Non nước Việt Nam

Đền Tam Giang – chùa Đại Bi (Phú Thọ): Di tích lịch sử quốc gia

Cập nhật: 14/04/2011 16:15:46
Số lần đọc: 4232
Tọa lạc trên địa thế đắc đạo ngã ba sông thuộc phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, cụm di tích đền Tam Giang – chùa Đại Bi là một trong những di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia được nhiều khách thập phương trong và ngoài tỉnh thường xuyên viếng thăm.

Cuộc sống sôi động, bận rộn những lo toan du khách thập phương đến với di tích Đền Tam Giang – chùa Đại Bi như tìm về khoảng lặng vừa thỏa mãn nhu cầu tâm linh vừa  là nơi để tưởng nhớ công đức của các bậc tiền nhân thời khai quốc. Không ít du khách tìm đến đây để nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc.

 

Đền Tam Giang – chùa Đại Bi tĩnh lặng bên dòng sông Lô cuồn cuộn. Tuy thời điểm xây dựng đền và chùa có khác nhau và trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay đền Tam Giang - chùa Đại Bi trở thành một cụm di tích hoàn chỉnh, thống nhất. Đền Tam Giang thờ nhân vật lịch sử huyền thoại thời Hùng Vương dựng nước là Vũ phụ Trung dực Uy Hiển Vương (tên húy là Thổ Lệnh) là thần làng Bạch Hạc - thần sông Bạch Hạc. Trong đền còn thờ nhân vật lịch sử triều Trần là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và thờ Mẫu. Đền được xây dựng vào giữa thế kỷ 7 (năm 650).

 

Chùa Đại Bi được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Ngôi chùa không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo tới làm lễ mà còn là một trong những nơi sinh hoạt văn hóa làng xã của người dân trong khu vực qua nhiều đời.

 

Tích xưa kể lại rằng, thủa xa xưa, nơi đền tọa lạc là một đạo quân Thông Thánh được thành lập vào giữa thế kỷ VII (khoảng những năm 650). Việc hình thành đền Tam Giang khởi nguồn từ truyền thống tín ngưỡng của tổ tiên và tôn thờ các anh hùng gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc. Lịch sử còn ghi lại rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, triều đình nhà Trần đã nhiều lần lựa chọn ngã ba Bạch Hạc làm nơi huấn luyện quân sĩ. Vào ngày tết Thượng nguyên năm Ất Dậu (1285), tướng quân Trần Nhật Duật đã cắt tóc thề với thần linh, tổ tiên nguyện đem hết lòng trung thành để báo ơn vua rồi chỉ huy quân sĩ ra trận, kiên cường mưu trí ngăn cản bước tiến công và tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần. Để bày tỏ lòng biết ơn công lao của vị anh hùng dân tộc, người dân nơi đây đã tôn thờ ông trong đền Tam Giang. Xuất phát từ tín ngưỡng  Tam Phủ - một tín ngưỡng nguyên thủy của người Việt cổ, trong đền Tam Giang thờ các nữ thần tự nhiên như: Mẫu Thoải – cai quản sông nước, Mẫu Thượng Ngàn – cai quản núi rừng, Mẫu Cửu Trùng – cai quản bầu trời… Với lòng tôn kính, bái vọng các vị thần linh dân làng Bạch Hạc và du khách thập phương thường đến viếng đền và chùa nhằm bày tỏ khát vọng và mong muốn có cuộc sống an lành, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an.

Trải qua bao thế kỷ, đền Tam Giang – chùa Đại Bi đã qua nhiều lần trung tu, tôn tạo mới có được vóc dáng và kiến trúc đẹp lộng lẫy như ngày nay. Nằm trong khuôn viên rộng hơn 1000m2, ngôi đền có vị trí đắc địa (điểm hợp giang của ba con sông hay còn gọi là tam giang), phía trên là trời mây thoáng đãng, xung quanh là non nước bao la, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Ngôi đền quay ra sông, nhìn theo hướng Tây Bắc thấy núi Nghĩa Lĩnh – nơi thờ các đức Quốc tổ Hùng Vương. Với lối kiến trúc “tiền thần, hậu phật”, đền gồm 2 tòa tiền tế và hậu cung, nhà bốn mái, đao cong, nội thất chạm trổ các bộ tứ quý: “Long, ly, quy, phượng”, “tùng, cúc, trúc, mai”. Các nét chạm trổ hết sức tinh tế làm toát lên vẻ linh thiêng, hoàn mỹ. Trong đền Tam Giang lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lich sử, văn hóa, thẩm mỹ cao như bia đá "Hậu thần bia ký" (năm 1818); chuông đồng "thông thánh quán chung ký" (niên đại 1830). Đặc biệt quý giá là những bài minh chuông gắn liền với ngôi đền Tam Giang đó là thác bản chuông "Thông Thánh Quán" (năm 1321, đời vua Trần Minh Tông) và "Phụng Thái Thanh từ" (niên đại Gia Long năm thứ 17)... Đây là nguồn sử liệu quý giá giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu nhiều mặt kinh tế, văn hóa, xã hội thời Trần. Với những giá trị lịch sử to lớn, cùng với chùa Đại Bi, cụm di tích đền Tam Giang - chùa Đại Bi được Bộ Văn hóa,Thể thao và du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào tháng 6/2010.

 

Có hàng nghìn lượt du khách đến viếng đền Tam Giang - chùa Đại Bi mỗi năm, nhưng tập trung đông nhất vẫn là thời điểm đầu năm và lễ hội Đền Hùng. 

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT