Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: A Lưới sẵn sàng ''mở cửa'' du lịch

Cập nhật: 03/03/2022 09:20:31
Số lần đọc: 950
Trước xu thế du lịch đang dần “mở cửa” toàn diện sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế triển khai giải pháp phát triển các điểm đến, thu hút du khách với phương châm thích ứng an toàn.


Huyện A Lưới sẽ tổ chức nhiều hoạt động phiên chợ vùng cao kết hợp phục vụ khách du lịch

Tạo ra nhiều điểm đến và trải nghiệm

Ngay sau dịp Tết Nhâm Dần, huyện A Lưới lập đoàn khảo sát các điểm đến du lịch năm 2022. Nhiều điểm du lịch mới được khảo sát kỹ để đầu tư, chuẩn bị kỹ hơn đón đầu xu thế du lịch “mở cửa” toàn diện, trong đó có một số điểm tại xã A Roàng, Hồng Thượng, Hồng Kim, Trung Sơn, Hồng Hạ và thị trấn A Lưới.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện A Lưới cho biết, trên cơ sở thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, để thu hút du khách, ngoài đầu tư, sửa sang lại các điểm du lịch để đón khách, nhất là một số điểm du lịch đã có tiếng ở A Lưới, như Pâr Le (xã Hồng Hạ), A Nôr (xã Hồng Kim), A Hưor Pa E (xã Quảng Nhâm)… huyện A Lưới có kế hoạch mở rộng, nâng cấp tuyến đường đến các điểm du lịch, trồng hoa bản địa tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng A Nôr. Bên cạnh đó, huyện A Lưới phối hợp các cơ quan, công ty du lịch lữ hành và các đơn vị có liên quan xây dựng hình thành các điểm đến mới, hỗ trợ cách làm du lịch thân thiện, kết nối tour tuyến, điểm đến phục vụ khách tham quan các mô hình du lịch cộng đồng, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa truyền thống...

Tạo cho du khách cơ hội trải nghiệm làm bánh Aqoatq

Theo đại diện UBND huyện A Lưới, song song với việc phát triển, đầu tư các điểm lưu trú, homestay, farmstay, huyện A Lưới cũng định hướng phát triển dịch vụ, sản phẩm đặc trưng, dựa vào thế mạnh của địa phương. Trong kế hoạch phát triển du lịch năm 2022, cũng tính đến phương án thành lập, duy trì hoạt động 1 câu lạc bộ thuyền kayak tại lòng hồ thủy điện; duy trì, phát triển 1 nghề thủ công truyền thống (nghề dệt thổ cẩm hoăc mây tre đan) tại điểm du lịch A Nôr. Đồng thời, sẽ hỗ trợ phục dựng văn nghệ dân gian, ẩm thực truyền thống phục vụ khách du lịch, phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp (hỗ trợ xây dựng sản phẩm nông sản hình thức quà tặng để phục vụ khách du lịch…).

Điểm mà huyện A Lưới chú trọng là mở cửa an toàn. Huyện A Lưới sẽ thường xuyên triển khai các đợt khảo sát, kiểm tra nhắc nhở các điểm du lịch, cơ sở lưu trú… xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; phương án đón tiếp, phục vụ du khách phù hợp trong tình hình mới.

Xây dựng chương trình du lịch 4 mùa

Điểm đặc biệt năm nay là, huyện A Lưới lần đầu xây dựng và triển khai kế hoạch du lịch 4 mùa. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện, dựa vào những đặc trưng du lịch, lễ hội của địa phương, kế hoạch du lịch 4 mùa sẽ tổ chức các chuỗi hoạt động lễ hội trải dài trong năm, nhằm tôn vinh quảng bá những nét văn hóa đặc thù của vùng đất, khai thác thế mạnh về du lịch lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để thu hút du khách.

Xuyên suốt trong năm đều có hoạt động lễ hội, du lịch và dần đưa các hoạt động vào khuôn khổ, với kế hoạch bài bản hơn, tháng nào cũng có hoạt động bao gồm đầy đủ các lễ hội, thể thao truyền thống đến nghệ thuật gian dân, nghệ thuật đương đại được tổ chức theo khung thời gian, phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia. Trong đó, dự kiến từ tháng 1 - 3 là lễ hội mùa xuân “Sắc xuân vùng cao” với nhiều hoạt động chính như hội hoa xuân - phiên chợ vùng cao; nghi lễ xuống giống, gieo sạ (A Pier); dâng Dèng, cùng nhiều hoạt động hưởng ứng như chương trình nghệ thuật quần chúng, thể thao quần chúng…

Tháng 4 - 6 sẽ có lễ hội mùa hạ; trong đó, huyện A Lưới định hướng có thể tổ chức các hoạt động chính như Pộc Xu (Đi Sim); tắm tiên thác A Nôr; lễ hội ẩm thực cùng nhiều hoạt động hưởng ứng là các trò chơi dân gian. Chương trình trải nghiệm “Một ngày làm người Pa Cô”, tham quan bản làng và thác, trải nghiệm làm nông dân vùng cao và thưởng thức ẩm thực; gội đầu, xông răng…

Theo bà Thêm, đến lễ hội mùa thu (tháng 7 - 9), có nhiều hoạt động phù hợp để tổ chức. Các hoạt động chính và các hoạt động hưởng ứng dự kiến diễn ra xen kẽ như: Cu Hul Thal cõng vợ và các hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian thi giã gạo, dệt Dèng, làm bánh A Quát, đan chiếu…

Trong 3 tháng cuối năm, huyện A Lưới sẽ tổ chức lễ hội mùa đông. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa – Thông tin huyện, với đặc điểm thời tiết của A Lưới, mùa đông phần lớn chịu ảnh hưởng mưa dầm và lạnh gợi lên những khoảng lặng. Do đó, lễ hội Mừng nhà mới, các chương trình trải nghiệm trong nhà, với hoạt động cồng chiêng sẽ làm ấm áp hơn, “khuấy động” thời tiết của mùa đông, với chủ đề “Âm vang núi rừng”. Trong tháng 12 gần Tết, cũng sẽ có hoạt động hưởng ứng trải nghiệm trồng hoa, tham quan, chụp ảnh, nhất là các vườn hoa tuy lip, hoa ly đã được nhiều người biết đến.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế

Cùng chuyên mục