phiên bản mới cung cấp danh mục hơn 65 chứng chỉ đề xuất cho các đối tượng từ nhân viên tập sự bậc 1 đến quản lý cấp cao bậc 5. Các chứng chỉ này bao quát tất cả nghề quan trọng thuộc cả lĩnh vực khách sạn và lĩnh vực lữ hành.

Tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới cũng được xây dựng tương thích với Tiêu chuẩn Năng lực chung về nghề du lịch trong ASEAN (ACCSTP) và đáp ứng các quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch (MRA-TP). Thỏa thuận này sẽ được đưa vào thực hiện khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thiết lập cuối năm 2015.

Thêm vào đó, phiên bản 2013 còn bao gồm các đơn vị năng lực về du lịch có trách nhiệm, phù hợp với nhiều công việc trong tất cả các lĩnh vực nghề; được sử dụng cho công tác đào tạo của các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn, cũng có thể sử dụng làm giáo trình đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Nhận thấy lợi ích của việc triển khai, áp dụng Bộ tiêu chuẩn VTOS, chúng tôi đã tranh thủ sự ủng hộ của dự án EU tổ chức lớp tập huấn về quản lý khách sạn và buổi hội thảo giới thiệu Bộ Tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới năm 2013 đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành, lưu trú, cơ sở đào tạo trong tỉnh. Đây là cơ hội để các đơn vị tiếp cận, đồng thời nghiên cứu ứng dụng cho đơn vị mình, góp phần nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực du lịch”.

Ngành Du lịch Việt Nam hiện đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen, cần phải tăng tốc để chuẩn bị bước vào giai đoạn hội nhập, nhất là khi Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức hình thành vào cuối năm 2015 và thừa nhận lẫn nhau trong hệ thống tiêu chuẩn nghề của du lịch. Nhân lực là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của mọi ngành nghề trong xã hội, đặc biệt là ngành Du lịch. Vì vậy, đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo khung trình độ đã được các nước ASEAN thừa nhận là điều kiện tiên quyết để xây dựng ngành Du lịch hội nhập quốc tế.

(Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn)

Nguồn: Báo Phú Yên

Cùng chuyên mục