Thanh Hóa: Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc
Lễ rước kiệu trước giờ khai hội.
Năm 2011, Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh: Địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu được xếp hạng cấp quốc gia. Tỉnh Thanh Hóa công bố phê duyệt quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045 có diện tích hơn 1.000 ha thuộc các xã: Tân Ninh, Trung Chính, Mậu Lâm. Mục tiêu nhằm bảo tồn, tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm: Núi Nưa, Đền Nưa, Am Tiên; đưa di tích trở thành điểm tham quan du lịch có giá trị đặc biệt, cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển tỉnh Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đầu tư mở rộng, thảm bê-tông đoạn đường từ Đền Nưa lên Am Tiên, xây dựng bãi đỗ xe, công trình vệ sinh công cộng, ứng dụng công nghệ số giới thiệu giá trị di sản. Ban quản lý di tích chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy, san gạt thêm bãi đỗ xe, hợp đồng cung ứng nước sạch, quét dọn vệ sinh, tổ chức các hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách, nhất là tạo mặt bằng khuyến khích tổ chức, cá nhân trồng cây, phát triển thảm rừng trên núi Nưa.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa thành lập Ban quản lý di tích lịch sử-danh lam thắng cảnh quốc gia địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý di tích, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, tâm linh. Dịp khai hội Đền Nưa-Am Tiên thường niên có nghi lễ “mở cổng trời” được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng âm lịch. Núi Nưa cùng quần thể di tích tọa lạc nơi trời đất giao thoa hấp dẫn, thu hút du khách trảy hội mùa xuân.
Học sinh Nguyễn Trung Hiếu đến từ xã Triệu Sơn cho biết: “Cháu biết về Bà Triệu cùng cuộc khởi nghĩa quật cường khi học môn Lịch sử cho nên muốn tìm hiểu về nơi Bà Triệu tụ nghĩa, rèn tướng, luyện quân cùng những địa danh gắn liền chiến công của nghĩa quân. Ngoài đến Đền Nưa-Am Tiên tri ân Anh hùng dân tộc, cháu cùng các bạn còn tìm về Phủ Na ở xã Xuân Du, đền Bà Triệu cùng các điểm di tích ở xã Triệu Lộc, thêm tự hào về quê hương “địa linh, nhân kiệt”.
Hiện Tập đoàn Sun Group đang triển khai dự án Khu dịch vụ thương mại và cáp treo Am Tiên. Hạng mục đầu tiên trong quần thể du lịch tâm linh và di tích lịch sử Am Tiên được chủ thể sáng tạo lấy tên là “Huyền tích Am Tiên” có dự toán đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài điểm nhấn là tượng Phật Đại Nhật Như Lai, quần thể này được thiết kế trải dài hơn 10 ha với tâm điểm là tượng Bà Triệu cùng 5 ngôi làng chủ đề. Tại làng Hỏa, tái tạo thanh gươm màu lửa trong không gian lát gạch đỏ Bát Tràng sẽ là nơi diễn ra các lễ hội tôn vinh bản lĩnh dũng cảm của Triệu Thị Trinh. Làng Thủy có hồ nước lớn, voi trắng vươn cao, phun vòi rồng và trung tâm làng Âm là chiếc chiêng vàng cùng không gian dành cho hoạt động chế tác nhạc cụ truyền thống, lễ hội dân gian, biểu diễn âm nhạc. Trong quần thể còn có làng Kim mang chủ đề chiến thắng với quảng trường mầu vàng, nơi tái hiện các nghề thủ công. Được khơi nguồn cảm hứng từ hình tượng Bà Triệu cưỡi con voi trắng một ngà xung trận, làng Bạch Tượng với hình tượng con voi trắng một ngà cao 70m được bố trí ở điểm cao nhất. Tại đây du khách có thể chạm tay vào voi trắng một ngà, tương tác với tạo vật, trải nghiệm thiên nhiên. Huyền tích Am Tiên còn có bức tường gốm tái hiện tiến trình cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, tôn vinh công lao của người Anh hùng liệt nữ Triệu Thị Trinh, kết nối với không gian sống động cùng cách tiếp cận mới mẻ về lịch sử, tôn vinh văn hóa dân tộc bằng cảm xúc, nghệ thuật, ngôn ngữ đương đại.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết: Dự án Khu dịch vụ thương mại và cáp treo thuộc quần thể Khu du lịch tâm linh và Di tích lịch sử Am Tiên đánh dấu cột mốc với những viên gạch, khối đất đầu tiên, đặt nền móng cho công trình tầm cỡ, hiện đại. Thành công của dự án sẽ là lời khẳng định mạnh mẽ cho tinh thần, ý chí dân tộc trong tiến trình phát triển với tư duy “vừa bảo tồn, vừa phát triển”, nâng tầm giá trị khu du lịch gắn với phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc.
Bài và ảnh: Mai Luận