Hoạt động của ngành

Lào Cai: Mở cửa du lịch, Sa Pa vừa mừng vừa lo

Cập nhật: 17/03/2022 09:59:48
Số lần đọc: 902
Vừa mừng vừa lo là tâm trạng phổ biến của cả nhà quản lý lẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành ở Sa Pa (Lào Cai) khi du lịch mở cửa trở lại.


Mới trong vòng 2 năm, anh Phạm Tiến Dũng, chủ chuỗi 4 khách sạn tại Sa Pa chuyên phục vụ khách quốc tế giờ chỉ còn giữ lại duy nhất 1 cơ sở mang tên Eden Boutique. So với nhiều nhà đầu tư khác tại khu du lịch này, anh Dũng vẫn cho rằng bản thân là người may mắn trụ lại được sau cơn bão dịch.

Từ khi được tin Chính phủ đồng ý mở cửa du lịch, một số khách nước ngoài đã chủ động liên hệ lại với cơ sở anh Dũng, mừng nhiều mà lo cũng không ít vì trước mắt còn bộn bề việc phải làm, từ xây dựng phương án trang hoàng cơ sở vật chất đến kiện toàn đội ngũ nhân sự chỉ còn 1/10 so với trước kia. Anh Dũng nhận định: "Tôi nghĩ là chưa thể bùng nổ được ngay đâu vì nhu cầu khách hàng thì có, nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố lắm. Khả năng cũng sẽ lác đác chủ yếu ở nhóm khách thương mại là những người kinh doanh, làm việc tại Việt Nam; còn khách du lịch thì hy vọng tháng 10 là tháng cao điểm inbound khi ấy sẽ có tương đối".

Anh Phạm Tiến Dũng (áo đen) cùng nhân viên dọn dẹp lại khách sạn.

Còn anh Nguyễn Đăng Thu, chủ homestay Cầu Mây Ecohome ở Tả Van (Sa Pa) cũng đang tất bật chỉnh trang cơ sở của mình chờ đón khách quốc tế. Xuất thân là hướng dẫn viên chuyên tiếng Pháp, từ khi Covid-19 bùng phát, anh Thu phải chuyển đổi sang không ít nghề, nhưng vẫn đau đáu nhớ công việc chính: "Không biết dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào, nhưng chúng tôi vẫn tự tin mở cửa hội nhập, chỉ vậy mới có tương lai. Nhưng thật lòng là cũng có lo lắng vì mọi người cơ bản đều tiêm đầy đủ vaccine rồi, nhưng nhiều trẻ em thì chưa, trong khi bản thân gia đình cũng có cháu nhỏ".

Mở cửa du lịch cũng là tin vui khôn tả đối với hơn 20 đơn vị lữ hành tại Sa Pa, nhất là nhóm chuyên mảng khách quốc tế, vì hầu hết thời gian qua đều rơi vào thua lỗ, phải đóng cửa văn phòng. Khách nước ngoài thường đi du lịch có kế hoạch nên đã rục rịch đặt tour sớm, các đơn vị ít nhiều đều bắt đầu có khách đăng kí, xu hướng đến Sa Pa chủ yếu từ tháng 4 – 5 và gia tăng dần vào những tháng cuối năm.

Homestay Cầu Mây Cổ tại Sa Pa trang hoàng chờ đón khách quốc tế.

Anh Phạm Tất Đạt, đại diện Công ty TNHH Một thành viên Kết nối trái tim chia sẻ: "Hiện tại đơn vị cũng đang phải nhờ tạm mặt bằng, còn việc tìm mặt bằng mới cũng khá khó khăn, vì giá thuê ở Sa Pa khá cao. Bù lại, chúng tôi có thuận lợi lớn khi 100% hướng dẫn viên là người Mông, Dao, bà con vốn dĩ đã rất gắn bó rồi, trong thời gian dịch họ không đi tour thì ở nhà làm nông nghiệp, sắp tới có khách chỉ cần liên hệ trước thôi, mọi người đều sẵn sàng".

Số hướng dẫn viên tại điểm biết ngoại ngữ, sinh sống ngay tại bản làng là lợi thế của Sa Pa vì có thể dễ dàng kích hoạt trở lại. Nhưng nhân lực vẫn là bài toán khó với địa phương này khi mở cửa du lịch. Theo bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, ngoài số lượng không nhỏ nhân sự tại các cơ sở lưu trú, nhất là bộ phận lễ tân thì đội ngũ điều hành tour và hướng dẫn viên quốc tế ở Sa Pa đang thiếu hụt trầm trọng. Trước kia, số hướng dẫn có thẻ quốc tế của Sa Pa vào hơn 100 thì nay chỉ còn khoảng 20 người: "Cũng cần phải có thời gian để các cơ sở sốc lại và Sa Pa cũng sẽ hỗ trợ các đơn vị kiện toàn lại trong thời gian tới, chủ yếu thông qua các lớp đào tạo, tập huấn; chúng tôi cũng đang xây dựng một cuốn cẩm nang du lịch cho đội ngũ hướng dẫn viên, để giới thiệu tốt nhất các giá trị văn hóa, lịch sử và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đến với du khách nước ngoài".

Một con "phố Tây" ở Sa Pa.

Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, yếu tố thu hút khách quốc tế nhất của Sa Pa là cảnh quan và văn hóa, con người. Hơn 2 năm dịch bệnh, Sa Pa chưa hề tuyên bố đóng cửa du lịch, điều đó thể hiện khát khao của địa phương và thực tế mọi thứ đã được hoàn thiện rất nhiều. Từ cảnh quan môi trường, quản lý trật tự xây dựng, dẹp bán hàng rong, đến bảo tồn, phục dựng văn hóa…, tất cả đều được thực hiện có chiều sâu, nhưng thách thức ngắn hạn vẫn còn nhiều. Ông Quốc nói: "Đó là hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe, các thiết chế, không gian văn hóa như sân vận động, nhà văn hóa, sân thể thao, sân golf…, Sa Pa cần có thời gian xây dựng, thiết chế. Một áp lực nữa đối với địa phương là phải quản lý, thực hiện đúng quy hoạch, không để phá vỡ; để làm được điều này thì cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân phải đồng thuận".

Hiện, quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040 cũng đã hoàn tất các bước cuối cùng để trình Thủ tướng phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng một Sa Pa mang tầm quốc tế trong tương lai.

Là thương hiệu nổi tiếng, sở hữu nhiều lợi thế, Sa Pa chắc chắn sẽ vẫn nằm trong danh sách ưu tiên lựa chọn khi mở cửa du lịch. Nhưng địa chỉ này có thực sự trở nên đẹp hơn, mới mẻ, hấp dẫn hơn hay không, du khách mới là người nắm giữ câu trả lời./.

An Kiên

 

Nguồn: VOV - vov.vn - Đăng ngày 17/03/2022

Cùng chuyên mục