Hoạt động của ngành

Thành phố Huế: Tận dụng ''thế mạnh'' để phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp các tour du lịch trải nghiệm

Cập nhật: 26/10/2021 09:21:44
Số lần đọc: 847
Cùng với chiến lược khai thác thế mạnh vùng biển, đầm phá để phát triển du lịch và kinh tế xã hội, thành phố Huế cũng định hướng các xã, phường phát triển các mô hình nông nghiệp “sạch” kết hợp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, nâng cao lợi ích kinh tế cho người nông dân...  


Khẳng định thương hiệu Hành lá Hương An, phát triển nông nghiệp "sạch", chất lượng cao và quy mô lớn, tạo nhiều lợi ích kinh tế cho bà con

Cùng với chiến lược khai thác thế mạnh vùng biển, đầm phá để phát triển du lịch và kinh tế xã hội, thành phố Huế cũng định hướng các xã, phường phát triển các mô hình nông nghiệp “sạch” kết hợp phục vụ khách tham quan trải nghiệm, nâng cao lợi ích kinh tế cho người nông dân...

Đẩy mạnh xúc tiến và kêu gọi đầu tư, phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Khai thác tiềm năng, lợi thế to lớn về lĩnh vực nông nghiệp sau khi 13 xã, phường mới sáp nhập vào thành phố từ ngày 1/7/2021 theo Nghị quyết 1264 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, thành phố Huế tăng cường công tác thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho cây trồng - vật nuôi, phát triển đời sống người nông dân, phát triển kinh tế cho thành phố...

Hương An là một trong những địa phương mới sáp nhập vào thành phố từ 1/7, nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng hơn 10km về phía Tây Bắc, có tổng diện tích tự nhiên gần 1.100ha, trong đó đất nông nghiệp gần 740ha, phi nông nghiệp gần 300ha.

Theo Chủ tịch UBND phường Hương An - Nguyễn Thị Xuyến, 9 tháng đầu năm 2021, phường Hương An đạt 14/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, đã khởi công xây dựng 11 công trình với tổng vốn đầu tư 18,7 tỷ đồng; tổng thu ngân sách 9 tháng đạt gần 70,6 tỷ đồng, đạt 207,9% so với kế hoạch. Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, thời gian qua có một vài doanh nghiệp đã đến đầu tư mô hình trang trại kết hợp với tham quan du lịch; các hộ dân phát triển cây hành lá, sản xuất rau sạch, xây dựng thương hiệu sản phẩm để cung ứng ra thị trường.

Qua khảo sát, Hương An hiện là vùng sản xuất hành lá chuyên canh, có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng khác với diện tích trồng hành chiếm từ 70-100ha, trong đó có 176 hộ tham gia trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích hơn 16ha. Hiện, Hương An đang nỗ lực xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hành lá góp phần nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, đồng thời đăng ký sản phẩm OCOP của địa phương.

Trang trại công nghệ cao Rơm Farm theo chuỗi ở phường Hương An - thành phố Huế

Cùng với hành lá, hiện một số doanh nghiệp đã đầu tư trang trại trồng các loại cây dưa lưới, dưa lê trong nhà kính kết hợp hình thành các tour tuyến tham quan du lịch, bước đầu cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sản phẩm tại vườn. Sắp tới, Phòng Kinh tế thành phố Huế sẽ làm đầu mối liên kết giữa địa phương và các đơn vị liên quan trong việc quy hoạch diện tích đất để hình thành vùng chế biến gắn với vùng sản xuất hành, rau, quả, tạo chuỗi giá trị từ cây hành lá, chủ động trong việc cung cấp thị trường để kêu gọi đầu tư. Dự kiến, vùng quy hoạch có tổng diện tích khoảng 5.000ha. Ngoài ra, Phòng Kinh tế thành phố Huế cũng làm "đầu mối" liên kết giữa địa phương và Trường Đại học Nông Lâm Huế… Ngoài ra, quy hoạch đất để hình thành vùng chế biến gắn với vùng sản xuất hành, rau, quả, tạo chuỗi giá trị từ cây hành lá, chủ động trong việc cung cấp thị trường để kêu gọi đầu tư. Vùng quy hoạch dự kiến 5.000 hecta.

Lâu nay, Hương Vinh được xem là “vựa lúa” của thị xã Hương Trà với diện tích trồng lúa hơn 330ha. Từ 1/7/2021, xã sáp nhập vào thành phố Huế và “lên” phường Hương Vinh. Khai thác tiềm năng sẵn có, Hương Vinh tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó mở rộng mô hình trồng lúa chất lượng cao tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vinh - bà Nguyễn Thị Hồng Oanh cho rằng, với lợi thế về diện tích trồng lúa lớn, nhiều năm qua phường đã liên kết với Công ty CP Vật tư Nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế vận động bà con triển khai mô hình liên kết sản xuất lúa chất lượng cao, đưa các giống lúa mới và ứng dụng khoá học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng lúa và tạo ra sản phẩm có thương hiệu phục vụ người tiêu dùng. Đến nay, các hộ dân đã chuyển đổi được 15ha, sắp tới sẽ nhân rộng mô hình và nâng diện tích lên gấp đôi, đồng thời vận động bà con chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen nhằm nâng cao thu nhập.

Từ “sản xuất lương thực” đến “làm giàu bằng nông nghiệp”

Tại các địa phương mới sáp nhập, như Hương Thọ, Thuỷ Bằng, Phú Mậu, Phú Thanh…, ngoài việc vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi các mô hình nông nghiệp truyền thống sang mô hình nông nghiệp công nghệ cao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các tour tuyến du lịch, sắp tới thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư các dự án nông nghiệp xanh, sạch kết hợp tổ chức các tour du lịch trải nghiệm nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, trên cơ sở kết hợp công nghệ hiện đại với sản xuất truyền thống tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với lợi thế có biển, đầm phá và vùng nước lợ tập trung tại các xã Hương Phong, Hải Dương, Phú Dương, thị trấn Thuận An, ngoài việc vận động bà con đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất các sản phẩm thuỷ hải sản, nông nghiệp, thành phố Huế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở phát triển thương hiệu nhằm quảng bá sản phẩm, đưa sản phẩm vào tiêu thụ ở hệ thống siêu thị; nâng cao năng lực đánh bắt xa bờ, đầu tư nâng cấp cảng cá Thuận An... để nâng tầm nông nghiệp – ngư nghiệp cho thành phố Huế.

Để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh lĩnh vực nông nghiệp tại các xã, phường mới, thành phố Huế tăng cường công tác thu hút đầu tư, kêu gọi các dự án, mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây trồng, vật nuôi. Trong đó, ứng dụng mô hình máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật lên các bộ phận của cây trồng, vừa giúp tránh lãng phí nước, tránh lãng phí thuốc, vừa đảm bảo hiệu quả phun phòng trừ sâu bệnh. 

Theo Chủ tịch UBND thành phố Huế Võ Lê Nhật, với định hướng phát triển mô hình nông thị (nông nghiệp trong đô thị), đồng thời tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp sạch kết hợp phục vụ khách tham quan, thời gian tới thành phố Huế chỉ đạo các xã, phường mới, tăng cường quản lý đất đai, phát triển nông nghiệp sạch, ưu tiên thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, đa dạng hoá loại hình du lịch để thu hút khách. Để triển khai thực hiện, các phòng ban của thành phố Huế phối hợp với địa phương khảo sát, định hướng quy hoạch, kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, tránh việc lãng phí quỹ đất, đồng thời triển khai hiệu quả công tác phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

 

Nguồn: thuathienhue.gov.vn

Cùng chuyên mục