Hoạt động của ngành

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh: Triển khai các giải pháp mở cửa du lịch phù hợp với hướng dẫn tạm thời của Bộ VHTTDL

Cập nhật: 22/10/2021 08:22:51
Số lần đọc: 1128
(TITC) - Sáng ngày 21/10/2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã dự hội nghị trực tuyến với UBND tỉnh Quảng Nam về đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa hoạt động, đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam.  

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: TITC)

Cùng dự hội nghị, về phía Tổng cục Du lịch có Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu, lãnh đạo các vụ, đơn vị trực thuộc; ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Về phía tỉnh Quảng Nam có ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở VHTTDL và các sở ban ngành liên quan, đại diện các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hãng hàng không…

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến ngành du lịch Quảng Nam, trên 90% doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam đã tạm dừng hoạt động, khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, gần 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm. Trong 9 tháng của năm 2021, du lịch Quảng Nam thiệt hại khoảng 15 nghìn tỷ đồng.

An toàn là tiêu chí hàng đầu trong việc phục hồi, mở cửa lại du lịch

Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, để mở cửa đón khách trong điều kiện "bình thường mới", ngành du lịch Quảng Nam chuẩn bị dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với hoạt động du lịch trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí "An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn" và phù hợp với chỉ đạo chung của Chính phủ.

Công tác bảo đảm an toàn cũng được các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, hãng hàng không… chú trọng thực hiện thường xuyên, bảo đảm các tiêu chí phòng, chống dịch. Bà Hoàng Lê Phương Linh, đại diện Vinpearl Nam Hội An cho biết khu nghỉ dưỡng đã chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất cho việc mở cửa lại đón khách du lịch với việc thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn trong tất cả các quy trình đón và tiễn khách. Bên cạnh đó, Vinpearl Nam Hội An phối hợp với các địa phương, các đối tác tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… nhằm phát triển linh hoạt các sản phẩm, tour tuyến hấp dẫn, an toàn.

Theo bà Lê Thị Nga, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, tại tất cả các chuyến bay của hãng đều thực hiện thường xuyên và nghiêm túc quy trình phun khử khuẩn, 100% tiếp viên hàng không được tiêm chủng đủ liều vắc-xin, các nhân viên làm dịch vụ được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ y tế như găng tay, khẩu trang, kính chống giọt bắn… Việc cung ứng các suất ăn cũng được Bamboo Airways điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh tình hình dịch bệnh.

Tăng cường liên kết và phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, để thu hút khách du lịch nội địa, thời gian qua tỉnh quảng Nam đã có sự điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu du khách. Riêng tại Hội An, ngành du lịch đã đẩy mạnh thu hút khách đến Cù Lao Chàm, biển An Bàng, rừng dừa Cẩm Thanh… thông qua các chuỗi sự kiện, festival quy mô lớn nhỏ khác nhau.

Theo bà Nguyễn Quỳnh Vân, đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines khu vực miền Trung cho biết, cùng với bảo đảm tiêu chí an toàn, hãng còn tập trung phát triển các sản phẩm mới, hấp dẫn về giá và phí, đa dạng kênh bán, linh hoạt trong chính sách hoàn, hủy nhằm hỗ trợ tối đa cho du khách.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng, liên kết Đà Nẵng - Quảng Nam là liên kết du lịch trọng điểm của khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung, đóng góp đáng kể vào số lượng khách du lịch của cả nước. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác, thực hiện linh hoạt các chính sách phối hợp để trao đổi và thu hút khách du lịch, phát huy vai trò của Quảng Nam, Đà Nẵng trong phục hồi du lịch khu vực và cả nước.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ mở cửa hoạt động du lịch

Trong bối cảnh dịch bệnh, công nghệ là yếu tố quan trọng giúp ứng phó và đảm bảo du lịch an toàn. Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch cho biết, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã triển khai nhiều giải pháp công nghệ, trong đó có ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn phục vụ khách du lịch; hệ thống đăng ký và khai báo an toàn Covid-19 đối với các cơ sở kinh doanh du lịch; hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc-xin Covid-19 để phục vụ thí điểm đón khách du lịch quốc tế…

