Hoạt động của ngành

Thừa Thiên Huế: Phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm

Cập nhật: 29/04/2022 14:16:48
Số lần đọc: 1153
Phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ (DLDV) về đêm tương xứng với vị thế, tiềm năng và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng của TP. Huế giai đoạn 2021 - 2030.


Người dân và du khách trải nghiệm du lịch đêm tại Huế

Đánh thức...

Mệnh danh là thành phố “đi ngủ sớm”, Huế đã đầu tư nguồn lực, phát triển nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm để thu hút và giữ chân du khách.

Sau khi hoàn thiện hạ tầng đô thị trung tâm, thành phố triển khai đề án phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm. Trong đó, tập trung vào các sản phẩm du lịch, dịch vụ diễn ra từ 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các loại hình dịch vụ giải trí, dịch vụ ẩm thực, mua sắm và du lịch về đêm.

Cùng với các dự án quy mô lớn đã và đang triển khai trên địa bàn nhằm góp phần kích cầu du lịch và phát triển dịch vụ du lịch, dịch vụ về đêm, thành phố nâng cao chất lượng hoạt động tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão - Chu Văn An - Võ Thị Sáu, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, tạo điều kiện cho người dân, du khách trải nghiệm các loại hình văn hóa nghệ thuật đường phố, thưởng thức ẩm thực Âu - Á, mua sắm hàng lưu niệm theo xu hướng hiện đại, sáng tạo.

Theo đó, từng bước hình thành không gian đi bộ mới tại các tuyến đường xung quanh Hoàng thành Huế, gồm 23 tháng 8, Đoàn Thị Điểm, Đặng Thái Thân, Lê Huân, Hàn Thuyên, Đinh Công Tráng theo xu hướng mang đậm nét văn hóa truyền thống, giúp du khách khám phá sâu về các giá trị bản sắc văn hóa Huế. Hình thành chợ đêm tại khu vực bến xe chợ Đông Ba, đường Chương Dương, Trần Hưng Đạo, cụm tuyến đường quanh khu vực cầu Gia Hội như Huỳnh Thúc Kháng, Bạch Đằng, phố cổ Gia Hội; khu vực công viên Kim Long đối diện đình làng Kim Long. Đồng thời, chỉnh trang vỉa hè tuyến đường Trương Định và không gian liên quan, hình thành không gian ẩm thực ba miền.

Sự góp mặt của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị quy mô lớn nằm trên các trục đường trung tâm thành phố, như Vincom, Phong Phú, Trường Tiền Plaza, sắp tới thành phố sẽ hình thành các phố mua sắm văn minh thương mại tại các trục đường chính như Lê Lợi, Hùng Vương, Bến Nghé, Lê Quý Đôn, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Đống Đa, Trần Hưng Đạo… Hoàn thiện và hình thành không gian trình diễn, giới thiệu nghề truyền thống tại Khu làng nghề đúc đồng Phường Đúc, trung tâm giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ; không gian thưởng thức nghệ thuật, bảo tàng, không gian sách dọc tuyến phố Lê Lợi, Phạm Hồng Thái, Đoàn Thị Điểm và các vị trí phù hợp khác.

Kết nối phố đêm

Để phát triển kinh tế đêm, thành phố đã đầu tư nguồn lực, hoàn thiện và phát triển sản phẩm không gian đi bộ hai bên bờ sông Hương, điểm nhấn là các công viên trung tâm phía Bắc và phía Nam thành phố trải dài từ CV 3/2 đến CV Bùi Thị Xuân; từ CV Thương Bạc đến CV Kim Long, 2 tuyến đường đi bộ dọc bờ sông Hương với các dịch vụ vui chơi giải trí, check-in phong cảnh, giải khát không cồn kết hợp đọc sách. Các loại bánh Huế, các hoạt động thao diễn giới thiệu sản phẩm lưu niệm truyền thống Huế và các dịch vụ tiện ích phục vụ du khách.

Các trung tâm văn hóa, bảo tàng dọc đường Lê Lợi khởi động việc mở cửa về đêm cũng như tháo dỡ hàng rào ngăn cách ở phía sau - nơi tiếp giáp với không gian đi bộ nhằm tạo không gian bảo tàng văn hóa, nghệ thuật - đường đi bộ có sự kết nối, tạo ra điểm nhấn về đêm ấn tượng. Xây dựng đường đi bộ hai bên bờ sông Hương sẽ trở thành địa điểm, một không gian công cộng đặc biệt, là nơi dành cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Thành phố sẽ bố trí chức năng nghỉ dưỡng ở các CV, không gian xanh và chức năng văn hóa ở các bảo tàng và phòng trưng bày, dịch vụ du lịch ở khu vực trung tâm bờ nam sông Hương để kết nối với chức năng dịch vụ thương mại và du lịch của khu vực phố đi bộ Chu Văn An - Võ Thị Sáu - Phạm Ngũ Lão, cầu đi bộ gỗ lim trên sông Hương. Trong đó, ở CV phía bắc sẽ duy trì chức năng vốn có và đầu tư tiện ích đô thị và hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm hài hòa với cảnh quan Hoàng thành Huế và CV truyền thống. Khu vực trung tâm bờ bắc bố trí các chức năng để có thể mang lại sự hài hòa với đặc trưng mang tính lịch sử của các công trình như Kinh thành Huế hay chợ truyền thống (chợ Đông Ba), ẩm thực Huế, ẩm thực ba miền tại đường Chương Dương và CV Thương Bạc.

Thành phố đã và đang hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng và đường đi bộ lưu thông qua các tuyến cầu Trường Tiền -  phố Tây - Vỹ Dạ - cồn Hến - Chi Lăng - Trần Hưng Đạo - kéo dài tuyến đi bộ dọc hai bờ sông Hương, đoạn từ cầu Trường Tiền đến đường Bùi Thị Xuân - phường Thủy Biều phía nam sông Hương và đến chùa Linh Mụ phía bắc sông Hương. Xây dựng cầu đi bộ kết nối với cồn Dã Viên nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch và kết nối chức năng ở khu vực trung tâm, tạo nên được tuyến đường đi bộ và tuyến đường kết nối liên tục dọc bờ sông đảm bảo sự kết nối với các khu vực xung quanh.

Thành phố phấn đấu đến 2025, tổng lượng khách tham quan du lịch đến Huế đạt khoảng 6 triệu lượt (tăng hơn 1,25 lần so với năm 2019); đến năm 2030 là 7 triệu lượt khách. Đồng thời, nâng mức chi tiêu của khách du lịch đến năm 2025 tăng bằng và trên 1,5 lần so với năm 2019; đến 2030 tăng bằng và trên 3 lần so với năm 2019.

Bài, ảnh: Ngọc Khánh

 

Nguồn: Báo Thừa Thiên Huế - https://baothuathienhue.vn - Đăng ngày 19/04/2022

Cùng chuyên mục