Non nước Việt Nam

Mùa ăn ong ở Cà Mau

Cập nhật: 28/02/2023 11:32:53
Số lần đọc: 631
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 11 kéo dài đến tháng 3, tháng 4 âm lịch năm sau là thời gian bà con hành nghề gác kèo ong dưới tán rừng U Minh Hạ bước vào cao điểm mùa ăn ong. Việc ăn ong không chỉ mang về cho người dân nguồn thu nhập khá, mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn nghề gác kèo ong - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Anh Lâm Hoàng Khái, Ấp 16, xã Nguyễn Phích, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề gác kèo ong. Theo anh Khái, để gác kèo ong đạt hiệu quả cần đến rất nhiều yếu tố, từ việc chọn địa hình, quan sát hướng đi của con ong đến chọn chất liệu cây để làm kèo; tất cả điều này được anh học hỏi từ những người đi trước. Nhờ chịu khó học hỏi và tích cực nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm thực tiễn nên hơn 6 năm qua, năm nào anh cũng thu về lượng mật ong khá lớn. Chỉ tính riêng từ đầu vụ đến giờ, anh đã thu về hơn 20 triệu đồng từ việc bán mật ong.

Tuy nhiên, anh Khái cho biết: “Năm nay ong về sớm hơn mọi năm, tuy nhiên, việc ăn ong không được thuận lợi như mùa khô các năm trước, do từ đầu vụ tới giờ xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa, việc ăn ong không được liên tục. Những năm trước ăn ong thuận lợi hơn, thời điểm này là tôi ăn được hơn 100 lít, năm nay chỉ mới được mấy chục lít”.

Ông Trần Văn Nhì, Ấp 1, xã Nguyễn Phích, người có hơn 40 năm hành nghề gác kèo ong, chia sẻ: “Nghề này nói khó thì không khó, nhưng dễ thì cũng không dễ, quan trọng là nắm được đặc tính của con ong, coi chiều hướng nó bay như thế nào rồi mình mới chọn hướng để đặt kèo. Với kinh nghiệm tôi có được, tôi đã truyền nghề lại cho con tôi và cả mấy đứa con rể, giờ đứa nào cũng tự mình gác và ăn ong, mỗi năm thu về hàng trăm lít mật. Từ đầu mùa mật đến giờ, tôi và con trai tôi thu được hơn 60 lít mật, trị giá hơn 30 triệu đồng”.

Ông Trần Văn Nhì có hơn 40 năm hành nghề gác kèo, ăn ong truyền thống ở đất rừng U Minh Hạ.

Hiện nay có hàng trăm hộ dân sinh sống dưới tán rừng U Minh Hạ tham gia hành nghề gác kèo ong. Song song với việc gìn giữ nghề truyền thống, bảo tồn Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, người dân dưới tán rừng cũng đang nỗ lực bảo vệ nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng U Minh Hạ, bởi trên thị trường tình trạng bán mật ong trôi nổi khá nhiều.

Theo những người hành nghề gác kèo ong dưới tán rừng U Minh Hạ, để bảo vệ được nhãn hiệu tập thể Mật ong rừng U Minh Hạ, chỉ còn cách duy nhất hiện nay là đi ăn ong trực tiếp, rồi bán mật cho khách. Bằng cách này vừa tạo lòng tin cho khách hàng, lại vừa góp phần giới thiệu, quảng bá nghề gác kèo ong cho khách du lịch gần xa, giúp nhiều người biết đến sản phẩm hơn, từ đó dần xây dựng lại thương hiệu Mật ong rừng U Minh Hạ.

“Trước đây, mật ong bán không có giá, đầu ra cũng không ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi thực hiện dịch vụ du lịch trải nghiệm nghề gác kèo ong, cho du khách trực tiếp theo mình đi ăn ong thì mật ong của gia đình tôi ngày càng bán được hơn. Bên cạnh đó, những năm gần đây, huyện cũng tổ chức nhiều hoạt động quảng bá mật ong rừng U Minh Hạ, từ đó mật ong ngày càng được nhiều người biết đến hơn, giá bán cũng cao hơn”, ông Nhì cho biết.

Ngoài ra, những người gác kèo ong còn tính đến chuyện bảo vệ rừng, bởi khi rừng được bảo vệ an toàn thì ong mới có nơi sinh sản và phát triển, mới tiếp tục mang về cho người dân nguồn thu nhập. Hiện nay, những người tham gia ăn ong vào mùa hạn đều quan tâm đến công tác bảo vệ rừng; họ có lịch ăn ong hẳn hoi, đồng thời trang bị những dụng cụ ăn ong một cách an toàn nhất, không để xảy ra cháy rừng.

Nghề gác kèo ong đã và đang mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân dưới tán rừng U Minh Hạ. Ðây cũng là tiền đề để người dân kết hợp nghề gác kèo ong, ăn ong với làm du lịch sinh thái; không chỉ góp phần giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống của địa phương mà còn giúp nâng cao giá trị của mật ong rừng U Minh Hạ, cải thiện đời sống người dân dưới tán rừng./.

Trung Ðỉnh - Trần Thể

 

Nguồn: Báo Cà Mau - baocamau.com.vn - Ngày đăng 28/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT