Tin tức - Sự kiện

Bảo tàng Lịch sử Đà Nẵng: Ra mắt bộ sưu tập hiện vật quý

Cập nhật: 13/01/2011 09:01:10
Số lần đọc: 2191
Ngay tầng 1 của Bảo tàng (BT), bên cạnh ấn tượng về Đà Nẵng thời tiền sơ sử; về các vùng văn hóa; các làng nghề truyền thống… nét cổ xưa của không gian trưng bày còn được tô đậm bởi các cổ vật quý lần đầu tiên được giới thiệu như đồ gốm Chu Đậu; đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; đồ đồng thời Thương, Chu (Trung Quốc).

Mô tả ảnh.
Bộ sưu tập cổ vật ở BTLS Đà Nẵng. Theo thứ tự từ trái qua phải: 1- Gốm ché triều Nguyễn. 2- Đồ đồng thời Thương, Chu. 3- Các bộ sưu tập gốm Chu Đậu và đồ sứ ký kiểu triều Nguyễn.

Gốm Chu Đậu-Dòng gốm đặc trưng của nước Đại Việt thời Lê

Chu Đậu (nay thuộc huyện Nam Sách-Hải Dương) là một trung tâm sản xuất gốm hình thành vào cuối đời Trần, phát triển rực rỡ vào các thời kỳ Lê Sơ, Mạc và Lê-Trịnh… Những hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng chủ yếu là các loại bình, cốc, bát, chén, đĩa, lọ, ấm, chóe… Chúng có niên đại từ khoảng thế kỷ XV-XVI (thời kỳ gốm Chu Đậu phát triển lên đến đỉnh cao cả về chất lượng và thẩm mỹ) và đều là loại gốm hoa lam, một dòng gốm đặc trưng, nổi tiếng của Đại Việt thời Lê, khác với gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần.

Hoa văn đồ gốm Chu Đậu được trang trí khá phong phú gồm cúc dây hình sin, hoa phù dung, hoa sen, khóm cỏ, tre (trúc), chim, cá…; thiên về xu hướng tả thực, những đường nét thanh nhỏ, dứt khoát, mạch lạc với các sắc độ màu lam đậm nhạt là phong cách thể hiện chủ đạo của loại gốm hoa lam. Điều đặc biệt là thời kỳ này đã xuất hiện gốm vẽ nhiều màu (như tam thái, ngũ thái); đĩa được vẽ kín trong lòng; bát, chén, cốc vẽ hoa cúc dây… Ngoài ra, trong lòng đồ gốm còn viết cả những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Chính, Tâm, Quý…

Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn mang đậm dấu ấn cung đình

Đồ sứ ký kiểu là thuật ngữ dùng để chỉ những đồ sứ do người Việt đặt làm từ Trung Quốc trên cơ sở những mẫu hình đã được thiết kế, gồm có ngự dụng, quan dụng và dân dụng. Đây là dòng gốm sứ được bắt đầu từ thời Lê-Trịnh nhưng phải đến thời Nguyễn thì mới thịnh hành, kéo dài đến thế kỷ XX.

Sứ ký kiểu thời Nguyễn trước hết là để phục vụ cho nhu cầu của triều đình, là một phần của đồ Nội phủ, do các quan của triều đình đảm trách thiết kế từ kiểu dáng đến hình thức trang trí… trước khi gửi sang Trung Quốc. Chính vì thế, mặc dù có sự đa dạng về vẻ bề ngoài, nhưng nhìn chung, gốm sứ ký kiểu thời Nguyễn có sự ổn định về mặt loại hình như: bình, chóe, lọ, tô, đĩa…; đồ Nội phủ nói chung và đồ ký kiểu thời Nguyễn nói riêng đại đa số là đồ gốm lam trắng, vẽ màu xanh cô-ban trên nền trắng; các mô típ trang trí mang đậm dấu ấn cung đình và sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như long tàng vân, trúc lâm thất hiền, lưỡng long triều nguyệt, phong cảnh, bài thơ chữ Hán…

Đồ đồng thời Thương, Chu (Trung Quốc)

Các hiện vật thuộc đồ đồng thời Thương, Chu được trưng bày tại BT bao gồm các loại vũ khí như: kiếm, qua, giáo và một số đồ dùng sinh hoạt, tín ngưỡng. Tuy số lượng ít nhưng theo ông Hà Phước Mai, Giám đốc BT thì đây là những cổ vật cực kỳ quý hiếm ở Việt Nam. Có điều, sự giống nhau đến kỳ lạ và trọng lượng quá nặng của các đoản kiếm; việc một số hiện vật bằng kim loại có sự ôxy hóa không đồng đều khiến giới nghiên cứu từng đặt dấu chấm hỏi liệu đó có phải là đồ giả cổ? Nhưng đó là chuyện trong quá khứ (qua cuộc tham vấn kỹ lưỡng với các nhà khoa học ở Viện BT Vân Nam-Trung Quốc, giới nghiên cứu đã đi đến khẳng định đây là những cổ vật thời Thương, Chu), ngày nay, nhìn các hiện vật được trưng bày, người ta chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn, đồ đồng thời Thương-Chu đã đạt đến một trình độ nghệ thuật đáng nể phục với những hoa văn trang trí rất tinh vi, kiểu dáng đẹp và độc đáo, phản ánh một trong những thành tựu văn hóa cơ bản của hai triều đại phong kiến tồn tại gần 1.500 năm ở Trung Hoa.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT