Non nước Việt Nam

Lễ hội đánh đuống Mường - trò chơi dân gian độc đáo

Cập nhật: 29/10/2020 13:49:03
Số lần đọc: 1364
Từ thân cây gỗ khoét rỗng hình máng với những chiếc chày gõ nhịp, người Mường đã sáng tạo ra trò diễn dân gian với nhạc cụ dân tộc độc nhất vô nhị, trở thành nét sinh hoạt lễ hội cộng đồng.

Các cô gái Mường thực hiện đâm đuống rất nghệ thuật, tạo thành bản nhạc đặc trưng.

Dụng cụ lao động “kiêm” nhạc cụ độc đáo?

Người Mường sinh sống lâu đời ở cửa ngõ Tây Bắc và vùng Bắc Trường Sơn. Họ là chủ nhân bản địa của văn hóa sông Đà, sông Mã với nền văn minh lúa nước từ rất xa xưa. Với họ, cây lúa trên nương, dưới ruộng là nguồn nuôi sống chính, từ đó hình thành nghi lễ vòng đời cây lúa từ chọn đất gieo hạt, thu hoạch đón lúa về và cúng cơm mới. Trong đó, tục đánh đuống là sôi động, mang tính lễ hội cộng đồng rất cao vừa có tính trò chơi lại mang tính trò diễn.

Trong không gian sống của người Mường không thể thiếu cái trống. Đó là máng vò lúa làm bằng gỗ to rộng khoét từ thân cây lớn, có độ dài từ 2 - 3m. Máng vò lúa lâu ngày trở nên sáng bóng rất đẹp. Dụng cụ gõ là những chày giã gạo thon nhỏ dài tới vài mét. Người Mường quen giã gạo chày đôi, chày ba, thậm chí tự tạo ra nhịp điệu và âm thành gợi cảm cuả miền dân dã xứ núi.

Khi có đông người tới vò lúa, giã gạo họ nảy sinh ra trò chơi, trò diễn đánh đuống. Trai gái xếp thành hàng hai bên đuống cùng gõ vào đuống và gõ vào chày của nhau theo tiết tấu phù hợp. Một bản nhạc mộc mạc âm thanh của chày, đuống phát ra rộn rã, hòa nhập với cảnh sắc suối nguồn, núi ngàn làng bản nhà sàn. Trò chơi, trò diễn âm thanh bộ gõ này đã biến công cụ lao động trở thành nhạc cụ cổ xưa mà tiết tấu của nó làm si mê bao trai tài, gái sắc xứ Mường.

Các tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc Mường sau phần lễ.

Lễ hội đánh đuống, nét đẹp văn hóa Mường

Từ công cụ thô sơ, đuống và chày được trân trọng và quý mến tượng trưng cho giống đực, giống cái giao hoan giữa đất trời Mường báo hiệu mang đến sự nảy nở sinh sôi của mùa vụ và con người. Lễ hội đánh đuống ra đời gửi gắm vào đó khát vọng người Mường, tôn vinh hạt lúa, tôn vinh sự khéo léo của con người.

Lễ hội đánh đuống thường được tổ chức vào hội xuân, vào mùa khai hạ có sự kiện lớn của vùng Mường, của nhà sàn Mường. Trong lễ hội đuống, thanh gõ đuống được nghệ thuật hóa, trang trí hoa văn, kết hợp với chiêng, trống, ống sáo, cò ke trở thành một bản hòa tấu, thanh sắc muôn màu kỳ ảo. Cũng có khi lễ đâm đuống tổ chức để mừng mùa, mừng nhà mới, mừng đám cưới, vui hội làng bản, hội khai hạ xuống đồng…

Trình tự lễ đánh đuống gồm lễ rước đuống ra bãi hội, đoàn múa đuống đi theo diễn tả những động tác sản xuất mùa vụ. Tới nơi hội lễ mở đầu bằng bài cúng mùa, cúng đuống, tạ lễ đất trời, thành hoàng làng. Tiếp đó là nam thanh nữ tú và nhệ nhân trình diễn các bài đánh đuống tài nghệ có sự minh họa của nhạc cụ dân tộc. Xen kẽ có các điều hát, rằng thường xéc bùa tôn vinh đâm đuống và cầu mùa, kết nối cộng đồng.

Kết thúc lễ hội là nhảy múa và uống rượu cần, giống cồng chiêng tạo ra niềm vui ngây ngất như chất men say của rừng núi đất Mường. Nhiều đôi nam nữ cũng nên duyên trong lễ hội đánh đuống./.

Nguồn: LangvietOnline.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT