Đẩy mạnh kết nối, hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc)
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh dự chương trình (Ảnh: TITC)
Tham dự chương trình về phía Việt Nam còn có lãnh đạo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL); lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp du lịch, hàng không…
Về phía Trung Quốc có sự hiện diện của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam Hà Vĩ; Phó Tổng Thư ký Văn phòng Chính phủ Nhân dân tỉnh Hồ Nam Trần Tinh; Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe tỉnh Hồ Nam Lý Tiếu Tùng; Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Hồ Nam Cung Thiết Quân…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi phát biểu khai mạc chương trình (Ảnh: TITC)
Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi cho biết, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, có nhiều nét văn hóa tương đồng. Cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Lãnh đạo hai nước đã đạt được sự nhất trí cao trong việc thúc đẩy tình hữu nghị, định hướng cho sự hợp tác phát triển nhiều mặt trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giao lưu văn hóa, du lịch.
Hồ Nam là vùng đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên du lịch, văn hóa phong phú với lịch sử lâu đời. Nổi bật trong phong cảnh thiên nhiên của Hồ Nam là hồ Động Đình rộng lớn mênh mông, núi Nhạc Hành với 72 đỉnh mây phủ, chốn bồng lai tiên cảnh Trương Gia Giới, cổ trấn Phượng Hoàng…
Để tăng cường giao lưu hợp tác văn hóa du lịch giữa Hồ Nam và Việt Nam trong thời gian tới, ông Tưởng Địch Phi đề xuất đẩy nhanh việc xây dựng cơ chế hợp tác chung, trong đó có cơ chế hợp tác văn hóa du lịch, đơn giản hóa thủ tục thị thực, thống nhất thủ tục hải quan, củng cố nền tảng thể chế và cơ sở vật chất cho hợp tác khu vực.
Bên cạnh đó cần khai thác sâu sắc hơn nữa mối liên kết văn hóa cách mạng giữa hai bên, hiện thực hóa sự học hỏi và giao lưu sâu sắc từ chia sẻ nguồn lực đến cộng hưởng tinh thần. Đồng thời thúc đẩy việc cùng nhau tạo dựng hệ sinh thái ngành, xây dựng các tour tuyến du lịch biên giới đặc sắc, hình thành hệ thống du lịch xuyên biên giới “một hành trình, nhiều điểm đến”.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ cho biết, năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời cũng là “Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung” theo sáng kiến và định hướng của lãnh đạo cấp cao hai nước. Chúng ta cần phát huy tinh thần chung đó để thúc đẩy trao đổi chiến lược, làm sâu sắc hơn nữa hợp tác toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giao lưu nhân văn, qua đó đóng góp thiết thực vào việc xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt - Trung có ý nghĩa chiến lược.
Du lịch từ lâu đã được xem là chiếc cầu nối hiệu quả giữa con người với con người, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Trong những năm gần đây, hợp tác du lịch giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Năm 2019, Việt Nam đã đón 5,8 triệu lượt du khách Trung Quốc, trong khi có khoảng 4,5 triệu lượt người Việt Nam sang thăm Trung Quốc, đây là sự phản ánh sinh động mối quan hệ hữu nghị và sự quan tâm sâu sắc mà nhân dân hai nước dành cho nền văn hóa của nhau. Sau giai đoạn gián đoạn do đại dịch, năm 2024 đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của dòng khách Trung Quốc đến Việt Nam, đạt 3,7 triệu lượt.
“Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm và tài nguyên văn hóa - du lịch đặc sắc của tỉnh Hồ Nam, lượng du khách giữa hai nước sẽ không ngừng gia tăng, mở ra những triển vọng hợp tác rộng mở. Các doanh nghiệp hai bên sẽ cùng nhau khai thác hiệu quả các “tài nguyên đỏ”, và phía Trung Quốc sẽ tổ chức mời thanh niên Việt Nam đến Hồ Nam tham gia các chương trình “hành trình đỏ nghiên cứu, học tập”, góp phần tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước”, Đại sứ Hà Vĩ nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Đánh giá cao ý nghĩa của chương trình, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Chương trình diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam - Trung Quốc đang kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950 - 2025) và triển khai Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung 2025, một dấu mốc quan trọng để hai bên cùng nhìn lại chặng đường hợp tác, và hướng tới tương lai với tầm nhìn chiến lược lâu dài.
Đặc biệt, chỉ cách đây ít ngày, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với quan hệ hai nước.
Tại chuyến thăm này, hai bên đã thống nhất cao về phương hướng lớn phát triển quan hệ song phương trong thời kỳ mới, trong đó có việc tiếp tục làm sâu sắc Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Lĩnh vực du lịch, văn hóa và giao lưu nhân dân được hai bên khẳng định là một trong những trụ cột quan trọng, có vai trò thiết thực trong việc củng cố lòng tin, tăng cường hiểu biết và gắn kết nhân dân hai nước.
Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)
Trên nền tảng các định hướng chiến lược đó, hợp tác du lịch giữa hai nước đang được triển khai bài bản và hiệu quả, thông qua các cơ chế và thỏa thuận hợp tác đã được ký kết ở cấp Bộ và cấp địa phương. Trong đó, các nội dung về chính sách, xúc tiến, đào tạo và giao lưu nhân dân tiếp tục được hai bên phối hợp thực hiện tích cực.
Bên cạnh đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với nhiều địa phương Trung Quốc như Sơn Đông, Hải Nam..., tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và kết nối doanh nghiệp trên cơ sở đối đẳng và cùng có lợi.
Biểu diễn nghệ thuật tại chương trình (Ảnh: TITC)
Thời gian qua, hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều bước tiến quan trọng, với sự tham gia chủ động từ cấp Trung ương đến địa phương, từ Chính phủ đến doanh nghiệp. Hai bên đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch sôi nổi và thiết thực.
Tính chung cả năm 2024, lượng khách Trung Quốc đạt trên 3,7 triệu lượt, tăng hơn 114% so với năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã đón gần 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2024 - cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ và tiềm năng to lớn của thị trường.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là một trong những thị trường khách du lịch quan trọng của nhiều địa phương Trung Quốc. Riêng tại tỉnh Hồ Nam, Việt Nam là thị trường nguồn đứng thứ tư về lượng khách quốc tế nhập cảnh, với hơn 159.000 lượt khách trong năm 2024. Hồ Nam đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách Việt Nam, nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nét cổ kính và hệ thống dịch vụ du lịch ngày càng hoàn thiện. Những hình ảnh đặc trưng của Hồ Nam như Trương Gia Giới, Phượng Hoàng Cổ Trấn... liên tục được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và các kênh truyền thông, góp phần củng cố vị thế của điểm đến này trong tâm trí du khách Việt.
Trước khi diễn ra chương trình, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đã có buổi gặp gỡ thân mật với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi (Ảnh: TITC)
Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Năm Giao lưu Nhân văn Việt - Trung 2025. Ngành du lịch hai nước đang tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu, xúc tiến phong phú. Việt Nam dự kiến tổ chức hai đợt chương trình giới thiệu du lịch tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc, đồng thời phối hợp hỗ trợ các địa phương Trung Quốc tổ chức xúc tiến du lịch tại Việt Nam.
Đây không chỉ là những nỗ lực phục hồi du lịch sau đại dịch, mà còn là những hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình cảm giữa nhân dân hai nước.
“Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Hồ Nam nói riêng và các địa phương Trung Quốc nói chung trong việc phát triển các sản phẩm du lịch liên tuyến hấp dẫn; tổ chức các đoàn khảo sát, xúc tiến du lịch hai chiều; thúc đẩy mở rộng đường bay, cải thiện thủ tục visa; và tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành hai nước”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Cam kết này cũng chính là bước cụ thể hóa những định hướng hợp tác chiến lược đã được lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí, thể hiện tinh thần chủ động và quyết liệt của ngành du lịch Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.
Toàn cảnh cuộc gặp gỡ (Ảnh: TITC)
Trước đó, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đã có buổi gặp gỡ thân mật với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi. Tại buổi gặp gỡ, hai bên đã cùng đánh giá cao sự phát triển và hợp tác du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua, đều là những thị trường khách quan trọng của nhau.
Với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và sự tương đồng về nhiều nét văn hóa đặc sắc, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Nam Tưởng Địch Phi cùng thống nhất trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng tăng cường kết nối hợp tác du lịch, thúc đẩy sản phẩm du lịch đỏ, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, qua đó tăng cường giao lưu về văn hóa, giao lưu nhân dân. Bên cạnh đó hai bên sẽ cùng thúc đẩy hợp tác về truyền thông, điện ảnh và các chương trình giải trí nghệ thuật…
Hai bên tặng quà kỷ niệm (Ảnh: TITC)
Hai bên khẳng định sẽ thúc đẩy hợp tác du lịch trong thời gian tới (Ảnh: TITC)
Hồ Nam nằm ở miền Trung của Trung Quốc và trung lưu sông Trường Giang, có tổng diện tích 211.800 km2. Năm 2024, Hồ Nam đón 742 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước, doanh thu từ khách du lịch đạt 106 triệu nhân dân tệ. Trong tổng số lượng khách quốc tế đến Hồ Nam có khoảng 159.787 lượt khách Việt Nam, tăng 107,6% so với năm 2023, chiếm 6,6% lượng khách quốc tế đến tỉnh. Giao thông ở Hồ Nam rất phát triển và thuận tiện đi lại với hệ thống đường bộ, đường biển và đường hàng không tích hợp kết nối 3 chiều. Các sân bay hàng không bao phủ 10 thành phố và tỉnh, kết nối 173 điểm đến trong nước và quốc tế. |
Trung tâm Thông tin du lịch