Hoạt động của ngành

Tuyên Quang: Phát triển OCOP gắn với du lịch

Cập nhật: 24/08/2020 08:01:32
Số lần đọc: 1050
Đặc điểm tự nhiên của Tuyên Quang đã tạo ra nhiều dạng địa hình, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Qua đó, hình thành hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Mỗi vùng miền có những sản vật đặc trưng có thương hiệu, thu hút du khách đến tham quan. Đây là những tiềm năng để các địa phương trong tỉnh thực hiện Chương trình OCOP gắn với du lịch.

Phát triển du lịch tiếp tục được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nêu rõ về vấn đề xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm ruộng bậc thang xã Hồng Thái (Na Hang). Ảnh: KT

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu du lịch. Theo đó, ngành khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân chủ động xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, hình thành nên thương hiệu riêng. Trên thực tế các sản phẩm OCOP đã qua quá trình chọn lựa, đánh giá kỹ càng của cơ quan chức năng. Đây là tiền đề quan trọng để tạo được tính liên kết chặt chẽ giữa sản phẩm OCOP và ngành du lịch tỉnh nhà.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhìn nhận rõ những tiềm năng để xây dựng và liên kết các tua, tuyến du lịch. Đó là: Một số vùng, miền trong tỉnh có phương thức canh tác độc đáo. Điển hình như canh tác trên các thửa ruộng bậc thang ở Hồng Thái (Na Hang); thu hái, chế biến và thưởng thức chè Shan tuyết; nuôi cá khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang… Đặc biệt, người dân bản địa luôn thân thiện, nhiệt tình và mến khách, khiến du khách đã đến một lần là nhớ mãi. Rõ ràng, từ những đặc điểm tự nhiên, phương thức canh tác độc đáo với sự đa dạng về nông sản, văn hóa ẩm thực... là cơ hội lớn cho các địa phương trong tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp.

Huyện Na Hang hiện nay có 6 sản phẩm của 5 chủ thể đăng ký sản phẩm tham gia OCOP hoàn thiện hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng. Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đều là những sản phẩm tiềm năng, đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho địa phương. Đạt tiêu chuẩn OCOP là cơ hội để sản phẩm phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Hiện nay, huyện có nhiều điểm du lịch ấn tượng, đây cũng chính là cơ hội lớn để sản phẩm OCOP phát triển thương hiệu, trở thành quà tặng cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp, Chương trình OCOP còn tập trung phát triển về dịch vụ du lịch nông thôn. Tiêu biểu tại huyện Lâm Bình, có 3 xã Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm chọn homestay làm sản phẩm OCOP. Bao gồm: Homestay Mai Tụy, thôn Nà Muông, xã Khuôn Hà; Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can; Homesay Tài Ngào, xã Thượng Lâm.

Du khách nước ngoài trải nghiệm tại Homestay Tài Ngào - sản phẩm OCOP
của xã Thượng Lâm (Na Hang).

Anh Chẩu Văn Tụy, chủ Homestay Mai Tụy bày tỏ: “Ban đầu, chúng tôi cũng chưa hiểu hết về Chương trình OCOP nhưng được đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết, bà con đã hiểu mình cần phải làm gì để du lịch cộng đồng sớm trở thành sản phẩm OCOP. Từ những việc làm cụ thể như: Xây dựng quy định về việc tiếp đón du khách sao cho thật văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà... cũng được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, homestay dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch; các tiêu chí về môi trường nông thôn cũng được thực hiện chặt chẽ… Dù còn nhiều khó khăn, song để giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc đến du khách trong và ngoài nước, Homestay sẽ nỗ lực hoàn thiện, bổ sung các tiêu chí để khai thác sản phẩm du lịch ngày càng bài bản hơn”.

Cùng với sự phát triển của ngành du lịch thì Tuyên Quang trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư cũng như đơn vị kinh doanh lữ hành. Anh Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiền Phong, đại diện Group Vietnamtravel Hà Nội nói: “Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, để du lịch nông nghiệp phát triển thì không nhất thiết phát triển rộng, ồ ạt mà cần tạo ra các tua có điểm nhấn. Do đó, việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã từng bước tạo được sự chuyên nghiệp hóa, đặc trưng riêng. Ví như nhắc đến Hà Giang thì có tua trải nghiệm cày, tra ngô trên ruộng đá; ở Lào Cai có tua hái dâu ở Sapa… Tương tự ở Tuyên Quang có nhiều sản vật OCOP cũng như phương thức canh tác đặc trưng, dựa vào đó chúng ta có thể xây dựng tua du lịch “đặc sản”. Ví dụ như: Tua du lịch lòng hồ thủy điện Tuyên Quang kèm theo trải nghiệm các hoạt động bắt cá, làm bún tại Đà Vị; Tua trải nghiệm du lịch Hồng Thái (Na Hang), ngắm ruộng bậc thang, chế biến chè Shan Tuyết, thu hoạch dâu tây…”.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm. Hy vọng các đơn vị, địa phương sẽ có bước đi vững chắc, cách làm phù hợp để loại hình dịch vụ này trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch và nông nghiệp tỉnh nhà.

Giang Lam

 

Nguồn: Báo Tuyên Quang
Từ khóa: OCOP, Tuyên Quang

Cùng chuyên mục