Hoạt động của ngành

Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch Lai Châu

Cập nhật: 21/09/2023 14:46:31
Số lần đọc: 530
Là vùng biên giới khó khăn với nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, Lai Châu đã hóa giải những bất lợi đó nhờ phát huy những giá trị bản sắc riêng biệt của mỗi dân tộc để phát triển du lịch. Cùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ đa dạng, đây là những nền tảng để du lịch Lai Châu ngày càng cất cánh.

Giá trị bản sắc riêng của các dân tộc

Dịp nghỉ lễ Tết Độc lập 2/9, Lai Châu được đông đảo du khách cả nước và quốc tế chọn là điểm đến mới mẻ, hấp dẫn. Để có được ấn tượng tốt đó, tỉnh cùng nhiều địa phương đã tổ chức đồng loạt nhiều chương trình, lễ hội đặc sắc của các đồng bào dân tộc như Thái, Mông, Dao như: Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Lai Châu; Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường, Chương trình Tết Độc lập và Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên…

Tái hiện phong tục văn hóa của thầy mo trong Lễ hội Kin Pang. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Tại huyện Than Uyên, Chương trình Tết Độc lập kéo dài 4 ngày nghỉ lễ. Du khách và người dân cùng hòa vào không gian văn hóa với Hội xòe của người Thái, các nghi lễ của người Mông, thưởng thức ẩm thực vùng cao, cùng trải nghiệm chợ phiên ở các bản. Chương trình đã trở thành điểm nhấn để thương hiệu của du lịch Lai Châu ngày càng lan tỏa, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Ông Trần Quang Chiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc chủ yếu tập trung vào các hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Thái, Mông như phục dựng lại các lễ hội mừng cơm mới, lễ hội Kin Pang... Du khách được hòa mình vào nét sinh hoạt, cùng trải nghiệm những tập tục địa phương nên rất thích thú.

Huyện Tam Đường có đông đảo người Mông sinh sống. Dịp nghỉ lễ năm nay, du khách có nhiều trải nghiệm độc đáo khi Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông huyện Tam Đường được tổ chức ngay tại xã Tả Lèng, nơi có những thửa rộng bậc thang tuyệt đẹp. Nhiều du khách và người dân lần đầu được tận mắt chứng kiến giải đua ngựa, tận hưởng không gian bình yên, vẻ đẹp của cuộc sống của người vùng cao…

Uống rượu cần, một trong những nét văn hóa của dân tộc Thái Đen ở Lai Châu. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho hay, Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết của tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, nghị quyết đã đi vào cuộc sống và các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát huy và lan tỏa. Lai Châu phục dựng 10 lễ hội, duy trì tổ chức 34 lễ hội. 45 trường học của tỉnh thành lập câu lạc bộ, xây dựng các hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Tỉnh duy trì hoạt động của 864 đội văn nghệ thôn bản, 24 đội văn nghệ xã.

Phát triển sản phẩm du lịch

Tỉnh Lai Châu đang tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng tại 5 điểm du lịch có thế mạnh là bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, bản Thẳm, bản Sì Thâu Chải và bản San Thàng. Đặc biệt, năm 2023, bản Sin Suối Hồ nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3. Lai Châu đang ngày càng trở thành điểm nhấn trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.

Buộc chỉ tay theo quan niệm của người Thái để mong sức khỏe, bình an, gia đình hạnh phúc. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Tuyến sản phẩm chợ phiên, chợ đêm vùng cao như chợ San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên)… với sự nổi bật là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật vùng cao đang cho thấy hiệu quả. Tỉnh tiếp tục phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp địa phương với các điểm nhấn nổi bật như: Khu Du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây, khu du lịch sinh thái đèo Hoàng Liên Sơn, cung đường ruộng bậc thang Thu Lũm (huyện Mường Tè), làng cá Thẩm Phé (Than Uyên)…

Cảnh mua bán nhộn nhịp, vui vẻ ở chợ phiên Sin Suối Hồ. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN.

Một trong những sản phẩm du lịch tiềm năng của Lai Châu đang xây dựng là du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) và các tour khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao như Pusilung, Putaleng, Bạch Mộc Lương Tử, Tả Liên Sơn…

Ông Trần Quang Kháng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, tỉnh xác định bản sắc văn hóa các dân tộc và cảnh quan thiên nhiên là hai nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Vì thế, các sản phẩm văn hóa du lịch của Lai Châu thể hiện sự độc đáo, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thu hút du khách.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng năm nay, toàn tỉnh ước đón hơn 799 ngàn lượt khách, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu ước đạt hơn 586 tỷ đồng. So với các trung tâm du lịch trong nước, đây là con số khiêm tốn nhưng đối với tỉnh vùng khó Lai Châu là nỗ lực rất lớn.

Nguyễn Oanh

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - dantocmiennui.vn - Đăng ngày 21/9/2023

Cùng chuyên mục