Hoạt động của ngành

Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tham dự Tọa đàm của WEF về năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của ngành du lịch

Cập nhật: 13/12/2021 09:41:28
Số lần đọc: 1196
(TITC) - Ngày 10/12/2021, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu tham dự trực tuyến Tọa đàm về năng lực cạnh tranh và khả năng phục hồi của ngành du lịch do tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức.  

Theo tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, GDP toàn cầu ước tính thiệt hại khoảng 4,5 nghìn tỷ USD (theo WTTC) và mất đi hơn 60 triệu việc làm trong năm 2020, trong đó du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Do đó tọa đàm được tổ chức nhằm trao đổi thông tin, phân tích dữ liệu và đưa ra các nhận định, xu hướng phát triển du lịch, từ đó giúp cho các cơ quan hoạch định ban hành các chính sách, định hướng phát triển du lịch bền vững hơn trong tương lai.

Diễn đàn tập trung thảo luận 4 nội dung chính gồm có: (1) Khung chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2021, bao gồm cả tính bền vững; (2) Những thách thức chủ yếu đối với ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; (3) Khả năng phục hồi của ngành du lịch; (4) Chiến lược phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.

Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đánh giá cao sáng kiến tổ chức sự kiện của Diễn đàn Kinh tế thế giới, đồng thời cho biết: Du lịch Việt Nam được xác định mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, năm 2019 du lịch Việt Nam đã đóng góp 9,2% GDP cả nước, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đứng thứ 63 trong 140 nền kinh tế. Giai đoạn 2015-2019, ngành du lịch Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 22,7%/năm và là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung và có thể phải cần 2 đến 3 năm để hồi phục.

Thảo luận về những thách thức phát triển du lịch bền vững trong tương lai, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng, việc thiếu hụt lao động trong ngành du lịch sau khi có đến 60-70% lực lượng lao động bị mất việc làm hoặc chuyển sang các lĩnh vực khác sẽ cần rất nhiều chi phí đào tạo cho lực lượng lao động mới và khó có thể đáp ứng được trong một thời gian ngắn. Cùng với đó, xu hướng đổi mới về sản phẩm và dịch vụ du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong bối cảnh bình thường mới cũng là một trong những thách thức, phát sinh chi phí đối với các doanh nghiệp du lịch đang gặp nhiều khó hiện nay.

Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của Chính phủ nhằm ưu tiên sớm khôi phục hoạt động du lịch, đây cũng là một cơ hội để ngành du lịch đổi mới lực lượng lao động có tay nghề, trình độ cao hơn, đặc biệt là ngoại ngữ và công nghệ sẽ góp phần làm tăng khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch.

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về tài chính, tài khóa và an sinh xã hội để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch và sẽ tiếp tục có chương trình đầu tư phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong lĩnh vực du lịch, Chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư đảm bảo điểm đến an toàn; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, phát triển điểm đến mới; đẩy mạnh công tác truyền thông về du lịch trong bối cảnh bình thường mới; áp dụng số hóa trong hoạt động du lịch và lữ hành; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn; hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Bên cạnh đó, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, cùng với lịch sử văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng để phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng… tất cả đều đã và đang được quan tâm đầu tư. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam cũng ưu tiên cho công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế carbon thấp là điều kiện thuận lợi để du lịch phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Với những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, ngành du lịch và các doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng tin tưởng rằng du lịch Việt Nam sẽ sớm vượt qua những thách thức hiện nay và tận dụng cơ hội để phục hồi, phát triển trong thời gian tới với hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Trung tâm Thông tin du lịch

 

Cùng chuyên mục