Long An: Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch

Địa phương này cũng có 133km đường biên giới giáp với Vương quốc Campuchia, với một cửa khẩu quốc tế và một cửa khẩu quốc gia, đây là một lợi thế lớn để Long An phát triển nhanh và mạnh ngành du lịch, chính vì vậy, trong quy hoạch tổng thể của ngành du lịch Việt Nam đã xác định, Long An là một điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch Nam Bộ.
Tính đến nay, toàn tỉnh Long An có 91 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ, trong đó có 17 di tích cấp quốc gia như Gò Ô Chùa, Cổ Sơn Tự thuộc huyện Vĩnh Hưng. Nhà Trăm Cột thuộc huyện Cần Đước, Chùa Tôn Thạnh thuộc huyện Cần Giuộc, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức thuộc thành phố Tân An, Khu di tích lịch sử cách mạng Tỉnh thuộc huyện Đức Huệ.v.v…
Đặc biệt, tỉnh Long An có hệ sinh thái rừng tràm, lau sậy, đầm sen, bông súng và các loại động vật như cá, rắn, rùa, chim cò... tập trung ở vùng Đồng Tháp Mười, các cảnh quan của sông ngòi phong phú, đa dạng, nhất là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây và một số tài nguyên du lịch khác như Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen đã được tổ chức thế giới công nhận rất hấp dẫn và có điều kiện để phát triển du lịch.
Các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Long An ngày càng được nâng cao,
tính đến nay trên địa bàn của tỉnh đã có trên 160 cơ sở lưu trú du lịch
với khoảng trên 2 nghìn phòng, trong đó có hàng chục khách sạn đạt tiêu
chuẩn từ 1 đến 2 sao.
Trong hoạt động kinh doanh du lịch, mặc dù, du lịch Long An chỉ đang mới trong giai đoạn đầu khai thác nhưng đã có được những kết quả khả quan, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đón được trên 283 nghìn lượt khách, tăng trên 23% so với cùng kỳ. Chỉ 2 quí đầu năm, tổng doanh thu của ngành du lịch là 80 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa tiềm năng du lịch của tỉnh, Long An đã đưa ra nhiều chủ trương và chính sách thuận lợi áp dụng trong thời gian qua để kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khai thác kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh, từ những chính sách thu hút và tạo mọi điều kiện về ưu đãi, thời gian qua tỉnh Long An đã được các nhà đầu tư quan tâm đầu tư, tôn tạo các khu điểm du lịch và đưa vào khai thác dịch vụ du lịch mới để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Nhiều khu du lịch mới đã được đầu tư xây dựng hòa vào mạng lưới các điểm du lịch đã có trong tỉnh nhằm đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm du lịch của tỉnh, đáng chú ý là dự án Khu phức hợp giải trí Khang Thông “Happy Land”, Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ, Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng
Một dự án phát triển du lịch được triển khai tại huyện biên giới Mộc Hóa cũng đã được đưa vào khai thác, đây là dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển về kinh tế- văn hóa- xã hội của huyện vùng sâu đem lại nhiều kết quả khả quan, đó là dự án Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập thuộc huyện Mộc Hóa, cách biên giới Campuchia khoảng 15 km về phía Nam.
Với diện tích 135 ha và vùng đệm rộng 500 ha, được quy hoạch kinh phí hơn 100 tỷ đồng để xây dựng khu du lịch đặc trưng của Long An nói riêng và cả vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười nói chung trong tương lai. Toàn khu có 11 khu chức năng như khu di trú động vật hoang dã, khu bảo tồn tự nhiên, trung tâm giáo dục môi trường, khu lâm viên, khu nhà nổi... Còn lại hơn 110 ha rừng tràm, dòng kênh, trong đó có 5 km. Hiện nay, du khách có thể đến tham quan cảnh quan rừng tràm, sen, súng và thưởng thức món ăn đồng quê Nam Bộ.
Chiến lược phát triển du lịch Long An trong thời gian tới là, sẽ phấn đấu trở thành một điểm hẹn du lịch của khu vực miền Tây Nam bộ, theo đó, Long An quyết tâm đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Xây dựng loại hình văn hóa dân gian, tổ chức xây dựng các câu lạc bộ biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc văn hóa dân tộc tại các khu điểm du lịch phục vụ du khách như cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ; Xây dựng mới các câu lạc bộ đờn ca tài tử phục vụ tại các nhà hàng, các điểm du lịch sinh thái, tuyến du lịch sinh thái đường sông.
Bên cạnh đó, đầu tư trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ, các loại nhà cổ, nhất là các di tích đã được xếp hạng gắn với việc xây dựng và thực hiện quy chế quản lý để đưa vào các tuyến điểm tham quan du lịch.
Đồng thời, xây dựng, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của Long An như Rượu đế Gò Đen, Gạo nàng thơm chợ Đào, dứa Bến Lức, Thanh Long Châu Thành, Dưa hấu Long Trì. . .Hỗ trợ các làng nghề có đủ điều kiện phát triển thành điểm tham quan du lịch.
Bên cạnh đó, Long An cũng khuyến khích doanh nghiệp du lịch tăng cường nâng cao chất lượng phục vụ trong hệ thống các khu, điểm du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, trong hoạt động lữ hành, hướng dẫn, vận chuyển khách du lịch và các khâu đón tiếp, dịch vụ khác. Thực hiện và đảm bảo tốt các quy định về lĩnh vực môi trường trong du lịch ở các điểm du lịch, các cơ sở lưu trú, nhà hàng du lịch, trên các tuyến, các khu du lịch…Hỗ trợ công tác bảo đảm môi trường tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như gom và xử lý rác, nước thải, xây dựng các nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, hỗ trợ xây dựng các bãi đậu xe, khu du lịch, khu văn hóa. Xây dựng các biển báo cho du khách, hỗ trợ cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn của du khách. Đồng thời tổ chức kiểm tra công tác trật tự, vệ sinh, an ninh, an toàn tại các điểm du lịch; quy hoạch sắp xếp hợp lý các điểm bán hàng, giải khát tại các điểm tham quan du lịch…
Song song với những hoạt động nói trên, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch cũng được tỉnh Long An tiếp tục đẩy mạnh. Tăng cường công tác xúc tiến du lịch với các địa phương trong nước, nhất là các địa phương có ngành du lịch phát triển mạnh, tiến tới xúc tiến du lịch ngoài nước khi có điều kiện. Tăng cường hợp tác, tham gia các Hiệp hội, đặc biệt là Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh để có điều kiện phối hợp và quảng bá cho du lịch Long An. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Không những thế, việc tăng cường hợp tác liên kết quốc tế cũng được tỉnh Long An chú trọng, bởi Long An là địa phương nằm trong lưu vực sông MêKông, nơi du lịch được các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông MêKông mở rộng và các tổ chức quốc tế quan tâm hỗ trợ như một phương thức tiếp cận tích cực tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng, du lịch Long An sẽ có cơ hội có được sự hợp tác liên vùng với các quốc gia thuộc Tiểu vùng sông MêKông để phát triển các tuyến du lịch và sự hỗ trợ đầu tư. Chính vì vậy hợp tác quốc tế nói chung và hợp tác với các quốc gia Tiểu vùng sông MêKông mà trước hết là Campuchia, Thái Lan, Lào là rất quan trọng. Sự hợp tác có thể trên nhiều lĩnh vực như phát triển tuyến, điểm du lịch, quảng bá hình ảnh, trao đổi thông tin khu vực, khai thác thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực./.