Hoạt động của ngành

Đồng Nai chọn hướng đi riêng trong phát triển du lịch

Cập nhật: 06/10/2020 10:22:58
Số lần đọc: 950
Bên cạnh thế mạnh về phát triển công nghiệp, trong những năm gần đây, Đồng Nai - địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ còn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái rừng, hồ, sông, suối và vườn cây ăn quả.


Một góc đập và hồ phụ công trình thủy điện Trị An. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Thế mạnh đặc thù

Đồng Nai thường được biết đến là tỉnh có thế mạnh về công nghiệp, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, có ưu thế về phát triển nông nghiệp chất lượng cao. So với những lĩnh vực nói trên, ngành du lịch Đồng Nai có phần phát triển chưa tương xứng như tiềm năng hiện có. Trong khi đó, phần lớn các địa phương lân cận, cùng thuộc khu vực Đông Nam Bộ đều có những thế mạnh riêng để phát triển du lịch như Bà Rịa -Vũng Tàu và Bình Thuận mạnh về du lịch biển, Thành phố Hồ Chí Minh với du lịch khám phá lịch sử, di tích, nghỉ dưỡng…

Để tìm chỗ đứng trên bản đồ du lịch, Đồng Nai chọn cho mình hướng đi riêng biệt và phù hợp, đó chính là phát triển du lịch sinh thái. Theo định hướng phát triển, Đồng Nai đã xác định đưa du lịch thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; xác định du lịch sinh thái là thương hiệu đặc thù của du lịch Đồng Nai.

Đồng Nai được thiên nhiên ưu đãi với hệ sinh thái rừng, hồ, sông, suối và vườn cây ăn trái đa dạng, phong phú. Nổi bật là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên; núi Chứa Chan; thác nước nóng Mai- Bàu, thác Ba Giọt, thác Giang Điền, suối Mơ, hồ Trị An... Cùng với đó là các công trình văn hóa, lịch sử và nền văn hóa của các dân tộc đan xen nhau là tiền đề quan trọng để xây dựng sản phẩm đặc thù mang thương hiệu riêng có của du lịch Đồng Nai.

Bên cạnh đó, tài nguyên rừng của tỉnh Đồng Nai cũng là lợi thế. Ngoài cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, địa phương còn có nhiều động vật quý hiếm chiếm tỷ lệ cao trong danh mục “sách đỏ” Việt Nam và thế giới; trong đó nổi bật là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, rừng phòng hộ Tân Phú… Không gian thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng về chủng loại động, thực vật là một lợi thế đặc biệt, phù hợp với xu hướng du lịch trải nghiệm và khám phá thiên nhiên. Du khách có thể hòa mình trong môi trường thiên nhiên, trải nghiệm đạp xe khám phá rừng, chèo thuyền trên hồ, cắm trại trên những đảo nhỏ trên hồ Trị An… những người yêu thiên nhiên hoặc các nhà khoa học còn có môi trường lý tưởng để tìm hiểu, nghiên cứu các loài động, thực vật; những nhiếp ảnh gia có thể “săn” những bức ảnh đẹp về khung cảnh thiên nhiên, những khoảnh khắc hiếm thấy giữa rừng…

Ngoài ra, với lợi thế của tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, Đồng Nai đang từng bước xây dựng các tour du lịch nội tỉnh, kết nối các điểm du lịch nổi tiếng gắn với quảng bá các sản phẩm nông nghiệp địa phương như: bưởi Tân Triều, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt Long Khánh, các khu du lịch sinh thái vườn, các mô hình du lịch nông trại Organic tại thành phố Long Khánh và huyện Xuân Lộc…

Nỗ lực phát triển du lịch sinh thái

Ngành du lịch Đồng Nai đã có những chuyển biến tích cực, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và hoàn thiện, hệ thống hạ tầng du lịch được nâng cấp. Trong giai đoạn 2015 - 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân lượt khách trên địa bàn tỉnh đạt 10,5%/năm; tổng thu du lịch đạt 14,6%/năm. Riêng năm 2019, du lịch Đồng Nai đón gần 4,5 triệu lượt khách, trong đó có 120.000 lượt khách quốc tế, tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng trên 1.600 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết: “Để ngành du lịch thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, Đồng Nai đã và đang thực hiện nhiều chương trình hành động, nhằm xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp như ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030. Mới đây, Đồng Nai đã tham gia chương trình ký kết Thỏa thuận Liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ với các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu nhằm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là một bước đi phù hợp với xu thế chung cũng như nâng cao tính hiệu quả trong phát triển thế mạnh du lịch của từng địa phương mà với Đồng Nai là du lịch sinh thái”. 

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, cùng với việc với cụ thể hóa các cơ chế, chính sách phát triển du lịch, để đưa du lịch sinh thái trở thành sản phẩm chủ lực và là thương hiệu, tỉnh đã định hướng, tập trung khai thác thế mạnh tại một số địa bàn, khu vực trọng điểm có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái như: hồ Trị An, Công viên Safari, hồ Bà Hào (Khu Bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai); thác nước nóng Mai – Bàu (huyện Định Quán); tuyến du lịch đường sông (thành phố Biên Hòa), Vườn trái cây (Long Khánh), Rừng ngập mặn Long Thành.. từ đó mời gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh như: tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Phan Thiết, Cảng hàng không quốc tế Long Thành... nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong liên kết vùng; đồng thời, tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng và đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư; tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư. Cùng với đó, tỉnh chú trọng đến xây dựng nguồn nhân lực về du lịch có chất lượng, nâng cấp các dịch vụ để tạo một môi trường du lịch chuyên nghiệp, bảo đảm các tiêu chí về an toàn, phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Nhờ những cơ chế, chính sách, lộ trình phù hợp với thực tế, tỉnh đã thu hút được 26 dự án phát triển du lịch trên địa bàn. Mục tiêu đầu tư của các dự án đều tập trung vào du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn, khu đô thị du lịch, trong đó một số dự án đã đầu tư và đưa vào hoạt động như: Khu Du lịch Suối Mơ - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng); Hệ thống cáp treo tại danh thắng quốc gia núi Chứa Chan –Xuân Lộc (vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng);  Resort Cát Tiên Jungle Logde - Tân Phú (vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng); Khách sạn Central Park, đạt tiêu chuẩn 5 sao (vốn đầu tư khoảng 550 tỷ đồng)... đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. 

Đặc biệt, dự kiến đầu năm 2021, giai đoạn 1 dự án khu du lịch Sơn Tiên (thành phố Biên Hòa) có quy mô gần 180 ha, công suất phục vụ khoảng 2 triệu lượt khách/năm sẽ đi vào hoạt động. Sơn Tiên được đánh giá là một trong những khu du lịch đẳng cấp và mang tầm quốc tế với các tổ hợp công viên nước, công viên chuyên đề và quần thể văn hóa, tâm linh, khu nghỉ dưỡng… 

Nhiều nhà đầu tư đang lập các thủ tục để triển khai dự án du lịch sinh thái trên địa bàn tỉnh như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại, dịch vụ và du lịch Hoàng Gia Bảo với Dự án tuyến du lịch đường sông (vốn dự kiến trên 1.000 tỷ đồng); Công ty Cổ phần Đầu tư Cường Thuận với Dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại hồ Trị An (vốn dự kiến khoảng 1.300 tỷ đồng); Công ty Cổ phần The Coi đầu tư Dự án phát triển du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước sôi (vốn dự kiến 1.500 tỷ đồng); Công ty Trách nhiệm hữu hạn khu du lịch sinh thái Vườn Xoài với Dự án Safari (vốn dự kiến trên 1.000 tỷ đồng). Đây là những dự án quan trọng hứa hẹn góp phần phát triển sản phẩm đặc trưng của du lịch Đồng Nai trong những năm tiếp theo, tạo điều kiện cho du lịch phát triển đột phá, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguồn: TTXVN

Cùng chuyên mục