Non nước Việt Nam

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường ở Nho Quan (Ninh Bình)

Cập nhật: 13/06/2013 14:29:17
Số lần đọc: 3710
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Mường luôn được huyện Nho Quan quan tâm, thực hiện, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc" ở địa phương.

Nho Quan hiện có dân số gần 15 vạn người, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm khoảng 17%, sống tập trung ở 3 xã: Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long và rải rác xen kẽ ở 5 xã: Quảng Lạc, Văn Phương, Yên Quang, Thạch Bình, Xích Thổ. Nho Quan cũng là địa phương còn lưu giữ đa dạng bản sắc văn hóa truyền thống như văn hóa cồng chiêng, hát đúm, hát ru, hát sắc bùa của bà con dân tộc Mường.


Toàn huyện hiện có 302 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó đã có 38 di tích được xếp hạng (11 di tích cấp Quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh), trong đó di sản văn hóa phi vật thể "hát sắc bùa" của đồng bào Mường được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào chương trình bảo tồn khẩn cấp. UBND huyện Nho Quan đã xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường giai đoạn 2011-2015, trong đó chú trọng đến công tác phục dựng lại nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cồng chiêng và tạo không gian sinh hoạt văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường. Hiện nay, Đề án này đang trình UBND tỉnh phê duyệt.

 

Để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa Mường không bị mai một theo thời gian, huyện Nho Quan quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn. Trong đó huyện chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm giúp đồng bào Mường hiểu và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Đặc biệt, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường đã được phát động rộng khắp ở các khu dân cư và đã thu được hiệu quả thiết thực. Nhiều xã đã thành lập được đội Cồng Chiêng như Thạch Bình, Kỳ Phú, Cúc Phương, Quảng Lạc... Các đội Cồng Chiêng không chỉ giữ lại “hồn” cho bản làng mà còn giúp nó ngân mãi khi đi tham gia tại các chương trình hội diễn văn nghệ của huyện, của tỉnh.

 

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng được huyện quan tâm, triển khai có hiệu quả. Huyện đã xây dựng 2 nhà sàn là không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào dân tộc Mường ở bản Xanh (xã Kỳ Phú), bản Đồng Trung (xã Quảng Lạc) với mức đầu tư 700 triệu đồng/nhà. Từ nguồn vốn chương trình 134, 135, hỗ trợ xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn Đầm Rừng (xã Thạch Bình), bản Vóng (xã Kỳ Phú) với kinh phí trên 300 triệu đồng/nhà, sửa chữa và phục dựng lại một nhà sàn truyền thống của xã, đưa vào sử dụng, làm nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường ở thôn Nga II (xã Cúc Phương)...

 

Công tác bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ lễ hội của đồng bào dân tộc Mường được triển khai có hiệu quả. Hàng năm, huyện tổ chức các hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện đều ưu tiên, khuyến khích các xã có đồng bào dân tộc Mường đưa các loại hình dân ca, dân vũ của đồng bào vào chương trình hội diễn như hát giao duyên, hát đúm, hát ru, hòa tấu nhạc cụ cồng chiêng; đồng thời tổ chức đội tuyển tham gia tại các hội diễn cấp tỉnh, đạt được kết quả cao: năm 2007 tổ chức chương trình "Làng vui chơi, làng ca hát" tại lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư đã tái hiện được nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Mường qua hình thức hát Đúm, hát giao duyên và các trò chơi dân gian đánh mảng, đi cà kheo, đá bóng; tham gia ngày hội văn hóa dân tộc tại Hòa Bình đạt giải ba toàn đoàn, trong đó có 1 huy chương vàng tiết mục hát ru Mường, giải nhì hoa khôi người Mường.

 

Đặc biệt, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ở các xã có đồng bào dân tộc Mường được huyện coi trọng. Nhiều năm qua, Trường THPT dân tộc nội trú đã là nơi để con em đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện học tập, nâng cao trình độ dân trí. Bên cạnh đó, huyện quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển dành cho con em là người dân tộc thiểu số được học tập tại trường đại học để tạo nguồn nhân lực cơ bản cho địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Từ năm 1998 đến nay, huyện đã cử được 130 học sinh tốt nghiệp THPT là người dân tộc thiểu số học tại các trường đại học, cao đẳng với các chuyên ngành đào tạo như sư phạm, y tế, văn hóa, quân sự. Sau khi tốt nghiệp, đa phần các em đều được bố trí về công tác tại địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện.

 

Việc lưu giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường đã tạo dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh cho đồng bào dân tộc Mường, xây dựng nét văn hóa đặc trưng riêng của huyện, tạo đà phát triển cho du lịch, kinh tế - xã hội của huyện Nho Quan ngày càng phát triển./.

 

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT