Hoạt động của ngành

Du lịch Yên Bái hướng tới “Thân thiện - Văn minh - An toàn”

Cập nhật: 22/08/2020 14:18:22
Số lần đọc: 715
Nhằm xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Yên Bái trên bản đồ du lịch khu vực và trên cả nước, định hướng xây dựng một hình ảnh Yên Bái “Thân thiện - Văn minh - An toàn”, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Mô hình homstay của hội viên phụ nữ huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Minh Huyền)

Yên Bái - vùng đất xanh giàu tiềm năng du lịch với Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hồ Thác Bà nơi được ví như "Hạ Long trên núi", khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, huyện Văn Yên với hệ sinh thái rừng tự nhiên đa dạng, nhiều loài động, thực vật quý hiếm, suối khoáng nóng Trạm Tấu điểm dừng chân mới lạ, độc đáo… cùng với một hệ thống các di tích, nền văn hóa các tộc người phong phú, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Nhằm xây dựng và khẳng định thương hiệu du lịch Yên Bái trên bản đồ du lịch khu vực và trên cả nước, định hướng xây dựng một hình ảnh Yên Bái "Thân thiện - Văn minh - An toàn”, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025.

Qua đó, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, đưa du lịch Yên Bái hướng tới mục tiêu phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng Yên Bái trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Tây Bắc.

Sử dụng tài nguyên du lịch tự nhiên lẫn tài nguyên du lịch văn hóa một cách bền vững, du lịch tỉnh Yên Bái đã và đang đa dạng hóa nhiều loại hình, sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cho tất cả các đối tượng khách và luôn đặt khâu bảo vệ môi trường sinh thái lên hàng đầu. 

Song song với đó, tỉnh đã đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; mở các lớp tập huấn phổ biến Luật Du lịch, Luật Môi trường và các nghị định hướng dẫn cho cộng đồng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch; khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái và các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường. 

Từ du lịch cộng đồng Homestay, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch nghỉ dưỡng đến các hoạt động khai thác sản phẩm văn hóa lễ hội phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh những năm qua đều hướng tới một mục tiêu chung là phát triển du lịch Yên Bái xanh, bền vững, bản sắc. 

Nhờ đó, số lượng khách du lịch đến Yên Bái tăng đều qua các năm: từ 480.000 lượt khách năm 2016 đã tăng lên trên 700.000 lượt khách năm 2019, trong đó tỷ trọng khách quốc tế tăng trung bình trên 8%/năm. 

Như vậy, Yên Bái đang đầu tư đúng hướng và có chiều sâu vào ngành du lịch, từng bước xây dựng lối đi riêng, đúng đắn để quảng bá thương hiệu du lịch Yên Bái đến du khách bốn phương. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Yên Bái còn nhiều hạn chế, sự hấp dẫn của du lịch Yên Bái chưa cao, sản phẩm du lịch còn có nhiều nét tương đồng với các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, thiếu dịch vụ vui chơi, giải trí, thương hiệu du lịch chưa thật sự nổi bật… 

Thêm vào đó, việc phát triển du lịch vẫn còn có những ảnh hưởng, làm suy giảm hay tổn hại đến thiên nhiên, môi trường của vùng. Điều này không chỉ làm giảm giá trị của việc tăng trưởng, mà còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự kém bền vững của các hoạt động du lịch. 

Vì vậy, để giải quyết triệt để hạn chế trên, với định hướng xây dựng một hình ảnh Yên Bái "Thân thiện - Văn minh - An toàn”, tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch Yên Bái xanh, bản sắc, hấp dẫn, Yên Bái đang thực hiện các giải pháp cụ thể khai thác tiềm năng riêng của mỗi huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh như: đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá và xây dựng thương hiệu; xây dựng các chương trình, sự kiện quảng quá sản phẩm du lịch đặc trưng.

Nâng cao hạ tầng du lịch bao gồm các cơ sở lưu trú, nâng cấp các điểm du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nông nghiệp bền vững, xúc tiến thương mại chuyên nghiệp phục vụ du lịch… 

Qua đó, để cùng với các chương trình, đề án về du lịch khác góp phần phát triển du lịch Yên Bái chuyên nghiệp, tạo ra sự chuyển biến, phát triển căn bản, đồng bộ, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết tỉnh, quảng bá chéo các đặc sản vùng miền. 

Về mặt xã hội, sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ tài nguyên du lịch, bao gồm cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa, nâng cao ý thức của người dân trong quản lý rác thải, bảo vệ môi trường vì một nền du lịch xanh, bền vững, bản sắc, hấp dẫn.

Với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đồng thuận ủng hộ của người dân, kỳ vọng thời gian tới hình ảnh du lịch Yên Bái "Thân thiện - Văn minh - An toàn”, xanh, bản sắc, hấp dẫn sẽ luôn để lại dấu ấn đặc biệt đối với du khách trong và ngoài nước. 

 

Lê Thương


 

Nguồn: Báo Yên Bái

Cùng chuyên mục