Non nước Việt Nam

Đến chùa Hội Khánh (Bình Dương): Chiêm ngưỡng những Phật tích

Cập nhật: 24/09/2008 08:09:29
Số lần đọc: 2107
Bình Dương có ngôi chùa Hội Khánh được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, vì hiện nay ngôi chùa này là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ở Những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật mà ngôi chùa này còn lưu giữ lại luôn có một sức cuốn hút lạ kỳ đối với những nhà nghiên cứu, với các bạn học sinh, sinh viên và du khách trong và ngoài tỉnh.

Điều đó sẽ càng thú vị hơn khi bạn trở lại thăm ngôi chùa cổ hôm nay với Phật tích quan trọng của Phật giáo đã và đang được tái hiện lại ngay trong khuôn viên ngôi chùa...

Trên ngọn đồi cao phía bên phải ngôi chùa, 4 Phật tích quan trọng của đạo Phật còn gọi là “Tứ động tâm” đang dần dần diễn ra trước mắt mọi người. Phật tích đầu tiên là vườn Lâm-tì-ni (tức nơi Đức Phật ra đời) đến đây chúng ta sẽ được tận mắt nhìn thấy những hình ảnh và tìm hiểu rõ hơn về nơi Đức Phật ra đời. Theo truyền thống của người Ấn Độ cổ, người phụ nữ khi mang thai thì về quê ngoại để sinh. Do đó, Hoàng hậu Mada khi biết mình mang thai đã phải về quê để chuẩn bị sinh con. Trên đường về quê ngoại, Hoàng hậu đi ngang qua khu vườn Lâm-tì-ni, trong đó có một loại cây Vô U ngàn năm mới trổ hoa một lần, hôm đó tự nhiên nở hoa, thấy hoa đẹp quá, hoàng hậu với tay để hái cành hoa đẹp này... Truyền thuyết kể lại rằng, lúc đó Thái tử Sĩ-đạt-ta đã chào đời ngay bên hông của hoàng hậu. Sau này, thái tử đã trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Phật tích thứ hai là Bồ Đề đạo tràng (nơi Đức Phật thành đạo). Phật tích được tái hiện lại bằng một tượng phật ngồi (cao 4m, làm bằng đá cẩm thạch trắng), trông rất điềm tĩnh và uy nghi. Phật tích thứ ba là Lộc Quyển (hay còn gọi vườn nai, nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên). Theo lời kể của Hòa thượng Thích Huệ Thông thì: Sau khi Đức phật thành đạo đã đến vườn Lộc Quyển này để thuyết bài pháp đầu tiên “Tứ diệu đế” (tức 4 chân lý sự thật, gồm: khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế) cho anh em Kiều Trần Như. Và Phật tích thứ 4 là rừng Tala sông thọ (nơi Đức Phật nhập diệp (tức là chết). Phật tích này được tái hiện lại bằng một tượng phật nằm dài 13m.

Vị trụ trì chùa Hội Khánh - Thượng tọa Thích Huệ Thông bảo rằng: “Thông qua việc tái hiện lại 4 Phật tích này nhằm góp phần khôi phục, giữ gìn và phát triển những kiến trúc văn hóa tâm linh, văn hóa phật giáo vào nền văn hóa dân tộc, bởi vốn trước đây văn hóa Phật giáo đã hòa nhập vào nền văn hóa dân tộc Việt Nam”. Song song với việc tái hiện lại 4 phật tích trên, chùa Hội Khánh cũng đã xây dựng thêm một ngôi bảo tháp 7 tầng “thất tháp”, cao khoảng 25m; theo lời của vị trụ trì chùa Hội Khánh thì, sau khi xây dựng nơi đây sẽ thờ 3 chư phật, các vị bồ tát, các tổ sư và những vong linh của bá tánh. Riêng tầng trệt của ngôi bảo tháp sẽ là nơi phát hành kinh sách, văn hóa phẩm của phật giáo. Chùa cũng sẽ đúc một đại hồng chung nặng một tấn để đặt trong ngôi bảo tháp này. Lúc đó, chắc hẳn ngôi chùa cổ kính này sẽ trở thành một nơi tham quan thú vị, mang nhiều ý nghĩa đối với những ai muốn tìm về cội nguồn với Phật giáo.

Nguồn: Báo Bình Dương

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT