Non nước Việt Nam

Độc đáo cà kheo

Cập nhật: 04/05/2012 10:42:56
Số lần đọc: 2418
Sầm Sơn (Thanh Hóa) được biết đến là khu du lịch nghỉ mát hấp dẫn ở khu vực miền Trung. Sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên tạo cho nơi đây một khung cảnh sơn thủy hữu tình. Với bãi cát dài miên man, núi Trường Lê, đền Độc Cước, chùa Cô Tiên, hòn Trống Mái... tất cả như một huyền thoại, thơ mộng, trữ tình... Du khách đến đây còn bị quyến rũ bởi môn nghệ thuật đặc sắc, đó là biểu diễn cà kheo.

Hàng năm, tại lễ khai trương hè du lịch Sầm Sơn, du khách đặc biệt ấn tượng với màn biểu diễn nghệ thuật cà kheo của các nghệ nhân Câu lạc bộ (CLB) Cà kheo Sầm Sơn. Đây là nét đẹp văn hoá lâu đời của người dân biển Sầm Sơn. Theo người dân địa phương, từ xa xưa, những người dân vùng biển đã sáng tạo ra dụng cụ sản xuất để khai thác nguồn lợi thủy sản. Từ chỗ cào ngao, xúc tép moi gần bờ, người dân bắt đầu tính chuyện đi xa hơn để đánh bắt được nhiều tôm, cá hơn, nên đã tạo ra dụng cụ gọi là cà kheo.

 

Cà kheo làm bằng tre hoặc trúc già, thân thẳng, đặc, chịu lực tốt, có chỗ đặt chân và nén kheo. Nén kheo đeo ở đầu gối để giữ kheo và phải có độ co giãn để tránh làm trầy xước kheo chân. Người đi kheo dựa vào nước để lấy thăng bằng. Càng ra xa hơn, sâu hơn thì nối dài thêm kheo. Có người nối kheo dài đến 7-8m. Cùng với thời gian, những đôi cà kheo đã gắn bó mật thiết với cuộc sống lao động sản xuất của ngư dân nơi đây.

 

Với mục đích khôi phục và giới thiệu với du khách nét đẹp văn hoá của ngư dân miền biển, năm 2008, Ban lãnh đạo Trung tâm Thể dục thể thao thị xã Sầm Sơn đã thành lập CLB Cà kheo. Hiện nay, CLB đã có 50 thành viên, độ tuổi từ 6 - 40. Huấn luyện viên Lường Văn Bình, phụ trách đào tạo trẻ cho biết: Để khôi phục nghệ thuật đi cà kheo, Ban lãnh đạo Trung tâm đã đến Nam Định để mời các nghệ nhân cà kheo về dạy kỹ thuật đi cà kheo cho các thành viên CLB.

 

Biểu diễn cà kheo đòi hỏi phải có năng khiếu, thể lực, lòng đam mê và sự kiên trì. Trong khi tập luyện, nếu không nắm vững kỹ thuật, khi ngã, rất dễ xảy ra chấn thương. Những thành viên đội cà kheo chỉ biết trông cậy vào kinh nghiệm và lòng dũng cảm, chứ không có bất kỳ hình thức bảo vệ nào. Mặc dù vậy, chưa một lần họ nản chí mà trái lại, càng thôi thúc những người "chân dài" này đam mê luyện tập.

 

Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Nhật, Chủ nhiệm CLB Cà kheo Sầm Sơn, chúng tôi được gặp nghệ nhân Ngô Đình Trụ, ở thôn Thành Thắng, xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn. Bước vào độ tuổi "thất thập cổ lai hy", nhưng lão nghệ nhân cà kheo trông vẫn khỏe, với nước da ngăm đen, đặc trưng của ngư dân vùng biển. Ông cho biết: Từ lâu, ngư dân khu vực xã Quảng Cư, Quảng Tiến đã biết đi cà kheo, người dân thường dùng kheo đi dọc bãi biển để vớt cá, tép moi. Trong lúc nghỉ ngơi, người dân đã thách đố nhau đi kheo trên mặt đất. Cà kheo lên bờ đi khó hơn dưới nước. Bởi dưới nước, người đi kheo dễ lấy thăng bằng hơn. Gặp nền đất cứng, đi cà kheo rất nguy hiểm, đòi hỏi phải khổ công luyện tập.

 

Hiện nay, ở thôn Thành Thắng, thanh niên trai tráng hầu như ai cũng biết đi cà kheo, nhiều gia đình có đến ba thế hệ biết đi cà kheo. Gia đình huấn luyện viên Lường Văn Bình có ba chú cháu đang là thành viên CLB Cà kheo Sầm Sơn. Lường Văn Xuân (13 tuổi), đang học tại trường Trung học cơ sở Quảng Cư, là tài năng trẻ của đội, kheo. Xuân chia sẻ: Tham gia CLB Cà kheo không những có sức khỏe, mà còn được CLB và Trung tâm Thể dục thể thao Sầm Sơn đài thọ học phí, quần áo, đồ dùng học tập.

 

Biểu diễn cà kheo có nhiều nét độc đáo phong phú và đa dạng. Đội kheo có khoảng 20 người, có nhân vật chú tễu phụ họa dẫn đầu. Chú tễu cầm quạt, đi sau là múa lân, múa rồng rồi đánh trống, thổi kèn, đánh thanh la. Huấn luyện viên Lường Văn Bình cho biết, để có các tiết mục đặc sắc như: Trụ múa lắc đầu rồng; kỹ thuật đánh xoay 360 độ cùng với chú tễu; cầm chùy đánh lân; múa rồng; ngồi trên kheo..., các thành viên CLB đã luyện tập rất vất vả.

 

Từ khi thành lập đến nay, các thành viên trong đội đã tham gia nhiều lễ hội như: Lễ khai trương hè Sầm Sơn; lễ hội bánh chưng, bánh dày; lễ hội cầu phúc; lễ hội cầu mưa... CLB Cà kheo Sầm Sơn còn đi giao lưu và biểu diễn ở các hội Lam Kinh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; hội Lim ở Bắc Ninh...

 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Thể dục thể thao Sầm Sơn cho biết: "Ngoài việc biểu diễn phục vụ các lễ hội, nghệ thuật biểu diễn cà kheo của Sầm Sơn được công chúng và du khách thập phương yêu thích. Hiện nay, CLB Cà kheo Sầm Sơn đang thu hút nhiều bạn trẻ tham gia luyện tập. Thông qua các lễ hội, nghệ thuật biểu diễn cà kheo, du lịch Sầm Sơn và nét đẹp văn hóa vùng biển sẽ được quảng bá tới mọi miền đất nước"./.

Nguồn: Báo Biên Phòng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT