Tin tức - Sự kiện

Quảng Bình tổ chức Lễ hội đua thuyền

Cập nhật: 04/09/2008 08:09:30
Số lần đọc: 1686
Lệ Thuỷ vốn là vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hoá của tỉnh Quảng Bình, nổi tiếng với dòng Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, điệu Hò khoan Lệ Thủy. Ngày Quốc khánh Việt Nam hàng năm, cũng là ngày Lệ Thuỷ tổ chức Lễ hội bơi, đua thuyền truyền thống - Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập.

Đến với Lễ hội đua thuyền năm nay, du khách sẽ có dịp hoà mình vào không khí lễ hội đặc trưng vùng sông nước, hiểu thêm về văn hoá truyền thống của người dân Lệ Thuỷ anh hùng, để thấy một chiến trường ác liệt năm xưa đang trên đà khởi sắc.

 

Tương truyền, ngày xửa ngày xưa cái xứ “nhất Đồng Nai, nhì Hai Huyện” này không được sầm uất, trù phú như bây giờ bởi thiên tai khắc nghiệt. Một đêm vị Thần Hoàng khai khẩn chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo:  

 

Muốn mưa thuận, gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có Lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch. Tâm nguyện người dân sẽ được Đất Trời chứng giám mà phù hộ, độ trì.  

 

Từ đó hàng năm, cứ mỗi độ xuân về sông Kiến Giang lại dậy sóng trong lễ hội cầu đảo và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Lễ hội này rất ít khi gián đoạn kể cả những năm đói kém, mất mùa. Nó đã là máu thịt của người dân Lệ Thủy.  

 

Cách mạng Tháng Tám thành công, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập, Lệ Thủy tổ chức Lễ hội đua thuyền đúng ngày 2/9/1946. Cũng từ đó, Lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập. Tết Độc lập đã mang lại mưa thuận, gió hòa cho mảnh đất này... 

 

Từ năm 1946 đến nay, Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập bị gián đoạn 2 lần. Lần 1, 8 năm. Trai bơi phải gác mái chầm cầm súng lên đường đi theo cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp. 

 

Lần thứ 2 cũng 8 năm, từ năm 1965 đến 1973, thời kỳ máy bay Mỹ ném bom miền Bắc.  

 

Từ năm 1973 đến nay, vào ngày Quốc khánh 2/9 hàng năm lại diễn ra lễ hội đua thuyền náo nhiệt tại đây. Dù đã có năm, mãi đến ngày 30/8, dòng Kiến Giang vẫn trơ đáy. Nhưng kỳ diệu thay chỉ sau 2 ngày mưa, nước Kiến Giang lại đầy và tiếng trống, tiếng mõ, tiếng reo hò vọng mãi suốt dọc sông... 

 

Trước ngày diễn ra Lễ hội chừng nửa tháng, thôn nào, làng nào cũng náo nức chuẩn bị. Thuyền bơi luôn là vấn đề quan trọng nhất. Những chiếc thuyền bơi đủ dài cho 12 - 15 cặp bơi (từ 25 - 35 người) được đóng công phu dưới bàn tay của các nghệ nhân chân truyền. 

 

Những thân gỗ dài (chủ yếu là cây huỵnh) được khai thác từ rừng đại ngàn có chiều dài từ 20 - 30 m đưa về cưa xẻ theo thước tấc nghiêm ngặt và nghệ nhân bí truyền đóng ghép. Tiêu chuẩn của thuyền đua bơi phải nổi vừa trên mặt nước. Khi lao về phía trước không được chờm sóng mà phải lũi đi như một kình ngư...  

 

Trai bơi là thanh niên dẻo dai và dày dặn sông nước. Trai bơi xuống thuyền chỉ được ăn mỗi món cơm rang giòn để đủ độ dẻo dai theo hết đường đua.  

 

Mỗi hội đua thuyền thường có chừng 20 - 30 thuyền bơi của nam và 10 - 15 thuyền đua của nữ. Trai bơi bằng mái chầm, nữ đua bằng mái chèo. Đường bơi dài khoảng 25 - 30 km tùy quy định của Ban tổ chức. 

 

Trong ngày Lễ hội, dòng Kiến Giang như cả một rừng hoa đầy màu sắc. Hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ, căng đầy băng cờ biểu ngữ và không thuyền nào là không có vài ba chiếc trống cùng mõ gốc tre để rung lên cổ vũ cho các thuyền bơi, đua.

Nguồn: VnMedia

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT