Hoạt động của ngành

Như Thanh (Thanh Hóa) phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh

Cập nhật: 07/09/2020 07:57:30
Số lần đọc: 1491
Được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa tâm linh, những năm qua, huyện Như Thanh đã có nhiều cơ chế đầu tư nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Vườn quốc gia Bến En (Như Thanh). Ảnh: Nguyễn Xuân Linh

Các sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện tương đối đặc sắc và đa dạng, gồm có: Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại Vườn Quốc gia Bến En. Du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng tại dốc Eo Gắm (xã Hải Long); thác nước dốc bò lăn (xã Thanh Tân); hang động núi thủ lợn, hang Lèn Pót (xã Xuân Thái); hang Ngọc gắn với cây lim xanh cổ thụ (xã Xuân Khang); mó nước thuộc thôn Liên Minh và thôn Cầu Hồ (xã Mậu Lâm); du thuyền trên lòng hồ - du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần thuộc một phần hồ Yên Mỹ (xã Thanh Tân và Thanh Kỳ). Du lịch văn hóa tâm linh tại đền Phủ Na (xã Xuân Du); đền Bạch Y Công Chúa (xã Phú Nhuận); đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Mẫu Phủ Sung và Di tích lịch sử quốc gia Lò cao kháng chiến (thị trấn Bến Sung). Gắn với các di tích là các lễ hội truyền thống như: lễ hội Kin chiêng boọc mạy (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia) lễ hội Sết bóc mạy, lễ hội Cơm mới, lễ hội Rước bóng Phủ Na, lễ hội rước linh vị Bạch Y Công Chúa... mang đến nhiều nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần, cũng như tín ngưỡng tâm linh của đồng bào nơi đây.

Thời gian qua, để khai thác phát triển du lịch, huyện đã triển khai lập quy hoạch nhiều điểm, khu du lịch. Giai đoạn 2016 -2020, có 12 quy hoạch phát triển du lịch đã được lập và điều chỉnh bổ sung. Đến nay, đã có 4 quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch được phê duyệt. 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trùng tu, tôn tạo các di tích đạt 174,1 tỷ đồng, điển hình như: Dự án từ đường tỉnh 520 nối Quốc lộ 45 vào Khu du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Bến En với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; tuyến đường Xuân Du - Hợp Thắng (Triệu Sơn) tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng; trùng tu, tôn tạo đền Mẫu Phủ Na 15 tỷ đồng; tôn tạo Di tích lịch sử Lò cao kháng chiến 8 tỷ đồng; xây dựng phòng trưng bày, bến thuyền du lịch, nhà vệ sinh đạt chuẩn tại Vườn Quốc gia Bến En hơn 6 tỷ đồng... Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa cũng được đầu tư, nâng cấp và xây mới phục vụ cho các hoạt động du lịch. Các dự án đầu tư phục vụ khách du lịch gia tăng đáng kể, giai đoạn 2016 - 2020 có 12 dự án đầu tư kinh doanh du lịch, trong đó 1 dự án đầu tư Trung tâm thương mại thị trấn Bến Sung, 6 dự án đầu tư khách sạn, nhà nghỉ, với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 60 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện đầu tư trên 41 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 10 cơ sở lưu trú với 137 phòng, 25 cơ sở, nhà hàng phục vụ ăn uống, góp phần làm cho diện mạo du lịch Như Thanh từng bước đổi mới.

Hàng năm, ngân sách huyện dành 100 - 150 triệu đồng triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được quan tâm. Phối hợp với các ngành cấp tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về du lịch và cấp chứng chỉ cho hơn 500 lượt học viên tham gia. Tính đến năm 2020, toàn huyện có khoảng 1.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, trong đó 52% lao động được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về du lịch; 30% cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu, điểm du lịch được bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp và kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm du lịch. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch được tăng cường, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên được triển khai kịp thời đến các đơn vị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện.

Trong 5 năm (2016-2020), toàn huyện đón được 631.770 lượt khách du lịch, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 4.275 lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 9,8%/năm. Phục vụ trên 817.100 ngày khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 9,4%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt trên 456.600 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 18,7%/năm. Tỷ trọng kinh tế du lịch bình quân giai đoạn 2016-2020 trong tổng giá trị ngành dịch vụ của huyện là 9,87%.

Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Như Thanh cho biết: Nhận định tiềm năng, lợi thế đa dạng và phong phú về tài nguyên tự nhiên và nhân văn sẽ tạo ra cơ hội phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, có đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII đã xác định phát triển du lịch là 1 trong 2 chương trình trọng tâm giai đoạn 2021-2025. Chính vì vậy, huyện đang tập trung xây dựng Chương trình phát triển du lịch huyện Như Thanh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu là đưa du lịch Như Thanh trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế dịch vụ của huyện. Phấn đấu đến năm 2025, du lịch Như Thanh trở thành điểm đến hấp dẫn, là một trong các trung tâm phát triển du lịch của tỉnh.

Để hiện thực hóa được các mục tiêu trên, huyện đang tích cực phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh thực hiện quy hoạch khu nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Yên Mỹ. Phối hợp với các sở, ngành, nhà đầu tư tiến hành rà soát, lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, lập dự án xây dựng các điểm đến du lịch như: Vườn Quốc gia Bến En, hang Ngọc, hang Lèn Pót, dốc Eo Gắm, thác nước dốc Bò Lăn, mỏ nước nóng, khu rừng lim tái sinh Vườn Quốc gia Bến En... Điều chỉnh, bổ sung và lập mới quy hoạch bảo tồn và phát huy một số di tích có giá trị, có khả năng khai thác thu hút khách như: Khu di tích cách mạng nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên huyện Như Thanh, đền Đức Ông Khe Rồng, đền Mẫu Phủ Sung, đền Bạch Y Công Chúa... Bên cạnh việc tập trung các nguồn lực kinh tế, đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư, tu bổ, tôn tạo và phát huy các di tích danh thắng có giá trị, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại các khu, điểm du lịch trọng điểm.

Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, trọng tâm là Vườn Quốc gia Bến En; Khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Yên Mỹ kết hợp với vườn hoa Thủy Sơn trở thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, thu hút lượng lớn du khách, có khả năng đóng góp cao cho tổng thu nhập từ du lịch của huyện và là động lực thúc đẩy phát triển các dòng sản phẩm du lịch khác. Từng bước thu hút đầu tư, hình thành cụm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, tiện nghi, khu vui chơi giải trí tổng hợp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách. Phát huy nội lực, kết hợp huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư các điều kiện tối thiểu phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch và kết nối với Khu di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh Am Tiên (Triệu Sơn), để hình thành và phát huy hiệu quả loại hình du lịch văn hóa tâm linh.

Cùng với đó, huyện sẽ xây dựng và lựa chọn một số lễ hội văn hóa đặc trưng, loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống để tổ chức thường niên, nhằm quảng bá, tạo thương hiệu cho du lịch Như Thanh. Phục dựng các loại hình văn hóa dân gian phục vụ khách du lịch, kết hợp với các dịch vụ đi kèm các món ăn ẩm thực như: Cá mè sông mực, lợn mán, nem chua lợn mán, dúi, gà đồi, mật ong rừng...; các cây lá nam như: chè vằng, lá lạc tiên, nấm lim, các sản phẩm OCOP nông nghiệp... Trước mắt, khi chưa hoàn thành các khu nghỉ dưỡng cao cấp, huyện tập trung thu hút khách thị trường khách du lịch nội địa truyền thống. Tăng cường cải thiện môi trường du lịch; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, phát triển nguồn nhân lực; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.

Ngọc Anh

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục