Hoạt động của ngành

Cần Thơ: Xây dựng sản phẩm du lịch từ văn hóa bản địa

Cập nhật: 01/12/2022 09:01:34
Số lần đọc: 788
Xây dựng sản phẩm du lịch là một trong những hoạt động được nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch chú trọng để tạo nên sức hút khác biệt với du khách. Trong đó, việc đưa văn hóa bản địa và các loại hình nghệ thuật truyền thống vào du lịch ngày càng được quan tâm để tạo được dấu ấn riêng.

Tái hiện không gian hò đối đáp trên sông nước tại Vàm Xáng Rustic.

“Hò ơi...

Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền

Anh có thương em thì cho bạc, cho tiền

Đừng cho lúa gạo... hò ơi đừng cho lúa gạo

Xóm giềng cười chê”

Tiếng hò trong trẻo, ngọt ngào hòa cùng tiếng đàn sáo trong đêm, cất lên từ những người biểu diễn trên chiếc ghe giữa dòng nước, làm nhiều du khách say lòng. Đó là hình ảnh hò đối đáp đang được tái hiện trong chương trình “Ký ức Nam Bộ” mà Vàm Xáng Rustic (ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) đang thực hiện, nhằm làm mới sản phẩm du lịch từ văn hóa bản địa. Theo đó, chương trình có trải nghiệm làm các loại bánh dân gian Nam Bộ đặc trưng của Phong Điền, như: bánh hỏi mặt võng, bánh xèo, bánh khọt... Đặc biệt trong chương trình này có hoạt động hò đối đáp tái hiện nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước miệt vườn Nam Bộ.

Anh Ngô Bình Trị, chủ cơ sở Vàm Xáng Rustic, cho biết: “Chúng tôi chọn hò trong hoạt động trải nghiệm về nghệ thuật truyền thống. Hò Cần Thơ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ở ĐBSCL cũng có nhiều thể điệu hò gắn với nếp sinh hoạt, đặc trưng của đời sống miệt vườn sông nước. Phong Điền cũng là một trong những cái nôi của văn minh miệt vườn. Khi đưa hò vào hoạt động du lịch chúng tôi xem đây là điểm nhấn để thể hiện nét văn hóa của địa phương. Điệu hò dễ đi vào lòng du khách, du dương nhẹ nhàng nên du khách dễ nhớ, dễ cảm”. Vì điệu hò gắn với đời sống sông nước, dân dã và có tính tương tác cao nên du khách dễ tham gia. Theo đó, chương trình tái hiện những chiếc ghe hàng bán rau quả, có người hò đối đáp trên đoạn kênh nhỏ trong khuôn viên Vàm Xáng Rustic. Bên cạnh tiếng hò là làn điệu trầm buồn của các loại nhạc cụ truyền thống, như: sáo, đờn kìm, đờn cò, đàn tranh. Du khách Ba Lan Jenny nói: “Những giai điệu này rất êm ái, du dương khác hẳn với những gì tôi đã từng xem trên ti vi hay ở các nơi khác. Thanh âm mang đến cho tôi nhiều cảm xúc và thêm hiểu về dòng nhạc truyền thống ở nơi đây. Tôi cho rằng mọi người nên duy trì và gìn giữ, tạo điều kiện cho thế hệ sau phát triển các loại hình âm nhạc như thế”.

Nghệ sĩ trẻ Lê Bảo Ni - một trong những người tham gia hoạt động hò đối đáp ở các chương trình của Vàm Xáng Rustic, chia sẻ: “Những câu hò luôn gần gũi, mộc mạc, gắn bó với đời sống của đồng bằng sông nước từ lâu rồi. Là người truyền tải văn hóa nghệ thuật dân gian đến du khách gần xa, tôi luôn rèn luyện chất giọng làn hơi, đặt hết tâm tư tình cảm vào đó để du khách phương xa khi nghe câu hò có thể cảm nhận những điều tốt đẹp nhất về con người, vùng đất của miền Tây Nam Bộ”. Du khách Marcin nhận xét: “Tôi ấn tượng với hai trải nghiệm làm bánh và nghe nhạc truyền thống dân gian. Tôi vô cùng hào hứng khi học làm các loại bánh truyền thống ở đây vì rất thú vị. Hoạt động này khiến tôi tưởng tượng rất nhiều về bữa ăn truyền thống của người dân địa phương và là trải nghiệm đáng nhớ. Đối với âm nhạc truyền thống, tôi cho rằng mỗi nơi đều có nền văn hóa khác nhau. Khi nghe âm nhạc ở đây tôi thấy vui vẻ và thú vị”. Anh Ngô Bình Trị, chủ cơ sở Vàm Xáng Rustic, cho biết thêm: “Chương trình này đã thử nghiệm và có vài đoàn khách quốc tế đón nhận tích cực. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang hoàn thiện chương trình để du khách có những trải nghiệm chân thực nhất về văn hóa bản địa”. Theo đó, các điệu hò sẽ được giới thiệu chi tiết hơn và được dịch nghĩa để du khách quốc tế hiểu và có thể nhanh chóng học vài câu hò, tham gia tương tác.

Thực tế, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào hoạt động du lịch đã được nhiều địa phương làm trong thời gian qua. Cụ thể, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Cần Thơ, Bến Tre, Quảng Nam, Phú Thọ, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận... đều xây dựng những chương trình về quan họ, nhã nhạc cung đình Huế, đờn ca tài tử, hát bội, bài chòi, hát chèo, múa rối... để trình diễn thu hút du khách. Những chương trình này đều được du khách đón nhận, nhất là những trải nghiệm tương tác hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa của mỗi vùng đất. Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng có chương trình mang tên “Ngân nga Việt Nam”, gồm bản phối giữa ba làn điệu quan họ, cải lương, ca Huế ra mắt từ tháng 8-2022. Đây là chương trình truyền tải những vẻ đẹp của âm nhạc truyền thống, tôn vinh văn hóa và chia sẻ niềm tự hào dân tộc, từ đó góp phần quảng bá du lịch quốc gia. MV “Ngân nga Việt Nam” thu về hơn 37 triệu lượt xem, hơn 93.000 lượt yêu thích và hàng trăm bình luận, trong đó có không ít sự quan tâm từ người nước ngoài.

Có thể thấy kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam rất phong phú và điều này đã góp phần hình thành nên nhiều sản phẩm du lịch đậm bản sắc văn hóa bản địa. Đây là những sản phẩm khác biệt, mang đậm nét đặc trưng về vùng miền, tạo được sự trải nghiệm thú vị cho du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ở Cần Thơ, các loại hình nghệ thuật truyền thống và văn hóa  bản địa rất được người dân làm du lịch ở đây quan tâm. Việc đưa hò vào hoạt động du lịch tại Vàm Xáng Rustic được xem là sự linh động, sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch địa phương.

Bài, ảnh: Ái Lam

 

Nguồn: Báo Cần Thơ - baocantho.com.vn - Ngày đăng 25/11/2022

Cùng chuyên mục