Ông Hoàng Quốc Hòa đề nghị ngành du lịch Quảng Nam phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn nghiêm túc thực hiện việc đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19 thường xuyên theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL tại công văn số 4159/BVHTTDL-TCDL. Phổ biến rộng rãi cho khách du lịch sử dụng ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” với những tiện ích rất thiết thực. Đây là công cụ đồng hành quan trọng với du khách trong mỗi hành trình du lịch trong bối cảnh dịch bệnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của UBND tỉnh Quảng Nam trong việc phục hồi ngành du lịch địa phương, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp du lịch. Tổng cục trưởng nhấn mạnh, hội nghị ngày hôm nay được UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức trong bối cảnh Chính phủ đang có sự điều chỉnh quan trọng trong chỉ đạo, định hướng liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế với việc ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Tổng cục trưởng cho biết, ngày 18/10, Bộ VHTTDL đã ban hành Hướng dẫn tạm thời số 3862/HD-BVHTTDL về việc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Tổng cục trưởng đề nghị tỉnh Quảng Nam kịp thời cập nhật, điều chỉnh hướng dẫn tạm thời cho hoạt động du lịch trên địa bàn phù hợp với văn bản hướng dẫn của Bộ.

Tổng cục trưởng lưu ý, theo hướng dẫn mới của Bộ, hoạt động du lịch không bị đóng băng trong bất kỳ cấp độ dịch bệnh nào, chỉ khác nhau về mức độ và quy mô hoạt động. Ở cấp độ 1 và 2 các hoạt động du lịch được tổ chức một cách bình thường, cơ sở kinh doanh du lịch được phục vụ 100% công suất.

Nhằm chuẩn bị cho việc tái khởi động hoạt động du lịch, thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã khẩn trương triển khai hàng loạt hoạt động, trong đó Tổng cục đã tham mưu cho Bộ VHTTDL ban hành kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022 tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tổ chức họp trực tuyến với 25 địa phương trọng điểm về du lịch bàn về tái khởi động hoạt động du lịch; họp trực tuyến với Bộ ngoại giao và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài để phối hợp xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường khách quốc tế trọng điểm; họp với các hãng hàng không, lữ hành hàng đầu Việt Nam nhằm bàn giải pháp kết nối, khai thác thị trường, đón và phục vụ khách…

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: TITC)

Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đề nghị tỉnh Quảng Nam và các doanh nghiệp cần tính toán, xem xét mở cửa đúng lộ trình, đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến việc tiêm chủng, tỉnh cần đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế tăng cường phân bổ vắc-xin để tiêm phủ trên địa bàn, ưu tiên tiêm chủng cho đội ngũ nhân lực phục vụ khách trong ngành du lịch, đây là điều kiện quan trọng tạo tiền đề mở cửa du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng cần ban hành các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch để phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ khách du lịch thông qua các chính sách miễn giảm phí vé tham quan các điểm du lịch trên địa bàn.

Tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, sinh thái, tỉnh Quảng Nam nên tập trung phát triển một số loại hình du lịch mới nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách như du lịch sinh thái, nông thôn, nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên. Đồng thời tiếp tục quan tâm thu hút nhân lực quay trở lại ngành du lịch, đào tạo lại, phát triển kỹ năng nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng nhân lực du lịch.

Ngoài ra, địa phương và các doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến quảng bá các sản phẩm, chương trình du lịch hấp dẫn nhằm thu hút du khách. Trong quá trình đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm hỗ trợ hiệu quả phục hồi du lịch.

Đồng thời, tỉnh cần chú trọng tăng cường liên kết, hợp tác trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các sở ban ngành trong tỉnh, giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ du lịch, giữa Quảng Nam với các địa phương khác, phát huy hiệu quả liên kết Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục