Non nước Việt Nam

Lễ hội Katê của người Chăm Bình Thuận trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cập nhật: 05/04/2022 05:31:45
Số lần đọc: 992
Ngày 04/4, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký Quyết định số 776/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội truyền thống Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  


Tháp Pô Sha Inư, TP Phan Thiết là nơi diễn ra các nghi thức chính của Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định này, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Katê là một lễ hội truyền thống của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn, nhằm để tưởng nhớ đến các vị thần như: Ppo Klaung Girai, Ppo Rome…

Đây là dịp để người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê hương để cùng đoàn tụ với gia đình, dòng họ, làng xóm, bạn bè của cộng đồng mình.

Thiếu nữ Chăm rước mâm lễ lên tháp Pô Sha Inư thực hiện nghi thức cúng lễ.

Lễ hội được diễn ra vào khoảng cuối tháng Sáu đầu tháng Bảy Chăm lịch trong một không gian lớn từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình.

Trong thời gian này đông đảo các gia đình người Chăm tổ chức lễ. Chủ lễ cúng Katê ở gia đình là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong dòng họ. Vào ngày lễ này, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, cầu mong tổ tiên ông bà phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn trong cuộc sống…

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tỉnh Bình Thuận được phục dựng từ năm 2005 tại tháp Pô Sha Inư, Di tích cấp quốc gia ở phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết với đầy đủ các nghi thức và các giá trị văn hóa dân gian truyền thống đặc sắc vốn có trong lịch sử, mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào Chăm. Mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; cầu mong cho sự hòa hợp lứa đôi, sự sinh sôi nảy nở của con người và vạn vật.

Các chức sắc tôn giáo Bàlamôn thỉnh và rước y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính.

Lễ hội được tổ chức với các nghi lễ truyền thống theo các bước: Lễ đón rước y trang nữ Thần Pô Sah Inư lên tháp chính; Lễ mở cửa đền, tháp; Lễ tắm bệ thờ Linga-Yoni; Lễ mặc y phục cho tượng thần; Đại lễ Katê trước tháp chính.

Bên cạnh phần Lễ là phần Hội với các hình thức diễn xướng dân gian như: dân ca, dân vũ; trình diễn nhạc cụ truyền thống trống Paranưng, Ginăng, kèn Saranai; biểu diễn nghề làm gốm, dệt thổ cẩm… trình diễn nhạc cụ truyền thống, giới thiệu trang phục và điệu múa truyền thống; các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa Chăm.

Đến nay, Lễ hội Katê của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận tại tháp Pô Sha Inư trở thành một trong các Lễ hội văn hóa tiêu biểu của tỉnh Bình Thuận có sức hấp dẫn du khách và qua đó góp phần vào việc quảng bá phát triển du lịch tại địa phương.

Đồng bào người dân tộc Chăm ở Bình Thuận hiện có khoảng 40 nghìn người, là cộng đồng người dân tộc thiểu số có số dân đông nhất, chiếm tỷ lệ 38,98% so các dân tộc thiểu số trong tỉnh và 3,12% dân số toàn tỉnh; sinh sống tập trung và xen ghép tại các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân.

Thiếu nữ Chăm với điệu múa truyền thống dưới chân Tháp Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.

Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Bình Thuận đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh tế-xã hội ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có vùng đồng bào dân tộc Chăm; đời sống kinh tế của các hộ đồng bào Chăm được cải thiện, có nhiều chuyển biến tích cực.

Ðồng bào Chăm luôn được quan tâm tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo, tín nguỡng theo quy định của pháp luật. Các cơ sở thờ tự, công trình kiến trúc văn hóa và bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy.

Mối quan hệ đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng dân cư ngày thêm gắn bó. Công tác xây dựng Ðảng, công tác dân vận, xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào Chăm luôn được các cấp, các ngành quan tâm.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng đồng bào Chăm được giữ vững, lòng tin của đồng bào đối với Ðảng và Nhà nước ngày càng củng cố, nâng lên.

Đình Châu

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 04/4/2022

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT