Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số tại các tỉnh biên giới

Cập nhật: 24/05/2019 16:29:53
Số lần đọc: 1479
(TITC) – Thực trạng phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển du lịch tại các tỉnh biên giới… là những nội dung chính được bàn đến tại Hội thảo lấy ý kiến đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số diễn ra vào sáng ngày 24/52019 tại trụ sở Tổng cục Du lịch.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Thanh Hương chủ trì hội thảo

Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương chủ trì, cùng dự có đại diện Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới, Bộ Kế hoạch đầu tư, các vụ, đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, đại diện một số địa phương có đường biên giới trên bộ và các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. 

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em, trong đó có 53 dân tộc thiểu số sinh sống trên một địa bàn rộng lớn (chiếm ¾ diện tích đất liền cả nước). Phần lớn các đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tại vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Để hỗ trợ đồng bào tháo gỡ khó khăn, cải thiện đời sống, nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chính sách và giải pháp.

Về công tác bảo tồn văn hóa, nhiều hoạt động đã được thực hiện như kiểm kê, lập danh mục kiểm kê di tích để quản lý và bảo vệ theo quy định của pháp luật; phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn làng, bản, buôn truyền thống; công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; hỗ trợ đào tạo với đối tượng người dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể…

Liên quan đến lĩnh vực du lịch, cụ thể là phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số cũng được triển khai thông qua các hoạt động như tổ chức và hỗ trợ các địa phương tổ chức nhiều chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch (khu vực Tây Bắc, Đông Bắc…); tổ chức và hỗ trợ mở khóa tập huấn nghiệp vụ cho thuyết minh viên du lịch (tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…); triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ các địa phương (như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang); nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng; phát triển mô hình du lịch cộng đồng…

Toàn cảnh hội thảo

Theo đánh giá chung, các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển du lịch gắn với đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt một số kết quả tích cực. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến, thảo luận từ phía đại diện các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp. Trong đó phần lớn các đại biểu cho rằng xu hướng thương mại hóa đã làm nhiều giá trị văn hóa mai một như việc trang phục truyền thống của nhiều đồng bào dân tộc vốn là sản phẩm thủ công được thêu tay tỉ mỉ thì nay đã thay thế bằng các loại vải nhập khẩu hoặc các trang phục may sẵn. Việc phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương còn bị rập khuôn một cách máy móc, làm mất đi giá trị văn hóa mỗi vùng miền. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực, hoặc nhân lực chưa được đào tạo (đối với người làm du lịch tại địa phương, hướng dẫn viên du lịch) cũng là một điểm yếu trong việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số. 

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, ông Nguyễn Đình Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh đã phục dựng thành công 10 lễ hội truyền thống, nâng tổng số lễ hội trên địa bàn tỉnh lên 40 lễ hội, trong đó có nhiều lễ hội lớn và thu hút đông đảo du khách như lễ hội lồng tồng (xuống đồng), nhảy lửa… Phục dựng và xếp hạng 26 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; phát triển mô hình du lịch cộng đồng với trên 300 homestay phân bố tại các địa bàn trọng điểm du lịch như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Tại các homestay, người dân còn kết hợp giới thiệu và bày bán các đồ thủ công mỹ nghệ, sản vật địa phương… Ngoài ra, Lào Cai cũng đã xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của 4 mùa trong năm như Festival Bắc Hà (mùa hè), cuộc đua Marathon quốc tế (mùa thu) với số vận động viên quốc tế chiếm tới 80%, Lễ hội mùa xuân Sa Pa…

Tại Hà Giang, địa phương có 7/11 huyện là huyện biên giới cũng có nhiều chính sách hiệu quả trong việc hỗ trợ phát triển du lịch. Theo bà Triệu Thị Tình – Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Giang, với các hộ dân đăng ký mô hình du lịch cộng đồng, tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ tối đa lên đến 100 triệu đồng/hộ. Công tác đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch được triển khai tới các đối tượng từ cán bộ quản lý, các hộ gia đình tới những người trực tiếp làm du lịch. Gần đây nhất, tỉnh Hà Giang đã phối hợp với trường Đại học Du lịch tổ chức khóa bồi dưỡng tiếng Anh tại cơ sở.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, đại diện Công ty du lịch Travelogy lấy ví dụ về hai địa phương làm du lịch cộng đồng thành công tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) là bản Lác và bản Mai Hịch. Tại bản Lác, mặc dù đã làm du lịch nhiều năm với kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm, tuy nhiên một số hộ dân còn thiếu kỹ năng quản lý, tiếp và đón khách. Chỉ cách bản Lác 15km, bản Mai Hịch đang là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách và đang được đánh giá rất tốt về năng lực làm du lịch cộng đồng. Việc đầu tư đào tạo cho người trực tiếp làm du lịch tại các xã, thôn, bản sẽ giúp người dân hiểu hơn về du lịch cộng đồng, hướng đến phát triển du lịch bền vững – đại diện Công ty du lịch Travelogy nhấn mạnh.

Hội thảo đã ghi nhận 16 ý kiến góp ý liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương biên giới phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số như cần xây dựng cơ chế thủ tục thông thoáng cho các doanh nghiệp kinh doanh; việc triển khai các chính sách cần sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước nhằm tránh chồng chéo, mâu thuẫn; đẩy mạnh marketing và ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch…

Khánh Trang

 

Nguồn: TITC

Cùng chuyên mục