Hoạt động của ngành

Bắc Giang tạo điểm nhấn phát triển du lịch

Cập nhật: 06/09/2021 08:18:09
Số lần đọc: 759
Bắc Giang là vùng đất Kinh Bắc xưa, nơi lưu giữ những truyền thống văn hóa đậm nét, đa dạng và sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú có thể xem là “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh trật tự.


Mảnh đất giàu tiềm năng du lịch

Với gần 2.300 di tích, trong đó có 593 di tích đã được xếp hạng, Bắc Giang nổi tiếng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử. Nổi bật là thành cổ Xương Giang (thành phố Bắc Giang); khu di tích cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, khu di tích cách mạng Hoàng Vân, di tích Y Sơn (huyện Hiệp Hòa); chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng) – nơi lưu giữ kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2012; đình, chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên); đình, chùa Tiên Lục và cây dã hương nghìn năm tuổi (huyện Lạng Giang)… Đó là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang phát triển nhiều loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch khám phá…

Địa hình Bắc Giang có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước cùng những thảm động thực vật phong phú như: Khu danh thắng Tây Yên Tử với rừng nguyên sinh Khe Rỗ, suối Nước Vàng, Khe Đin, Đá Ngang; cao nguyên Đồng Cao; khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, hồ Khuôn Thần, hồ Cấm Sơn, dãy núi Nham Biền…

Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như quan họ với 18 làng quan họ cổ, ca trù, cùng nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều làng nghề truyền thống ở Bắc Giang được lưu giữ, bảo tồn và phát triển đến ngày nay như: mây tre đan Tăng Tiến, làng bánh đa Thổ Hà (Việt Yên), gốm làng Ngòi, làng bánh đa Kế, làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang)… Cùng với đó là những đặc sản tươi ngon như vải thiều Lục Ngạn, xôi trứng kiến, nham trám Hoàng Vân, chè bản Ven, gà đồi Yên Thế, sâm nam Núi Dành...

Những năm qua, tỉnh Bắc Giang quan tâm, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 360 cơ sở lưu trú du lịch với 4.700 buồng, trong đó có 2 khách sạn 4 sao; 27 doanh nghiệp lữ hành đang hoạt động thường xuyên, trong đó có 8 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Với sự nỗ lực đó, Du lịch Bắc Giang đã có những chuyển biến tích cực, bắt đầu khai thác được tiềm năng, thế mạnh, xây dựng được hình ảnh, thương hiệu du lịch.

Tuy nhiên, các dự án, loại hình dịch vụ du lịch chất lượng, các khu vui chơi giải trí, các trung tâm mua sắm phục vụ du lịch tại tỉnh Bắc Giang còn hạn chế. Bắc Giang chưa xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch mang tính biểu trưng, độc đáo, hấp dẫn. Hoạt động kinh doanh du lịch còn mang tính mùa vụ, chủ yếu phát triển loại hình du lịch văn hóa - tâm linh vào mùa lễ hội, số ngày lưu trú ngắn.

Thung lũng Bắc Sơn

Tạo điểm nhấn thu hút du khách

Mặc dù có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, song trong những năm qua, du lịch Bắc Giang vẫn chưa phát huy hết lợi thế để ngành công nghiệp không khói thật sự cất cánh. Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đang nỗ lực tìm giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch. Ông Trần Minh Hà - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát triển bền vững, đảm bảo an ninh trật tự. Tỉnh xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Bắc Bộ, trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng và định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang gắn với thế mạnh của vùng trung du, miền núi có địa hình đa dạng, phong phú, có vùng cây ăn quả rộng lớn và nhiều di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành, khai thác 5 không gian du lịch chủ yếu: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Ngạn – Sơn Động - Bãi Cháy và ngược lại; không gian du lịch Tây Yên Tử, gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” (huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng); không gian du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả và chè bản Ven (huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế); không gian du lịch, vui chơi giải trí, kinh tế ban đêm (thành phố Bắc Giang và huyện Việt Yên); không gian du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí gắn với du lịch golf (huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn) và một số huyện khác. Bắc Giang phấn đấu cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng khu du lịch tâm linh sinh thái Tây Yên Tử; khảo sát, đầu tư xây dựng, từng bước hình hành con đường bộ hành và một số di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Yên Tử; đưa vào quy hoạch một khu du lịch cấp quốc gia, một khu du lịch được công nhận khu du lịch cấp tỉnh, 20 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; kêu gọi thu hút đầu tư 5 sân golf, ít nhất 1 khách sạn,resort đạt tiêu chuẩn 5 sao. Năm 2025, Bắc Giang phấn đấu thu hút được khoảng 3 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 6.000 lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch.

Định hướng đến năm 2030, Bắc Giang cơ bản hoàn thành các tiêu chí 01 khu du lịch cấp quốc gia, (bao gồm: khu du lịch Tâm linh sinh thái Tây Yên Tử, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, điển du lịch chùa Vĩnh Nghiêm, các điểm di tích gắn với thiền phái Trúc Lâm trên dãy Tây Yên Tử...) thuộc địa bàn các huyện Sơn Động, Lục Nam, Yên Dũng. Tiếp tục xây dựng quy hoạch, mời gọi, thu hút đầu tư 8 sân golf thuộc địa bàn các huyện, thành phố còn lại; công nhận thêm 01 khu du lịch cấp tỉnh (nâng tổng số thành 03); công nhận thêm 05 điểm du lịch cộng đồng (nâng tổng số thành 25 điểm) tại các huyện, thành phố trong tỉnh; hoàn thành ít nhất 02 khách sạn, resort đạt tiêu chuẩn từ 5 sao tại các huyện, thành phố. Bắc Giang phấn đấu đến năm 2030 thu hút được khoảng 7,5 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho 10.000 lao động.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của tỉnh, Bắc Giang xác định tập trung xây dựng 4 sản phẩm du lịch chính: du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Đồng thời, kết nối các tour và thị trường khách du lịch theo hướng: Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Lục Nam - Lục Ngạn – Sơn Động - Quảng Ninh (khai thác lợi thế sinh thái rừng để đón du khách từ Quảng Ninh sang và ngược lại); Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Việt Yên - Hiệp Hòa; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Tân Yên - Yên Thế; Hà Nội - thành phố Bắc Giang - Yên Dũng - Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương (du lịch đường sông).

Căn cứ trên cơ sở quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bắc Giang lập quy hoạch các không gian du lịch của tỉnh. Từ đó, tập trung hoàn thiện quy hoạch và triển khai xây dựng các khu, điểm du lịch có tiềm năng lớn như khu du lịch rừng Sơn Động gắn với biển Hạ Long; khu du lịch Tây Yên Tử gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” và các điểm chùa; khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí hồ Khuôn Thần; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí golf; quy hoạch khu du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử là khu du lịch cấp quốc gia; xây dựng 10 điểm giới thiệu, bán sản phẩm nông nghiệp, nông thôn OCOP tại các khu du lịch, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng hoặc ở vị trí thuận lợi.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Tỉnh mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng để đầu tư các dự án lớn, xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp, các công trình văn hóa, thể thao gắn với phát triển du lịch; phát triển tốt lễ hội trái cây, các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; hình thành các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, xây dựng các vườn hoa đặc sắc theo chủ đề và theo mùa quanh năm. Bắc Giang cũng tăng cường xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch của địa phương. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 90% lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch được bồi dưỡng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh du lịch.

Thanh Hiền

Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 7/2021

Cùng chuyên mục