Non nước Việt Nam

Những kiêng kỵ trong ngôi nhà sàn của người Tày

Cập nhật: 06/11/2020 09:30:59
Số lần đọc: 1143
Nhà sàn là ngôi nhà truyền thống của người Tày. Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày cũng có những kiêng kỵ liên quan đến việc làm nhà và sinh hoạt trong ngôi nhà sàn. Những kiêng kỵ này vừa mang nét tín ngưỡng dân gian, do xuất phát từ quan niệm về sư chi phối của thần linh; đồng thời cũng mang tính nhân văn thể hiện quan niệm đúng đắn về quan hệ đạo đức xã hội và các mối quan hệ của con người.

Trong việc chọn cây làm nhà, người Tày kiêng sử dụng cây cụt ngọt, cây sâu gốc, cây có tổ kiến, nhất là chọn cột cái và chọn cây chẻ lạt. Họ cho rằng, nhưng cây như thế là cây ốm yếu, bệnh tật, nếu lấy cây đó làm nhà thì người sống trong ngôi nhà đó cũng không khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu xét theo đặc tính thì các loại cây này thường rất giòn, hỏng bên trong và thiếu thẩm mỹ.

Khi dựng nhà, đồng bào kiêng quay ngọn cây xuống đất (dui, cột), kiêng hướng ngọn cây về phía mặt trời mọc (là hướng của phụ nữ). Khi dựng nhà xong tuyệt đối không được đào hố trên nền nhà vì sợ phạm vào mạch của ngôi nhà, có thể gây hư hại cho các thành viên trong gia đình. Buộc lạt không được buộc từ vặn nút từ phải sang trái vì cũng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nhà đã dựng xong không được chém vào bất cứ bộ phận nào của ngôi nhà, nhất là các cây cột vì người Tày quan niệm làm như vậy sẽ tổn hại đến phần hồn của nhà, nó sẽ trả thù con người.

Bên cạnh những kiêng kỵ trong làm nhà, người Tày cũng có những quy định ngầm trong sinh hoạt hàng ngày trên ngôi nhà sàn. Bởi theo thiết kế thì ngôi nhà có khu vực sinh hoạt dành riêng cho từng đối tượng trong gia đình nên không ai được vi phạm các quy định này, nhất là phụ nữ. Hơn nữa do quan niệm phân biệt đối xử hay các quan niệm mang tính chất tâm linh, đồng bào cũng đặt nhiều sự kiêng kỵ khắt khe. Mặt khác, sự kiêng kỵ ấy còn xuất phát từ vấn đề đạo đức xã hội.

Đó là, bố không được vào nơi ngủ của con gái, con dâu và con dâu không được vào gần nơi ngủ của bố chồng, con gái cũng không tới gần nơi ngủ của bố đẻ. Bởi họ cho rằng, con dâu vào nơi ngủ của bố chồng là người không ngay thẳng, bố và bố chồng vào nơi ngủ của con gái, con dâu là có ý xấu.

Nữ chủ nhà không được đến khu vực dành cho khách nam giới. Khi ngồi ăn trên khu vực sinh hoạt của nam giới mà có khách thì phụ nữ phải xuống bếp ăn để thể hiện sự tôn trọng khách, tôn trọng việc riêng của chồng.

Phụ nữ cũng không được ngồi cạnh chồng khi tiếp khách, không được ngồi ở cạnh trên của bếp sinh hoạt vì đây là nơi ngồi của đàn ông. Nếu làm như vậy nghĩa là người vợ có vị trí ngang bằng với chồng còn người chồng là hèn kém.

Phụ nữ không được trèo lên gác nhà hoặc gác bếp để lấy đồ dùng hay giống cây trồng vị phụ nữ trèo lên cao là biểu hiện thiếu tôn trọng nam giới, đồng thời thể hiện trong nhà không có đàn ông, đó là điều vô phúc.

Phụ nữ Tày không được ngồi gần bàn thờ tổ tiên, không được bày mâm cúng cũng như quét dọn bàn thờ vì đồng bào quan niệm việc cúng bái là của đàn ông, còn phụ nữ “không được sạch sẽ” nên không được động vào bàn thờ, làm ô uế nơi linh thiêng.

Ngoài những kiêng kỵ này, đồng bào Tày còn có một số kiêng kỵ khác như không được dùng sào khều chọc mọi vật trong nhà, nhất là chọc lên nóc nhà, không được chọc xuống nền bếp, không để lửa tắt khi có người ở nhà… Vì họ quan niệm làm vậy sẽ mang lại những điều không may mắn.

Những kiêng kỵ này đến nay vẫn được duy trì như một nét đẹp văn hóa, vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa thể hiện tính nhân văn trong đời sống người Tày./.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT