Non nước Việt Nam

Qua vùng nước nổi

Cập nhật: 27/02/2023 11:15:55
Số lần đọc: 595
Khi mời bạn đi du lịch thì sẽ là thiếu sót nếu kể những câu chuyện ở miền Tây mà không có vùng đất đặc trưng và có lẽ thú vị nhất ở đồng bằng sông Cửu Long: Đồng Tháp Mười.

Lẩu mắm cá linh là món ngon không thể bỏ qua khi đến miền Tây. Ảnh: internet

Đây là vùng đất ngập nước, trải rộng trên ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và An Giang. Hằng năm, nước từ đầu nguồn Mê Kông đổ về sông Tiền và sông Hậu, gây ngập lụt bốn bề. Nếu lũ lụt với miền Trung cơn ác mộng thì miền Tây lũ là nguồn sống từ bao đời nay.

Đồng Tháp Mười tựa như một cái hồ trũng chứa nước kiểu như hồ Ton-le-Sap của Campuchia. Miền Tây Nam Bộ kênh ngòi chằng chịt nhưng hầu như tất cả đều phụ thuộc vào đầu nguồn Mê Kông.

Nguồn nước lũ từ Mê Kông đổ về từ tháng Bảy âm lịch hằng năm, với rốn lũ Đồng Tháp Mười chính là cái đê tự nhiên khổng lồ, chống mặn xâm nhập từ phía biển trở vào. Nếu lũ quá thấp hoặc không có, viễn cảnh lúa đầy đồng, cá đầy sông chắc chỉ còn trong ký ức.

Những năm trước, mùa nước nổi ở miền Tây thường bắt đầu từ tháng Bảy đến tháng Chín âm lịch. Đi từ Mộc Hóa, Long An theo tỉnh lộ 884 chạy về Tam Nông, Đồng Tháp, đâu đâu cũng một màu trắng xóa.

Một chiều chập choạng nào đó, cùng bằng hữu ngồi trên cái chòi giữa đồng nước, xếp giò xếp cẳng, gắp bông điên điển, cắn miếng cá linh thì thấy hạnh phúc không ở đâu xa. Cá linh là loại cá đặc biệt chỉ có vào mùa nước nổi. Khi đến đây, bạn sẽ thấy lẩu cá linh là một “tác phẩm” sắc màu đẹp và ngon khó quên.

Vào mùa nước nổi, khi đa số diện tích lúa đã gặt xong, chỉ còn những đồng sen bừng sắc trắng hồng. Ở đây, hoa sen nở ngút ngàn trên mặt đầm, thỉnh thoảng thấy mấy dì đội nón lá, mặc áo bà ba, len lỏi giữa đầm sen trên chiếc thuyền độc mộc.

Sen từng bó được chất lên ghe hoặc đựng trong thúng đội lên đầu, không ngớt những tiếng í ới gọi nhau. Giữa bốn bề dân dã hương đồng cỏ nội, bất chợt đàn cò trắng dập dờn lượn qua, hàng trăm loài chim khác ríu rít gọi nhau về đoàn tụ, lúc ngọn nắng cuối ngày còn ửng tròn trên mặt nước cỏ năng của Tràm Chim.

Mấy năm gần đây, cứ đến mùa khô, đất nứt nẻ, xâm nhập mặn tràn lan. Khắp các tỉnh miền Tây, từ Sóc Trăng rồi Đồng Tháp, An Giang đến Kiên Giang, Cà Mau, rất nhiều xã ấp, giờ đây chỉ còn trơ trọi, vắng vẻ đìu hiu.

Mấy trăm năm trước, tổ tiên từ các xứ Đàng Ngoài vào khai khẩn, biến cả vùng Đồng Tháp Mười hoang sơ thành trù phú thì giờ đây, con cháu họ lại bỏ lại ruộng vườn đi tha hương kiếm kế sinh nhai. Giờ đây, miền Tây đầy những ngôi nhà đóng cửa, chỉ còn lại con nít và người già, chiều về, gọi điện ngóng chờ con.

Nhớ những lần tôi ở Hồng Ngự, nơi sông Mê Kông đổ vào đất Việt, thấy mấy làng chài dọc bờ sông Mê Kông, bình dị đến nao lòng. Biết bao lục bình tím một màu man mác, lững lờ trôi từ phía trên kia.

Tôi chạy đi chạy về trên tỉnh lộ nối liền thị trấn Sa Rài, Tân Hồng về thị xã Hồng Ngự. Con đường như đê bao chắn giữa hai khu vực, một bên nước từ thượng nguồn bên kia biên giới đổ về, không biết đâu là đồng ruộng, kênh rạch, một bên là thảm lúa bát ngát thẳng cánh cò bay.

Lác đác là những đồng lúa vừa gặt xong, rơm rạ chất đầy bờ. Đó là những ngày chẳng biết có buồn không, khi nỗi cô đơn dịu nhẹ, len lỏi trong tim mỗi buổi chiều nắng tắt thật chậm.

Thảo An

 

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Ngày 26/02/2023

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT