Hoạt động của ngành

Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt để phát triển du lịch, góp phần nâng tầm vị thế Hải Dương

Cập nhật: 11/02/2022 11:31:45
Số lần đọc: 1076
Trải qua những thăng trầm lịch sử, Hải Dương luôn có vị trí trọng yếu, dư địa dồi dào, đa dạng, với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tiêu biểu, phong phú. Về vật thể có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh gồm: đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ…


Hải Dương nay - Xứ Đông xưa có vị trí trọng yếu về địa chính trị, quân sự trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Là một trong tứ trấn, “phên dậu phía Đông” bảo vệ kinh thành Thăng Long - Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), có diện tích tự nhiên 1.668 km2, dân số khoảng 1,9 triệu người, tiếp giáp 6 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Hưng Yên. Từ bao đời, Hải Dương là nơi sinh thành, hội tụ và toả sáng của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa như: Khúc Thừa Dụ, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mệnh, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Duệ… Đây là vùng đất chuyển tiếp giữa miền núi, trung du và đồng bằng nên địa hình khá đa dạng, gồm vùng núi và đồng bằng, trong đó đồng bằng chiếm 89% diện tích. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết “Hải Dương, phía Nam giáp trấn Sơn Nam, phía Bắc tiếp giáp Quảng Yên, phía Đông đến biển lớn, phía Tây giáp trấn Kinh Bắc, thế đất rộng rãi vòng quanh, phong vật đông đúc phồn thịnh”(1).

Lễ Hội quân trên sông Lục đầu

Tiềm năng và lợi thế

Về tài nguyên tự nhiên: Hải Dương có địa hình và cảnh quan khá đa dạng, sự tương phản rõ rệt giữa đồng bằng với đồi núi, thế đất nghiêng dần từ phía Bắc xuống phía Nam.

Khu vực Chí Linh, Kinh Môn là vùng đồi núi, có núi đất, núi đá vôi và có vị trí hiểm yếu với núi thẳm, sông sâu. Vùng đất Chí Linh được biết với nhiều ngọn núi mang tên “Tứ linh” như núi Trán Rồng, núi Kỳ Lân, núi Phượng Hoàng và núi Quy. Vùng đất Kinh Môn đã hình thành hệ thống núi đá vôi nhấp nhô và hang động phong phú làm nên một vẻ đẹp hùng vĩ như động Kính Chủ thuộc dãy núi Dương Nham - động đẹp thứ 6 trời Nam, mảnh đất mà dấu tích biển tiến còn nguyên các ngấn nước ở trong hang: Thánh Hóa, Ngũ Thủy (phường Duy Tân), động Kính Chủ (phường Phạm Thái), hang chùa Mộ (phường Tân Dân) hoặc dấu tích của người Việt cổ sinh sống được tìm thấy qua răng hóa thạch của các loài như: Pongo, voi, gấu, khỉ, lợn… có niên đại cách ngày nay từ 5 đến 3 vạn năm.

Vùng đồng bằng được bồi tụ của phù sa sông Thái Bình và sông Hồng nên khá bằng phẳng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho sản xuất và phát triển nông nghiệp với những cánh đồng lúa mênh mông, các vùng trồng cây chuyên canh hoa màu rộng lớn xanh tốt quanh năm.

Hải Dương còn được biết đến với nhiều sông hồ lớn, có vị trí trọng yếu trong lịch sử như sông Lục Đầu, sông Thái Bình, sông Kinh Thầy… với trên 400km đường sông, đã tạo cho Hải Dương trữ lượng thủy sản dồi dào, phân bố rộng khắp. Các hồ lớn, cảnh quan tươi đẹp, rất tốt để điều tiết khí hậu và làm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng như: hồ Bến Tắm, Côn Sơn, Thanh Long (Chí Linh); hồ An Dương (Thanh Miện); hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương)… Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn có nhiều hệ thống sông nhỏ như sông Sặt, sông Cẩm Giàng, sông Tứ Kỳ, sông Cửu An, sông Luộc, Hàn Mấu, Đá Vách… Sách Đại Nam nhất thống chí viết “các sông tỉnh Hải Dương, chi lưu tản mạn rất nhiều không thể chép hết”(2).

Về khí hậu, Hải Dương nằm trong vùng khí hậu chung của đồng bằng Bắc Bộ, điển hình của vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia thành 2 mùa rõ rệt (mùa Đông lạnh, ít mưa và mùa Hạ nóng ẩm, mưa nhiều), nhiệt độ trung bình là 23,4oC. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi về đặc trưng khí hậu Hải Dương “cũng như Hà Nội, duy đất gần biển, nên những tháng mùa thu, mùa hạ nhiều gió đông nam”(3). Cùng với nguồn nước mặt tự nhiên dồi dào, lòng đất Hải Dương còn có trữ lượng nước ngầm khá phong phú, có thể cung cấp nguồn nước chất lượng tốt và khai thác phục vụ các mục đích khác nhau.

Với hơn 8,8 nghìn ha rừng gồm đặc dụng và phòng hộ tập trung ở Chí Linh và Kinh Môn, cùng sự đa dạng, phong phú về các loài động thực vật thích ứng với hệ sinh thái đồi núi và hệ sinh thái đồng bằng mang nét đặc trưng riêng có của Hải Dương “vùng này có ruộng tốt, nhiều đất trắng mềm, hợp với việc trồng cây thuốc hút, ruộng thì vào hạng thượng hạng. Gỗ có tùng, bách, ngoài ra còn có các cây hòe, liễu, dừa, cau, cam đường…”(4).

Về tài nguyên văn hóa: Trong lịch sử vùng đất Hải Dương đã định hình gắn liền với vùng đất đồng bằng Bắc Bộ, là hạt nhân lịch sử và văn hóa trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với địa hình đa dạng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ động thực vật phong phú, ngay từ buổi đầu thời tiền sử, con người đã chọn vùng đất này làm nơi tụ cư hình thành nên những nhóm cư dân đầu tiên trên vùng đất tại Nhẫm Dương (Kinh Môn) và để lại dấu vết con người thời kỳ đồ Đá. Đây là những nhóm người thuộc văn hóa Hòa Bình tỏa xuống, từng bước chiếm lĩnh khai phá vùng đồng bằng, là nhóm người đầu tiên ở Nhẫm Dương đã đặt nền móng góp phần hình thành nhà nước tộc người buổi ban đầu trên vùng đất Hải Dương.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, Hải Dương luôn có vị trí trọng yếu, dư địa dồi dào, đa dạng, với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị tiêu biểu, phong phú. Về vật thể có 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học và danh lam thắng cảnh gồm: đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ… Trong đó có 390 di tích, danh thắng được xếp hạng gồm: 04 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 142 cấp quốc gia và 244 cấp tỉnh; gần 10 ngàn cổ vật được lập hồ sơ đăng ký bảo vệ và trên 5 vạn hiện vật cùng các bộ sưu tập quý hiếm lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh; 08 bảo vật quốc gia. Hệ thống di tích đa dạng về loại hình lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc còn được bảo tồn như: Chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Cao An Lạc (Chí Linh); chùa Động Ngọ, đền- đình Sượt (TP Hải Dương); chùa Minh Khánh, chùa Hào Xá (Thanh Hà); chùa Trăm Gian, đình Nhân Lý, đình Vạn Niên (Nam Sách); chùa Giám, Văn Miếu Mao Điền (Cẩm Giàng); chùa Huề Trì, động Kính Chủ (Kinh Môn)… Hệ thống các di tích đậm đặc, dung hòa các tôn giáo song hành tồn tại, phát triển như: Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo cùng hội tụ trên mảnh “đất thiêng” Hải Dương mà tiêu biểu là đất Chí Linh một cách rõ nét, hiếm tỉnh, thành phố nào trong cả nước có được.

Hải Dương còn là mảnh đất dung dưỡng, tỏa sáng của các bậc đại trí, đại dũng, vang danh ở các lĩnh vực như: Phật giáo có Tam tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), phái Tào Động có thiền sư Thủy Nguyệt; về quân sự có Khúc Thừa Dụ, Trần Quốc Tuấn, Trần Khánh Dư, Nguyễn Chế Nghĩa, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Sư Mệnh, Nguyễn Hữu Cầu, Đốc Tít… Với văn chương, y dược, khoa học có Trần Cố, Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An, Tuệ Tĩnh, Nguyễn Trãi, Vũ Như Tô, Nguyễn Đại Năng, Nguyễn Thị Duệ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị… được nhân dân phụng thờ ở các di tích nổi tiếng như đền Khúc Thừa Dụ, chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Ức Trai, đền Bà chúa Sao sa, danh thắng Phượng Hoàng, động Kính Chủ, An Phụ sơn từ, chùa Thánh Quang, đền Long Động, Văn Miếu Mao Điền và đền Bia - chùa Giám - đền Xưa…

Di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, nổi bật ở các loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát ca trù, hát trống quân, múa rối nước, hát đối, hát văn, hát tuồng… Loại hình nghệ thuật nào cũng có sự cống hiến không ngừng nghỉ của các nghệ nhân, nghệ sĩ nhân dân và ưu tú, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm hay, có giá trị, được nhà nước phong tặng, tôn vinh.

Hải Dương còn được biết đến với nhiều làng nghề thủ công truyền thống như: vàng bạc Châu Khê, rượu Phú Lộc, chạm khắc gỗ Đông Giao, gốm Chu Đậu, giày da Tam Lâm, chạm khắc đá Kính Chủ… Các nghề này được sách Đại Nam nhất thống chí ghi “công nghệ cũng tinh xảo (như thợ vàng, thợ thiếc thợ nhuộm, thợ khắc, thợ cân, thợ giày, thợ sơn…)”(5) đã tập hợp, hình thành nên những làng nghề sản xuất trong lịch sử, nhiều nghề còn duy trì đến ngày nay, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú phục vụ cho đời sống và hình thành nên hệ thống thương mại trong lịch sử.

Tạo nhiều giá trị khác biệt và nổi trội

Hải Dương có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, nằm ở trung tâm Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, sát vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ, thuộc hai hành lang kinh tế quan trọng với Trung Quốc: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thuận lợi với các khu cảng biển Cái Lân (Quảng Ninh) và cảng Hải Phòng cùng với cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi. Bên cạnh đó, Hải Dương còn có vai trò kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong giao lưu kinh tế, thương mại với Vùng Thủ đô Hà Nội với hành lang kinh tế ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh; là trung tâm liên kết không gian với khu vực Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Giao thông tương đối hoàn chỉnh và đồng bộ cả đường bộ, đường thủy nội địa và đường sắt.

Nguồn nhân lực dồi dào, với 1,3/1,9 triệu dân trong độ tuổi lao động; có truyền thống hiếu học và ý chí khát vọng vươn lên từ trong lịch sử phong kiến (11 trạng nguyên, 486 tiến sĩ, có “Lò Tiến sĩ Xứ Đông” ở làng Mộ Trạch với 39 tiến sĩ).

Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa - danh lam thắng cảnh nổi tiếng (3.199 di tích, trong đó có 390 di tích đã xếp hạng), 09 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO và Bộ VHTTDL ghi danh. Không chỉ vậy, Hải Dương còn có thế mạnh về nền tảng công nghiệp từ khá sớm, đầu tàu về công nghiệp nặng (Nhiệt điện Phả Lại, Sứ Hải Dương…).

Nông nghiệp được xác định tập trung vào chất lượng cao, rau màu, cây ăn quả với các vùng trồng cây chuyên canh như: Cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách), vải, na (Thanh Hà, Chí Linh)… để hướng tới sản xuất hàng hóa phục vụ Hà Nội, Hải Phòng và các đô thị trong Vùng cùng với việc xuất khẩu; tập trung thu hút đầu tư nước ngoài và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; hướng đến việc hình thành tuyến du lịch: Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thanh Mai (Chí Linh); sông Hương (Thanh Hà); Đảo Cò (Thanh Miện)…

Từ những tiềm năng và lợi thế đã tạo nên những giá trị khác biệt và nổi trội riêng có của Hải Dương, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh đến 2030 là cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với 4 trụ cột, ba nền tảng, một trung tâm và 3 đô thị động lực, ba trục phát triển, trong đó nền tảng văn hoá và con người Hải Dương được đặt lên hàng đầu trong 3 nền tảng, làm cơ sở cho việc xác định các giá trị đặc trưng, cốt lõi của người Xứ Đông. Trên cơ sở đó để định hướng, có giải pháp cụ thể, từng bước khai thác các nguồn tài nguyên có giá trị nhằm góp phần phát triển du lịch chất lượng cao trở thành ngành kinh tế quan trọng trước xu thế hội nhập phát triển kinh tế của tỉnh trong tình hình mới.

Khảo sát xây dựng đề án Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương.

Với triết lý “Phát huy tối đa tiềm năng, tạo nhiều giá trị khác biệt” và phương châm hành động “Chủ động - Sáng tạo - Quyết liệt - Hiệu quả” cùng “5 rõ” đã minh chứng cho một tập thể Đảng bộ tỉnh Hải Dương luôn đoàn kết, trách nhiệm cao và hành động quyết liệt, kịp thời thông qua các chương trình, đề án cụ thể như: Quyết định số 3574/QĐ-UBND ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 22-CTr/TU ngày 18/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát huy giá trị văn hóa Xứ Đông và Xây dựng con người Hải Dương đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030”; Quyết định số 2864/QĐ-UBND ngày 30/9/2021 của UBND tỉnh về ban hành Đề án “Phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050”. Đồng bộ với việc ban hành các Quyết định về Phát huy giá trị văn hóa Xứ Đông và Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển Du lịch chất lượng cao thì Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã phê duyệt nhiều quy hoạch của các huyện, thị xã, thành phố; quy hoạch vùng và quy hoạch ngành để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 bằng việc triển khai các đề án, dự án như: Chính quyền điện tử và đô thị thông minh; dự án xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hải Dương…

Với quan điểm xuyên suốt của tỉnh Hải Dương về phát triển du lịch chất lượng cao là: Tập trung nguồn lực để phát triển du lịch chất lượng cao, coi đây là khâu “đột phá” để đảm bảo du lịch Hải Dương phát triển nhanh, tương xứng với tiềm năng và vị thế; tạo ra sự khác biệt trên nền tảng những giá trị văn hóa truyền thống và thiên nhiên, phát huy những lợi thế và cơ hội phát triển; phải gắn liền với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường; phải dựa trên việc phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phải đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các địa phương trong vùng, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội nhằm phát huy có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng và sự khác biệt của sản phẩm du lịch đặc thù tạo ra; phải gắn với việc bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội(6).

Trọng tâm của Đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng dịch vụ du lịch. Đề án cũng xác định không gian du lịch chính là thành phố Hải Dương kết nối với Chí Linh và vùng phụ cận.

Ngoài 2 không gian du lịch chính, còn 3 không gian du lịch phụ cận như: Không gian du lịch thị xã Kinh Môn; huyện Cẩm Giàng - huyện Bình Giang và huyện Ninh Giang - huyện Thanh Miện.

Du lịch Hải Dương xác định 8 sản phẩm đặc thù để đầu tư phát triển như: Về với nghệ thuật rối nước vùng Đồng bằng sông Hồng (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang); Tìm về giá trị sinh thái cộng đồng đích thực vùng Đồng bằng sông Hồng (Đảo Cò, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện); Con đường khoa cử Việt (làng Tiến sĩ Mộ Trạch, huyện Bình Giang kết nối với Văn Miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng - Đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, huyện Nam Sách - Đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ nữ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, thành phố Chí Linh); Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt (thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách); Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt (khu vực sông Hương, huyện Thanh Hà); Du lịch nghỉ dưỡng - thiền (dưỡng sinh), (khu vực hồ Thanh Long - hồ Bến Tắm, thành phố Chí Linh); Chạm khắc gỗ Đông Giao - nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ Xứ Đông (thôn Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng); Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông (xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ)(7).

Hệ thống bia Ma Nhai động Kính Chủ (TX Kinh Môn)

Lời kết

Năm 2021, là năm đầu tiên triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tỉnh Hải Dương chịu nhiều tác động của đại dịch Covid -19, gây khó khăn cho phát triển kinh tế, đặc biệt với lĩnh vực du lịch gần như tê liệt, chỉ đón được 13.690 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 11,9 tỉ đồng (giảm 99% so với cùng kì 2020). Tuy nhiên, với chủ đề hành động “ Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các doanh nghiệp và nhân dân đã vững vàng vượt qua thử thách, khó khăn đưa Hải Dương từ tăng trưởng âm trong quý I, chỉ đạt 3,9% trong quý II và vượt khó, vươn lên ước đạt 8,6% cả năm (tăng so với kế hoạch đề ra 8,0%).

Du lịch Hải Dương sau thời gian gần như tê liệt vì Covid – 19 đã nhanh chóng thích ứng với tình hình mới, bước đầu triển khai thực hiện Kế hoạch số 3228 ngày 18/10/2021 của Bộ VHTTDL về triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; Hướng dẫn tạm thời số 3862 của Bộ VHTTDL về thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Công văn số 4698 ngày 16/12/2021 của Bộ VHTTDL về việc Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cùng nhiều giải pháp cụ thể. Đến 31/12/2021, tỉnh đã hỗ trợ cho 64/102 hướng dẫn viên du lịch hưởng chế độ 1 lần 3.710.000 đồng /người (đạt 62,7% kế hoạch); giảm giá bán điện cho các cơ sở lưu trú du lịch, giảm 80% tiền kí quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch theo quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược và sự khác biệt từ việc chỉ đạo xây dựng, ban hành Đề án “Phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” từ quan điểm xuyên suốt, bao trùm, định hướng và những giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh để khơi dậy khát vọng phát triển của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, doanh nghiệp. Sự khác biệt còn được xác định với 8 sản phẩm du lịch đặc thù và các sản phẩm chính, sản phẩm bổ trợ của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; sự hấp dẫn và đa dạng về dư địa nguồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa dồi dào đối với du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; sự cởi mở, chân thành, thân thiện, có trách nhiệm trong việc kêu gọi, cải thiện môi trường đầu tư để luôn sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về với Hải Dương.

Với niềm tin lạc quan, tươi sáng, khát vọng vươn lên cùng những luồng gió mới từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong du lịch một cách kịp thời để quảng bá hình ảnh, tiềm năng, giá trị các tài nguyên du lịch về văn hóa, tự nhiên sâu rộng thu hút các nhà đầu tư quan tâm hơn, giúp du khách lựa chọn điểm tham quan thuận lợi, dễ dàng; đảm bảo chất lượng, an toàn cho du khách và cơ sở kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng tầm và đa dạng trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh trên các phương tiện truyền thông và nền tảng số, qua các kênh hợp tác, đối ngoại, các báo, tạp chí chuyên ngành về du lịch của Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2021, đã có một số nhà đầu tư lớn, có uy tín, tiềm lực, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch về khảo sát, nghiên cứu như: Doanh nghiệp Xuân Trường, tập đoàn FLC, TH truemilk… Đó là những dấu hiệu tốt, là điểm sáng trên lộ trình thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để du lịch Hải Dương phát triển một cách bền vững, góp phần nâng tầm vị thế Hải Dương trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Chú thích:

1. Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2008, tr.139
2. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập III, Sđđ, tr.388
3. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, tập III, Sđđ, tr.368
4. Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Khxh, Hà Nội, năm 1997, tr.219
5. Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống trí, tập IV, Sđđ , tr.369
6. Đề án "Phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050"
7. Đề án "Phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" 

Vũ Đình Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTTDL

Nguồn: Sở Văn hoá thể thao du lịch Hải Dương

Cùng chuyên mục