Hoạt động của ngành

Tiếp tục mở rộng chính sách visa, tăng cường hiệu quả xúc tiến quảng bá thu hút khách quốc tế đến Việt Nam

Cập nhật: 25/04/2025 10:38:30
Số lần đọc: 127
(TITC) - Sáng ngày 24/4, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tham dự hội thảo “Việt Nam nên miễn visa cho du khách nào?” do Báo Thanh Niên tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.  

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh tại hội thảo. Ảnh: TITC

Tham dự hội thảo có đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang, đại diện các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan thông tấn báo chí.

Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: TITC

Tổng Biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Ngọc Toàn cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và một bên là đối mặt với thuế đối ứng, có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành kinh tế chủ lực. Trong bối cảnh đó, cần có những ngành, lĩnh vực bứt phá để “chia lửa” với xuất khẩu, một trong số đó chính là du lịch. Muốn du lịch đột phá, việc nới visa là một trong những giải pháp hiệu quả nhất, nhanh nhất. Hội thảo là dịp để các đại biểu đưa ra những phân tích xác đáng hơn về vấn đề này để từ đó có những kiến nghị, đề xuất lên Chính phủ về chính sách visa cho các du khách nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ nhiều ý kiến trao đổi, trong đó đề xuất miễn visa cho các thị trường trọng điểm, thị trường mục tiêu, thị trường khách lưu trú dài ngày, chi tiêu cao như Úc, Mỹ, Canada, New Zealand, cho các nước còn lại trong EU; xem xét miễn visa theo nhóm, đối tượng, theo phân khúc khách hàng như khách MICE, tỷ phú, giới siêu giàu...; chính sách visa linh hoạt theo sự kiện, theo đoàn. Các ý kiến cũng đề nghị xem xét gia hạn miễn visa cho các nước trong Chương trình kích cầu phát triển du lịch năm 2025 khi hết hạn; bên cạnh đó xem xét chính sách visa dài hạn, thời gian từ 5 - 10 năm; mở rộng evisa trên các nền tảng đặt phòng, đặt tour, đặt vé máy bay... 

Một số ý kiến cũng đề xuất triển khai mô hình miễn visa có điều kiện gắn với sản phẩm du lịch, áp dụng cho du khách đăng ký tour trọn gói, có lịch trình rõ ràng và đi cùng đơn vị lữ hành uy tín. Mô hình này giúp kiểm soát an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nghiên cứu áp dụng thử nghiệm mô hình visa sandbox theo mùa hoặc tại các điểm đến có hạ tầng tốt như Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long để đo lường hiệu quả thực tiễn trước khi triển khai rộng rãi.

Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group Võ Anh Tài phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TITC

Đối với công tác xúc tiến quảng bá du lịch, các đại biểu đề xuất cần phải thành lập các văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam tại nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Tiếp tục phát huy vai trò điều phối của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam trong định hướng công tác xúc tiến quảng bá ở các thị trường nước ngoài, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số, tận dụng tối đa công nghệ và có sự chỉ đạo xuyên suốt về công tác này từ Trung ương tới địa phương; phát động phong trào mỗi người dân là một đại sứ du lịch; tăng cường tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương...

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Phát biểu tại tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, thời gian qua, ngành Du lịch Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng. Năm 2024, Du lịch Việt Nam phục hồi 98% so với năm 2019, đạt tỷ lệ cao nhất trong khu vực ASEAN. Ba tháng đầu năm 2025, Việt Nam đón trên 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2024.

Đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu dự tọa đàm, Cục trưởng khẳng định chính sách visa là rất quan trọng nhưng đặc thù du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, do vậy sự phát triển của du lịch đòi hỏi sự đồng bộ của nhiều chính sách, yếu tố khác nữa. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách mới về miễn thị thực, cấp thị thực điện tử với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, kéo dài thời gian lưu trú... tạo thuận lợi cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Cục trưởng cho biết, Bộ VHTTDL đang được giao nghiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cải tiến thủ tục xét duyệt visa, áp dụng chính sách visa thuận tiện linh hoạt cho khách quốc tế theo các chương trình kích cầu du lịch và các sự kiện ngoại giao, thể thao, văn hóa... Cục trưởng tán đồng việc cần có chính sách miễn thị thực ngắn hạn cho các thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu, thị trường đã kết nối đường bay thẳng, thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài hạn; có chính sách visa ưu tiên cho các đối tượng thuộc lĩnh vực của Bộ VHTTDL quản lý như các vận động viên thành tích cao tham gia các giải thi đấu quốc tế tổ chức tại Việt Nam, các huấn luyện viên, chuyên gia của đội tuyển, các đạo diễn, nhà làm phim, diễn viên tham gia dự án phim tại Việt Nam, các nhà báo, phóng viên đưa tin các sự kiện quốc tế tổ chức tại Việt Nam... Đồng thời, Cục trưởng nhấn mạnh, việc mở rộng chính sách visa cần bảo đảm vừa tạo thuận lợi cho phát triển du lịch, kinh tế, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TITC

Về công tác xúc tiến, quảng bá Du lịch Việt Nam ở nước ngoài, Cục trưởng cho biết, thời gian qua, công tác này đã được đổi mới cả về nội dung và phương thức. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam công bố rất sớm kế hoạch xúc tiến quảng bá ở nước ngoài hàng năm để các địa phương, doanh nghiệp chủ động lên kế hoạch cùng tham gia. Đặc biệt là, tăng cường hợp tác công tư, đa dạng các nguồn lực, huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các chương trình xúc tiến ở nước ngoài. Năm 2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL đã lần đầu tiên tổ chức chương trình xúc tiến điện ảnh - du lịch Việt Nam ở Hoa Kỳ; tổ chức giới thiệu du lịch, văn hóa Việt Nam tại các thị trường lớn Trung Quốc, Hàn Quốc có sự hiện diện và phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức quảng bá văn hóa, du lịch trong các hoạt động của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở nước ngoài.

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ, năm 2025, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức 7 chương trình phát động thị trường tại các thị trường trọng điểm với quy mô lớn, có sự tham của các địa phương, doanh nghiệp. Trước mắt trong tháng 5 tới đây, sẽ tổ chức giới thiệu du lịch Việt Nam tại một số nước châu Âu như Đức, Pháp, Ý.

Đồng thời, tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số như website, mạng xã hội để lan tỏa thông tin du lịch Việt Nam đến thị trường quốc tế. Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông báo chí nhằm tuyên truyền về vai trò, vị trí, đóng góp của du lịch trong nền kinh tế. Phối hợp với Bộ Ngoại giao nâng cao vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam. 

Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đang xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan về đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài để tổng hợp, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò Đại sứ du lịch Việt Nam tại một số thị trường nhằm hỗ trợ công tác nghiên cứu thị trường, triển khai hoạt động xúc tiến quảng bá, giới thiệu văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tốt các chương trình kích cầu du lịch.

Lãnh đạo và đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: TITC

 


Trung tâm Thông tin du lịch

Nguồn: vietnamtourism.gov.vn - Đăng ngày 24/4/2025

Cùng chuyên mục