Mộ Đức (Quảng Ngãi): Đẩy mạnh việc đưa di sản văn hóa vào trường học
Trong 15 năm qua, huyện đã tiếp nhận các đoàn sinh viên của các trường đại học và một số nhà nghiên cứu, tác giả trong và ngoài tỉnh tổ chức điều tra, sưu tầm và sáng tác mới. Trong đó, tập trung sưu tầm, phát huy các giá trị văn hoá như: hát ru, hát hố, hò hụi, hô bài chòi, hát múa sắc bùa, kiến trúc nhà ở, chùa, đền miếu…
Tiêu biểu như phong tục cúng cá Ông (Nam Hải đại tướng quân), đây là một dạng lễ thức - hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức trang trọng vào ngày 21 tháng Giêng (ÂL) hằng năm; lễ hội ra quân đánh bắt hải sản vào mồng 4 Tết Nguyên đán (có cả phần lễ và hội) mang đậm bản sắc văn hoá vùng biển, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Đặc biệt, nhiều trường học trên địa bàn huyện đã sưu tầm và đưa một số làn điệu dân ca, trò chơi dân gian của địa phương, tư liệu quý về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vào chương trình để giảng dạy cho học sinh, bước đầu đem lại hiệu quả rất thiết thực.
Đối với văn hóa vật thể, Mộ Đức hiện có 29 di tích lịch sử - văn hoá và danh thắng, trong đó 2 di tích cấp quốc gia và 27 di tích cấp tỉnh. Những di tích này đều được phát huy giá trị, tiêu biểu là khu di tích Nhà lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, công tác quản lý, bảo vệ đã được các cấp chính quyền hết sức chú trọng, đặc biệt là giao cho các trường học vừa chăm sóc di tích vừa giáo dục truyền thống, nhờ đó trong thời gian qua không có di tích trên địa bàn bị xâm hại.
Đi đôi với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật và hợp tác, giao lưu văn hoá cũng đã được quan tâm đầu tư, mời các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh về tham quan thực tế để sáng tác, trong đó có một số ca khúc về quê hương – con người Mộ Đức, về cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng... đã được đông đảo bà con xa gần, nhất là lớp trẻ yêu thích.
Tuy nhiên, điều mà hiện nay đang rất trăn trở vì một số di sản, di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, đang trở thành phế tích nếu không có kế hoạch trùng tu, như đền Văn Thánh (di tích cấp tỉnh), nhà thờ Trần Cẩm (di tích quốc gia); hát múa sắc bùa cũng đang bị mai một nếu không sớm có kế hoạch truyền dạy cho lớp trẻ thì nguy cơ thất truyền là chắc chắn, vì các cụ nắm bắt sâu sắc về điệu hát - múa này nay đã ở tuổi thất thập cổ lai hy.
Khi đề cập đến giá trị văn hóa, cũng có nghĩa là chúng ta nói đến di sản văn hóa, đó là sự kết tinh trí tuệ, sức sáng tạo của biết bao thế hệ nhân dân lao động. Do đó, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của huyện Mộ Đức theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), trước mắt, tiến hành điều tra, sưu tầm, thu thập, ghi chép lại các dạng thức văn hóa phi vật thể, cũng như những kỹ năng, nghệ thuật, những tri thức do nghệ nhân, các cụ sử dụng trong trình diễn hay chế tác sản phẩm bằng việc ghi chép, ghi âm, ghi hình.
Thứ hai, tiếp tục đưa di sản văn hóa (vật thể, phi vật thể) thực hiện theo phương thức tích hợp, lồng ghép vào chương trình giáo dục phù hợp với từng cấp học và các hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, hướng dẫn học sinh tìm hiểu di sản văn hóa thông qua các tư liệu, hiện vật; tiếp tục chăm sóc và tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống tại các điểm di tích…
Thứ ba, tổ chức và khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ với chủ đề liên quan đến di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa vùng ven biển Mộ Đức nói riêng và tỉnh Quảng Ngãi nói chung./.