Non nước Việt Nam

Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt

Cập nhật: 13/06/2012 09:03:49
Số lần đọc: 1847
Tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị tổ chức lễ đón Bằng của Tổ chức UNESCO công nhận di tích Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới. Ðây không những là niềm tự hào của riêng tỉnh Thanh Hóa mà còn là niềm tự hào của cả nước về một công trình kiến trúc độc đáo, mang nhiều ý nghĩa và các giá trị văn hóa toàn cầu, thể hiện tập trung trí tuệ và công sức của các thế hệ người Việt cách đây hơn sáu trăm năm.

Ngay sau cuộc họp của tổ chức UNESCO cách đây một năm công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa của nhân loại, các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều hoạt động quảng bá, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân chung quanh khu vực di tích và ở các địa bàn trong tỉnh về di sản để họ thêm hiểu, thêm yêu và cùng nhau chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị vốn có của di sản, tích cực chuẩn bị cho lễ đón nhận bằng di sản. Buổi lễ đón nhận chính thức diễn ra vào tối 16-6 tại Khu di sản Thành Nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa theo các nghi thức quốc gia. Tâm điểm của buổi lễ là chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề "Thành Nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt". Kịch bản chương trình do nhà văn Chu Lai viết, NSND Lê Tiến Thọ cố vấn nghệ thuật và GS Phan Huy Lê cố vấn lịch sử. Chương trình diễn ra trong 60 phút tại sân khấu nằm ở trung tâm di sản và được truyền hình trực tiếp trên VTV1 với các màn biểu diễn nhằm tái hiện một phần lịch sử đất nước, đồng thời nhấn mạnh giá trị nổi bật toàn cầu được cả thế giới tôn vinh và công nhận. Trong không gian di tích sẽ tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc như: Hội chợ quê với sự tham gia của 100 gian hàng bày bán những sản phẩm lưu niệm, đặc sản ẩm thực giới thiệu văn hóa của địa phương, liên hoan trò diễn dân gian với các sinh hoạt văn hóa, vui chơi thời nhà Trần, nhà Hồ, trưng bày quảng bá du lịch, trưng bày hiện vật, tranh, ảnh, sách báo liên quan đến Thành Nhà Hồ và vương triều Hồ, Liên hoan "Câu hò nối những dòng sông" của sáu tỉnh Bắc Trung Bộ và Liên hoan văn hóa dân tộc lần thứ 14 năm 2012... Nhân dịp này, ngành du lịch Thanh Hóa đã chính thức mở hai tua du lịch liên kết hai di tích Thành Nhà Hồ với Lam Kinh và tua du lịch "Bất ngờ Cẩm Lương" giới thiệu nét độc đáo của di sản Thành Nhà Hồ và khu suối cá thần Cẩm Lương gần đó. Trong thời gian tổ chức lễ đón nhận, UBND tỉnh Thanh Hóa đăng cai tổ chức "Hội nghị quốc tế Ủy ban quốc gia UNESCO các nước châu Á - Thái Bình Dương" trong ba ngày từ 15 đến 17-6 tại thành phố Thanh Hóa.

Ðến thời điểm hiện tại, các công việc chuẩn bị cho Lễ đón bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng cơ bản hoàn thành. Trước đó hai tuần, UBND tỉnh Thanh Hóa và Tổng cục Du lịch đã tổ chức cuộc hội thảo "Giải pháp phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ" thu hút đông các đại biểu là các nhà khoa học xã hội, các nhà nghiên cứu chuyên ngành lịch sử, bảo tồn, bảo tàng, du lịch, quản lý ở Trung ương, địa phương và một số tỉnh, thành phố có di sản văn hóa thế giới như Huế, Quảng Nam tham dự. Gần 50 tham luận của các đại biểu, tập trung mấy vấn đề chủ yếu như gắn việc vinh danh với bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, phát huy giá trị di sản đi đôi với việc khơi dậy sức mạnh cộng đồng có sự quản lý của Nhà nước về hoạt động du lịch trong thời kỳ hội nhập.

Công trình kiến trúc độc đáo Thành Nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi thuộc địa phận huyện Vĩnh Lộc. Thành nội được xây lên từ những khối đá lớn, biểu hiện của sự phát triển kỹ thuật kiến trúc và quy hoạch đô thị với trình độ cao của người Việt cách đây sáu thế kỷ. Những phiến đá to, nặng vài chục tấn được cắt gọt kỹ thuật và đưa lên độ cao hơn 10 m, lắp đặt tinh xảo trùng khít lên nhau theo hình mái vòm bằng phương tiện thủ công, đã làm cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế rất thán phục. Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến tham luận nhấn mạnh phải bảo vệ cho được bản gốc bền lâu, không được làm biến dạng, sai diện mạo ban đầu di tích, đó là nguyên tắc để giữ nguyên giá trị vốn có của di sản theo Luật Di sản và các quy định của UNESCO. Nhiều tham luận rất mong muốn tỉnh Thanh Hóa sớm có nhà trưng bày hiện vật đã khảo cổ sưu tập được ở nội thành và thu thập trong nhân dân phục vụ du khách tham quan.

Theo Tổng cục trưởng Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn, Thành Nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới và cũng là tài nguyên du lịch ngoại hạng, vượt ra khỏi tầm quốc gia. Muốn phát huy được giá trị di sản, trước tiên phải có nhận thức đúng đắn ở cả chính quyền và người dân; phát huy giá trị tuyệt đối không được xung đột với bảo tồn di sản; đồng thời phải kết nối được với các điểm du lịch khác trong vùng và trong nước. Tổ chức trang trọng lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO cũng là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và nhân dân, đồng thời cũng là sự kiện mở đầu các hoạt động trong việc kết nối Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ với các di sản thế giới khác trong lĩnh vực bảo tồn và khai thác, phát triển du lịch./.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT