Hoạt động của ngành

Để du lịch về nguồn Xứ Lạng thêm hấp dẫn du khách

Cập nhật: 06/09/2021 15:11:15
Số lần đọc: 912
Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều di tích văn hóa, lịch sử và căn cứ địa cách mạng thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch về nguồn. Tận dụng tiềm năng, lợi thế này, thời gian qua, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phát triển du lịch tỉnh và các cấp, ngành chức năng đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát triển loại hình du lịch về nguồn.


Cán bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh giới thiệu ý nghĩa lịch sử của di tích chiến thắng Bông Lau, Lũng Phầy, huyện Tràng Định cho du khách (ảnh chụp tháng 11/2020)

Du lịch về nguồn là một hành trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đến những “địa chỉ đỏ” – di tích lịch sử cách mạng, văn hóa, du khách không chỉ để tham quan hay vui chơi mà còn là để mỗi người thành tâm tưởng nhớ về thế hệ cha ông đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Cũng chính vì thế mà du lịch về nguồn mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nếu như trước đây, tour du lịch về nguồn chủ yếu dành cho các cựu chiến binh, gia đình cách mạng, thân nhân liệt sĩ… thì những năm gần đây, loại hình du lịch này ngày càng thu hút giới trẻ. Em Nguyễn Ngọc Anh, thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định được tham gia tour du lịch thăm các điểm di tích lịch sử trên địa bàn huyện chia sẻ: “Trong chuyến đi tham quan vào tháng 10/2020, em được đến một số “địa chỉ đỏ” ở huyện, được thấy chứng tích lịch sử còn sót lại và nghe hướng dẫn viên kể về chiến công hào hùng của cha ông, em đã rất xúc động. Đây cũng là dịp để em hiểu hơn về lịch sử dân tộc và thấy tự hào hơn về quê hương mình và thế hệ đi trước nên em càng trân trọng cuộc sống này hơn, phấn đấu rèn huyện, học tập tốt hơn”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 181 di tích lịch sử – văn hóa , trong đó có 2 khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt; gần 100 điểm, khu di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Trong đó, có nhiều “địa chỉ đỏ” nổi tiếng như: Khu di tích lịch sử Chi Lăng, huyện Chi Lăng với 24 điểm di tích; khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn với 12 điểm di tích; khu ATK Tràng Định (Tràng Định); khu du kích Ba Sơn (Cao Lộc), khu du kích Chi Lăng (Lộc Bình), nhà Cao Phố Cũ (Đình Lập ); Khu lưu niệm đồng chí Lương Văn Tri (Văn Quan), Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ (Văn Lãng)…

Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL khẳng định: Du lịch gắn với các di tích lịch sử luôn được địa phương chú trọng đưa vào định hướng chiến lược phát triển du lịch. Do đó, những năm gần đây, BCĐ Phát triển du lịch tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành chức năng quan tâm triển khai nhiều biện pháp cụ thể để phát huy tiềm năng của các điểm di tích lịch sử, cách mạng, phát triển sản phẩm du lịch về nguồn như: huy động nguồn lực đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, cách mạng; xây dựng các tour, tuyến du lịch về nguồn hấp dẫn; mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành, khảo sát, nghiên cứu các điểm du lịch về nguồn, kết nối du lịch về nguồn với các loại hình du lịch khác…

Theo thống kê của Sở VHTTDL, từ năm 2016 đến nay, các cấp, ngành đã đầu tư, tu bổ, tôn tạo gần 20 lượt di tích lịch sử với số tiền trên 50 tỷ đồng và đầu tư xây dựng một số địa chỉ có thể phát triển du lịch về nguồn như: Đền thờ liệt sĩ huyện Bắc Sơn là trên 15 tỷ đồng; Đền thờ liệt sĩ huyện Chi Lăng với số vốn trên 100 tỷ đồng…

Cùng với đó, công tác mời gọi các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành, khảo sát, nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch về nguồn mới cũng được các cấp, ngành chú trọng. Bà Trần Bích Hạnh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh cho biết: Hằng năm, chúng tôi tổ chức 1 hoặc 2 chuyến khảo sát tại các điểm du lịch về nguồn dành cho các nhà đầu tư, kinh doanh du lịch lữ hành, khảo sát. Qua đó, đã kết nối và xây dựng được trên 20 tour du lịch về nguồn tập trung vào một số “địa chỉ đỏ” tại các huyện: Bắc Sơn, Văn Lãng, Tràng Định…

Bên cạnh đó, BCĐ du lịch các huyện, thành phố cũng tích cực xây dựng các tour, tuyến du lịch về nguồn và liên kết các tour, tuyến du lịch về nguồn với các tour, tuyến du lịch trên địa bàn một cách có hệ thống và khoa học  nhằm khai thác tối đa các tiện ích hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ sẵn có giữa các loại hình du lịch. Bắc Sơn là một ví dụ. Đến nay, chính quyền, cơ quan chức năng huyện đã kết nối với hơn 20 công ty du lịch tổ chức khảo sát và xây dựng tour, tuyến du lịch đến với Bắc Sơn. Hiện có 8 tour du lịch được các công ty xây dựng tại huyện phù hợp với thời gian lưu trú từ 1 đến 3 ngày. Bà Dương Hồng Hạnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Sơn cho biết: Để tạo sự hấp dẫn, ngoài việc giới thiệu và đưa khách du lịch đến các điểm di tích lịch sử trên địa bàn, chúng tôi còn thực hiện kết nối với các điểm du lịch khác như: làng du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn, làng nghề truyền thống; khu du lịch sinh thái suối Mỏ Mắm…

Được biết, để du lịch về nguồn thêm sức hấp dẫn đối với du khách, thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh phối hợp với các cấp chính quyền tiếp tục tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử, cách mạng; huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các điểm di tích, tập trung đầu tư thêm cơ sở hạ tầng cũng như tăng cường kết nối với các tỉnh lân cận để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch về nguồn để các “địa chỉ đỏ” trở thành điểm đến hấp dẫn, cuốn hút du khách.

Ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO, thành phố Hà Nội

“Lạng Sơn có nhiều thế mạnh về du lịch về nguồn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông của tỉnh đến các địa bàn có tiềm năng du lịch về nguồn rất phát triển như: quốc lộ 1A qua Khu di tích lịch sử Chi Lăng, quốc lộ 4A qua Cụm di tích đường số 4 huyện Tràng Định… tạo điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách nội địa đến với tỉnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng các sản phẩm du lịch về nguồn cũng như quảng bá thu hút khách du lịch đến với sản phẩm du lịch này của Lạng Sơn còn hạn chế. Tôi nghĩ rằng, ngành du lịch Lạng Sơn cần đánh giá, nắm bắt được xu hướng của khách du lịch nội địa, đặc biệt sau thời gian hậu COVID-19 thì nhu cầu khách du lịch nội địa đã có nhiều thay đổi. Theo đó, Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh cần quan tâm, đầu tư, hỗ trợ các danh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn trọng điểm tại những địa bàn có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Cùng đó, cần quan tâm chỉ đạo truyền thông sâu rộng, chủ động quảng bá các điểm du lịch về nguồn tới du khách ở những địa phương trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận… Đồng thời, tăng cường kết nối với các địa phương lân cận xây dựng các tour, tuyến du lịch về nguồn phong phú, đa dạng”.

 

Bà Hoàng Kim Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lạng Sơn

“Để phát triển du lịch về nguồn, những năm qua, chúng tôi cũng thường xuyên xúc tiến, quảng bá và chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đưa các “địa chỉ đỏ” vào các chương trình, tour du lịch.

Đặc biệt, tháng 4/2021, Hiệp hội đã tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành ở trong và ngoài tỉnh tại huyện Bắc Sơn và đưa các doanh nghiệp đi khảo sát các địa điểm như: Bảo tàng Bắc Sơn, di tích Khuổi Nọi, Đền thờ liệt sĩ huyện Bắc Sơn… Đến nay, khoảng 25% doanh nghiệp lữ hành của tỉnh đã xây dựng được những sản phẩm du lịch có các điểm đến là những di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh. Sau khi dịch bệnh ổn định, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai những hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có du lịch về nguồn”.


Tuyết Mai – Ngọc Hiếu

Nguồn: Báo Lạng Sơn

Cùng chuyên mục