Tin tức - Sự kiện

Thông điệp từ bề sâu văn hiến Thăng Long - Hà Nội

Cập nhật: 07/10/2010 09:10:00
Số lần đọc: 9607
Hà Nội của ngày mai dù to lớn, hiện đại đến đâu nhưng vẫn mang tâm hồn, bóng dáng Hà Nội hôm nay và Hà Nội của cha ông ta. Đó mới là Thủ đô mà mỗi người dân Việt Nam và bạn bè kỳ vọng.

Muốn cảm nhận hết vẻ đẹp Hà Nội, phải chờ đến mùa thu.

Thật vậy, mùa thu thứ 1.000 của kinh thành Thăng Long- Hà Nội đã trở về không thể đẹp hơn trong ba ngày đại lễ vừa rồi. Buổi sáng và cuối chiều trời se se lạnh, gió và mây lành bay về trong niềm hân hoan của hàng triệu cư dân thủ đô và du khách. Giữa Thăng Long - Hà Nội, cảm nhận bề sâu thăm thẳm của một ngàn năm đầy thăng trầm mà Thủ đô đã trải qua, có thể giúp soi sáng con đường đi tới tương lai.

Thăng Long-Hà Nội mà 1.000 năm trước, Đức Lý Công Uẩn đã sáng suốt và quyết đoán chọn làm nơi định đô cho Đại Việt, hôm nay là một thành phố hòa bình.

Ở đây, những ngày này, trai gái cầm tay nhau đi trong hạnh phúc, người già thanh thản dạo bước lặng ngắm phố phường, những em bé được cha mẹ công kênh trên vai, hân hoan xem pháo hoa nở trên bầu trời đêm… Trên nét mặt của mỗi người, qua các trang nhật ký cá nhân trên mạng Internet, các phương tiện truyền thông, niềm tự hào về Thủ đô và đất nước hiển hiện thật rõ rệt. Tuy còn nhiều điều chưa thật trọn vẹn, nhưng được chứng kiến thời khắc ngàn năm có một này, thực sự  là diễm phúc của thế hệ hôm nay.

Hòa bình là một giá trị vô giá mà bao lớp tiền nhân để lại.

Để có nó, Thăng Long - Hà Nội, cũng như Tổ quốc Việt Nam, đã bao phen oằn mình, đổ máu và đổ nát bởi họa ngoại xâm. Ký ức gần nhất là cuộc chiến 12 ngày đêm chống lại sự tàn phá điên cuồng bằng không quân của đế quốc năm 1972… Trong chiến tranh, Hà Nội đã chứng kiến bao nhiêu là mất mát và chia ly.

Dù khao khát cháy bỏng hòa bình, mơ ước một “Thăng Long phi chiến địa” nhưng trớ trêu thay, đây cũng là nơi bị chiến tranh hủy hoại ghê gớm nhất. Đứng trên nền điện Kính Thiên, giữa lòng Hoàng thành - Di sản Văn hóa Thế giới, tự hào về lịch sử, xúc động bởi sự đồ sộ, tiếp nối của nhiều tầng văn hóa, chúng ta cũng xót xa bởi phần lớn nơi đây chỉ còn là phế tích. Các hiện vật khảo cổ không thể giúp cho hậu thế hình dung được một cách chính xác những gì mà cha ông đã từng dựng lên ở đây.

Và không chỉ ở khu vực Hoàng thành Thăng Long, dấu xưa lối cũ của một thành phố cổ kính 1.000 tuối còn lại không nhiều ở Hà Nội. Hiện thực này có nguyên nhân chủ yếu từ các cuộc chiến tranh không tránh được, đồng thời cũng có lý do từ nhận thức chưa tới của con người.

Bởi vậy, giá trị của hoa bình, bài học về lòng khát khao hòa bình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ hòa bình  của Thăng Long - Hà Nội cần luôn được hun đúc, trở thành quyết tâm bằng mọi giá phải bảo vệ hòa bình và độc lập cho đất nước. Và một khi đã tạo dựng được hòa bình, thì điều quan trọng hơn là làm cho con người thực sự có được cuộc sống an bình.

Một trong những lý do để Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Văn hóa Thế giới bởi nó là minh chứng cho một quá trình giao lưu, đối thoại, hội nhập và tiếp nối của nhiều nền văn hóa. Lịch sử, nhất là thời điểm Đức Lý Công Uẩn quyết tâm thiên đô, đoạn tuyệt với cố đô Hoa Lư hiểm trở, giờ đây đã truyền một thông điệp rất rõ ràng từ tiền nhân. Đó là: Muốn quốc gia hưng thịnh, dân tộc trường tồn thì phải chuyển từ thế co cụm, đóng kín, phòng thủ sang thế chủ động, chọn một địa thế thuận lợi có thể tính kế cho muôn đời sau, tự nguyện khai mở, thu nạp và học hỏi từ những nền văn minh lớn hơn để làm giàu bản sắc của dân tộc mình. Đó chính là di sản tinh thần vô giá tỏa sáng từ bề sâu của văn hiến Thăng Long - Hà Nội.

Con đường thăng trầm 1.000 năm qua của Hà Nội cũng cho thấy, chỉ có sự phát triển theo phương thức tiếp nối, kế thừa mới bền vững. Trái lại, lối phát triển theo kiểu phủ nhận thô bạo quá khứ sẽ tạo ra hậu quả khôn lường cho thế hệ tương lai.

Sau một ngàn năm, Hà Nội lại đang bước vào một thời kỳ phát triển mới với nhưng cơ hội chưa từng có trong lịch sử. Thế nước đang lên, tiềm lực vật chất của quốc gia và nhân dân ngày càng dồi dào hơn. Xã hội lại gặp nhau ở một sự đồng thuận lớn, đó là ưu tiên và quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Bởi thế cho nên mỗi sự làm thay đổi diện mạo vật chất và tinh thần của thủ đô lại càng cần thận trọng. Một sự phát triển bình tĩnh, làm cho mọi người, dù là ở khu đô thị trung tâm hay những vùng xa xôi mới nhập về Hà Nội, đều cảm thấy hài lòng, mới là sự phát triển hợp lý.

Và trên hết, Hà Nội của ngày mai dù to lớn, hiện đại đến đâu nhưng vẫn mang tâm hồn, bóng dáng Hà Nội của hôm nay và Hà Nội của cha ông ta. Đó mới là Thủ đô mà mỗi người dân Việt Nam và bạn bè kỳ vọng.

Nói cách khác, chúng ta chỉ có thể làm được những điều tốt đẹp cho Hà Nội khi hiểu được và trân trọng thực sự bề sâu văn hiến của 1000 năm Thăng Long - Hà Nội./.

                                                                                                           Phạm Kinh Bắc

Nguồn: VOV

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT